Lo lắng lãi suất: Chờ quyết sách từ NHNN
Ba mối lo lớn
Lãi suất cao, thanh khoản yếu và nợ xấu gia tăng là những lo ngại hiện nay. Lúc này, nền kinh tế đang chờ đợi quyết sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước để cứu doanh nghiệp và cứu cả ngân hàng trước khi mọi việc vượt quá tầm kiểm soát.
Hiện nay, tốc độ huy động vốn ở các ngân hàng thương mại đang bị chậm lại, thậm chí âm. Tốc độ huy động vốn toàn hệ thống (đã quy đổi ra VND và chưa loại trừ giấy tờ có giá mà các tổ chức tín dụng đang nắm giữ) của tháng 4/2011 so với tháng 3/2011 bị âm tới 0,33%, trong đó, huy động VND âm 0,73%.
Từ con số này, đã hiện ra không ít mối lo, mà đầu tiên là lãi suất bị đẩy cao ngất ngưởng.
Với cơ chế khống chế lãi suất huy động 14%/năm nhưng buông lãi suất cho vay, trong điều kiện thanh khoản căng thẳng, lạm phát đang phi mã và cùng đó là một số lĩnh vực phi sản xuất vẫn chấp nhận mức vay trên 25% đã dẫn đến lãi suất thị trường 1 vượt quá trần 14%/năm, thậm chí trên 20%.
Trên thị trường 2, tình hình cũng không yên ả khi một số ngân hàng đang huy động của nhau với mức lãi suất ngất ngưởng. Một nguồn tin cho biết, trong tuần cuối cùng của tháng 4/2011, Ngân hàng Quốc tế buộc phải huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng tới 19,5%/năm; Đông Á huy động 19% – 21,5%/năm; Nam Việt huy động 19%/năm…
Thứ hai, tình trạng thanh khoản yếu do Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tiền tệ từ đầu năm đến nay đã được cải thiện phần nào nhưng tính ổn định vẫn thấp. Trong tháng 2/2011, Ngân hàng Nhà nước hút về khoảng 85 – 90 nghìn tỷ đồng; tháng 3/2011 hút khoảng vài chục nghìn tỷ đồng và tháng 4/2011, do thị trường quá khó khăn, cơ quan này bơm ròng ra trên 10 nghìn tỷ đồng. Theo tính toán của các chuyên gia tài chính, từ đầu năm đến nay, cơ quan này bơm ròng từ 17 nghìn tỷ đến trên 18 nghìn tỷ đồng.
Thứ ba, theo một nguyên lý thông thường: khi sản xuất đình trệ thì ngân hàng rất khó thu hồi được nợ. Một thực tế đáng lo ngại là tính đến cuối tháng 3/2011, nợ xấu toàn hệ thống tăng cao so với cuối năm 2010. Đặc biệt, nợ nhóm 3 tăng khoảng 38%, nợ nhóm 4 tăng gần 30%, nợ nhóm 5 tăng 12%.
Hiến kế điều hành
Hiện tại, thị trường đang xôn xao thông tin Ngân hàng Nhà nước sắp trình lên Chính phủ hai phương án điều hành lãi suất.
Phương án một: Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng mức trần lãi suất huy động tối đa lên khoảng 15,5 – 16,5%/năm; đồng thời ấn định lãi suất cho vay khoảng 18 – 19%/năm.
Phương án hai: bỏ trần lãi suất huy động, ấn định lãi suất cho vay khoảng 18 – 19%/năm, tập trung tín dụng cho sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ để cứu doanh nghiệp.
Hầu hết, khi được hỏi ý kiến xung quanh các phương án trên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong tình thế hiện nay, không còn con đường nào khác ngoài việc áp dụng các biện pháp hành chính.
Tuy nhiên, một nữ chuyên gia ngân hàng “hiến kế” thêm: Ngân hàng Nhà nước nên chọn phương án hai nhưng cần kết hợp với các giải pháp khác. Theo đó, tăng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu cao hơn lãi suất mục tiêu điều hành của mình. Chẳng hạn, nếu mục tiêu điều hành của Ngân hàng Nhà nước đối với lãi suất huy động thị trường 1 là 16%/năm thì lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu phải đẩy lên 18% – 19%/năm.
