“Lợi ích nhóm”, “sân sau” che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn
Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, trong năm 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo trước Quốc hội |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với đánh giá của Chính phủ về tình hình tham nhũng là “Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm”. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở và chưa bị đẩy lùi, tham nhũng trong lực lượng có chức năng chống tham nhũng tăng so với năm 2018, gây bức xúc trong dư luận.
Đáng lưu ý, trong khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…
“Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi. Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế” - báo cáo nêu rõ.
Từ hạn chế của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, rà soát và đưa ra danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, qua đó tự mình hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động của Cục Phòng, chống tham nhũng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng, chức vụ, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc trong hoạt động để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm các đơn vị này thực sự là cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng.
Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp cũng đề ra một số giải pháp phòng, chống các loại hình tham nhũng. Theo đó, đối với “tham nhũng vặt”, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để đưa ra giải pháp phòng, chống phù hợp.
Qua các vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới.
Đức Minh
-
Thủ tướng gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu năm 2024
-
Chiến thắng Bình Giã: Sức mạnh toàn dân làm nên mốc son lịch sử
-
Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn
-
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo gỡ khó cho doanh nghiệp hóa dầu
-
Kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam trong thời đại mới