Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Luận về cái nết của “phe tóc dài”

06:00 | 07/02/2016

1,384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Luận đề “cái nết đánh chết cái đẹp” hình như bây giờ chỉ là câu chuyện xa xưa của những người “muôn năm cũ”, hay nặng nề hơn, nó là tàn dư của sự bất bình đẳng giới tính. Trong xã hội hiện đại, phụ nữ đang khiến công thức “tam tòng tứ đức” ngày nay có một cách nhìn khác…

 

Theo lễ giáo phong kiến thời xưa, người phụ nữ chuẩn mực phải đáp ứng đầy đủ tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh) làm chuẩn mực. Đạo Nho đưa ra chuẩn mực “Tứ đức” nhằm đề cao sự tu thân của người phụ nữ trong gia đình. Bốn chữ “Công”, “Dung”, “Ngôn”, “Hạnh” được xem là “công thức”, là “quy ước” xã hội khi nói về phẩm hạnh và tài năng của họ. “Công” là cái tài, “Dung” là cái sắc, “Ngôn” là lời ăn tiếng nói, “Hạnh” là nết, là đức, là tâm. Người phụ nữ dù có đẹp đến mấy mà không có đầy đủ bốn đức quý trên thì không được coi là người hoàn mỹ, ấy thế mới có câu “cái nết đánh chết cái đẹp”. Và cũng chính những quy tắc này đã trở thành khuôn mẫu trói buộc “cái tôi” và khả năng của người phụ nữ trong phạm vi mâm cơm, chén nước.

luan ve cai net cua phe toc dai
Tố nữ

Người phụ nữ của xã hội hiện đại đã được giải phóng, được cởi trói khỏi những định kiến, những bó buộc của xã hội và được trả lại sự tự do, bình đẳng với nam giới. Thế nhưng “công thức tứ đức” vẫn không hề mất đi giá trị mà chỉ uyển chuyển, biến thiên đi cho phù hợp với môi trường và quan niệm hiện đại.

Nói đến “Công” là nhắc đến cái tài, cái khéo của người phụ nữ trong việc “đối nội”. Đó là người phụ nữ giỏi tề gia nội trợ, may vá thêu thùa và quan tâm, chăm sóc tất cả những thành viên trong gia đình. Ấy là chữ “Công” của ngày trước, còn giờ đây, muốn đạt được chữ “công” này, người phụ nữ phải cố gắng hơn gấp bội. Bởi ngoài việc chăm sóc gia đình, chồng con tới từng bữa cơm, giấc ngủ, người phụ nữ còn phải là “tay hòm chìa khóa” cho mọi thu chi trong gia đình, là giáo viên tài năng trong việc dạy dỗ con cái, là bác sĩ khi thành viên trong gia đình đau ốm, đồng thời vừa là người tình lãng mạn khi chồng mệt mỏi vì công việc, là phu nhân quý phái trong các bữa tiệc chiêu đãi… Bên cạnh “đảm việc nhà”, phụ nữ ngày nay còn phải “giỏi việc nước”, khẳng định giá trị và khả năng bằng chính sự nghiệp của mình. Sự thật là phụ nữ ngày nay đang “soán ngôi” nam giới ở nhiều lĩnh vực, bởi xã hội ngày nay đang có một sự thật khá phũ phàng, đó là đàn ông thì càng nữ tính, còn phụ nữ lại quá mạnh mẽ. Chính vì thế, đã có biết bao ông chồng phải chấp nhận “đổi vai” với những bà vợ giỏi giang, nhường chiến trường cho đám “hồng quần” và lui về hậu phương để cơm áo, gạo củi muối dầu. Có lẽ đó cũng là lý do các chị em “bất cần” nam giới và cổ súy cho chủ nghĩa độc thân?

luan ve cai net cua phe toc dai
Thiếu nữ bên hoa sen

Thứ hai là, chữ “Dung”, đó là sắc đẹp, là dáng vẻ, là ngoại hình của người phụ nữ. Trước kia, người phụ nữ đẹp là bởi sự liễu yếu đào tơ, với những mắt bồ câu, lông mày lá liễu, những “Làn thu thủy, nét xuân sơn/ Mây ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Đó là sự e lệ, yểu điệu, trang phục gọn gàng, dung nhan tươi tắn, thùy mị… Đối với nam giới thời xưa, đó là vẻ đẹp “trời cho”, vẻ đẹp chuẩn mực chỉ một số ít người mới có được và được coi là “khuôn vàng thước ngọc” trong mắt các đức ông chồng.

Thế nhưng, chuẩn mực vẻ đẹp của ngày xưa không thể áp dụng cho thời hiện đại, bởi ai cũng muốn mình xinh đẹp trong mắt người đối diện, nhưng đâu phải ai cũng may mắn có được “vẻ đẹp trời cho”. Bởi lẽ, “trời cho” là “trò chơi”, xinh đẹp lắm cũng sớm nở tối tàn. Người phụ nữ hiện đại không chấp nhận “cái nết đánh chết cái đẹp”, họ hiểu câu nói “không có phụ nữ xấu, chỉ có phụ nữ không biết làm đẹp”. Vì thế, phụ nữ thời nay biết tận dụng của cải và công nghệ để đẹp lên, để thay đổi cả vóc dàng và khuôn mặt.

Thử hỏi tại sao các chị em phải chịu đau đớn, phải chịu tốn kém để làm đẹp? Nhà văn Y Ban đã đúc kết một chân lý khó có thể chối cãi, đó là “đàn bà xấu thì không có quà”. Chị em muốn được yêu thương, được “nhận quà” thì phải đẹp, bởi ở bất kỳ thời đại nào, người đẹp cũng được ưu ái và nâng niu. Thời xưa có nàng Tây Thi xinh đẹp, đến mức nhăn mặt ôm bụng cũng khiến đàn ông xao lòng; nàng Đông Thi muốn được chú ý cũng cố gắng ôm bụng nhăn nhó, nhưng chỉ chuốc lại sự cười chê. Người thời xưa cũng đã ý thức được giá trị của sắc đẹp là vậy.

Trong xã hội ngày nay, chỉ những cô gái đẹp (hoặc chấp nhận đánh đổi để mình đẹp) mới có quyền đòi hỏi sự ưu đãi. Giống một cô người mẫu chân dài eo thon đã từng mạnh miệng tuyên bố “yêu tôi tốn kém lắm” hay một cô hoa hậu có tên tuổi cũng khẳng định hùng hồn “bản thân cái đẹp đã là một tài năng”. Vì thế, các chị em còn chần chừ gì mà không xinh đẹp, hay đổi tiền lấy vẻ đẹp để nhận được những “món quà” của người đời?

Nói đến “Ngôn” của người phụ nữ xưa là lời ăn tiếng nói dịu dàng, đoan trang đối với cha mẹ, họ hàng thân thích, là lời nói âu yếm, yêu thương với chồng, với con. Như ông bà ta đã dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”, lời ăn tiếng nói có dịu dàng, có dễ nghe, có hiểu biết thì câu chuyện mới suôn sẻ, mọi sự mới hanh thông. Thế nhưng, đức “Ngôn” không chỉ thể hiện bằng lời nói đoan trang, dịu dàng, lễ phép, mà hơn thế, nó còn thể hiện trí tuệ, kiến thức, tài năng bằng lời nói đoan trang, dịu dàng, lễ phép, mà hơn thế, nó còn thể hiện trí tuệ, kiến thức, tài năng. Bất kỳ người phụ nữ nào cũng mong muốn hướng tới sự nhã nhặn, lịch sự, trí tuệ, tài ứng đối khi đối ngoại, dịu dàng, lễ phép, đoan trang khi đối nội. Ông bà xưa cũng đã dạy rằng, “chồng giận thì vợ làm lành, miệng cười hớn hở thưa anh giận gì? Thưa anh anh giận em chi? Muốn cưới vợ bé em thời cưới cho”. Một người vợ như thế đố anh chồng nào dám “hó hé” cho được.

Đức cuối cùng và cũng quan trọng nhất, ấy là đức “Hạnh”. “Hạnh” là cái tâm, cái đức, cái “nết” của người phụ nữ, là “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Cái nết của người phụ nữ xưa là hiếu thảo đối với cha mẹ, hiền thục, chung thủy với chồng, làm gương tốt cho con cái, đức độ với họ hàng. Đó là câu chuyện của những người vợ thủ tiết chờ chồng, những đôi vợ chồng “cử án tề mi” chỉ còn trong những điển tích, điển cố xa xưa.

Xã hội ngày nay, “người thứ ba” đã trở thành trào lưu phổ biến tới mức quen thuộc và như một điều tất yếu. Chồng có “bồ nhí”, vợ có “phi công” nhưng vẫn rao giảng những câu chuyện thâm sâu về “đức hạnh” như một kiểu “ăn mày dĩ vãng” vừa rởm đời vừa phi lý. Trong khi đó, nhiều người phụ nữ vẫn bị bó buộc bởi đức “hạnh” mà chôn vùi cuộc đời trong gia đình thiếu hạnh phúc, thiếu sự thông cảm và sẻ chia lẫn nhau.

Xét cho cùng, bắt phụ nữ “gánh” cả “việc nước” lẫn việc nhà quả là bất công cho họ bởi cái “ách” hai-giỏi quá ư nặng nề, vướng víu, đôi khi thật khó chu toàn cả hai. Nhưng nếu không phấn đấu để cân bằng giữa “đối nội” và “đối ngoại”, liệu phụ nữ ngày nay có cán đích trong cuộc đua giữ chồng. Xã hội vẫn rao giảng về bình đẳng giới bằng những lý thuyết giáo điều nhưng sự khắt khe trong việc đánh giá các chuẩn mực đạo đức ở phụ nữ chưa bao giờ giảm bớt nếu không muốn nói là càng khắt khe hơn dù cuộc sống vẫn được cho là ngày càng “thoáng” hơn, “tây” hơn. Có lẽ, thay vì áp dụng máy móc công thức “tứ đức”, chị em cần yêu thương và trân trọng bản thân mình, chứ không nên để nó trở thành định kiến hay chấp nhận “sống chung với lũ”.

 

Vương Tâm

Số Xuân 2016