Theo vị chuyên gia này, sở dĩ phải đẩy lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu cao hơn lãi suất huy động thị trường là bởi các ngân hàng thương mại phải tự mình huy động vốn ở thị trường 1 và cân bằng trạng thái nguồn. Vì thế, khi không đảm bảo được hai yếu tố trên buộc phải xin tái cấp vốn thì phải chấp nhận cái giá do “người mua bán cuối cùng” đưa ra, nhất là trong tình hình lạm phát đang gia tăng như hiện nay. Và đó cũng là rào cản ngăn tổ chức tín dụng đưa nguồn vốn này đẩy tín dụng vô tội vạ ra thị trường.
Đồng thời, đối với những ngân hàng sắp “đứt hơi” vì khó khăn thanh khoản thì có thể tùy vào thực tế từng đơn vị để tái cấp vốn cho họ, nhưng không nên quá 50% vốn pháp định của ngân hàng đó.
Việc tái cấp vốn phải gắn với vốn pháp định cũng giống như “nắm dao đằng chuôi”, nhằm đề phòng khả năng ngân hàng thương mại bị phá sản thì vẫn còn một lượng vốn pháp định trong kho Ngân hàng Nhà nước để bù đắp tổn thất do rủi ro khi tái cấp vốn.
Cứu doanh nghiệp
Tiếp xúc với giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, chị thốt lên: “Chúng tôi quá ái ngại khi cùng doanh nghiệp đặt bút ký vào bản khế ước vay vốn với lãi suất tới 25% – 27%/năm. Họ làm gì để có thể lãi trên mức này để trả cho ngân hàng?”.
Một lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước nói: “Trong lúc này, phải tìm mọi cách để cứu doanh nghiệp, vì chỉ khi doanh nghiệp sống thì ngân hàng mới tồn tại”. Theo ông, các ngân hàng nên giảm lãi, thậm chí chấp nhận hòa vốn. Kết thúc quý 1/2011, dù doanh nghiệp rên xiết với lãi suất cắt cổ nhưng không thấy một ngân hàng nào báo lỗ.
Một ngân hàng thương mại nhà nước công bố lãi trên 1.300 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng rủi ro 400 tỷ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại nói rằng, nguồn lãi của họ đến chủ yếu từ mảng đầu tư chứ không phải tín dụng, nhưng là người sâu sát với các con số báo cáo, theo vị lãnh đạo cấp vụ này, cơ cấu lãi của các ngân hàng hiện nay đến từ mảng tín dụng tới 80%!
Dĩ nhiên, khi phân tích chỉ số lợi nhuận ngân hàng/tổng tài sản thì không phải cao, nếu không nói là thấp nhưng trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, lời vị chuyên gia nói trên không phải không có lý. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất thì nợ cũ gối chồng lên nợ mới và đẩy hệ thống ngân hàng chưa kịp bước qua khó khăn thanh khoản, đã phải đối mặt với gia tăng nợ xấu.
Các chuyên gia cảnh báo rằng, dù Ngân hàng Nhà nước lựa chọn phương án nào thì cũng phải lưu ý đến một nghịch lý đang diễn ra ở phạm vi rộng hơn, đó là “lạm phát cao song hành với suy thoái”. Theo nguyên lý, lạm phát bao giờ cũng kích thích tăng trưởng, nhưng hiện tại, trong khi lạm phát vẫn cao thì kinh tế lại trì trệ, và song song là tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng bị âm (như nói trên).
Thực tế này sẽ dẫn tới hệ quả: dòng tiền nằm ngoài hệ thống ngân hàng quay trở lại tấn công vào giá cả hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, đẩy cao tích tụ lạm phát. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng bị "khô máu” (thiếu thanh khoản) không phát huy được chức năng kênh dẫn vốn từ tiết kiệm tới đầu tư và làm trầm trọng thêm suy thoái kinh tế.
VnEconomy
-
VPI dự báo giá xăng dầu giảm từ 0,5 - 2% trong kỳ điều hành ngày 14/11
-
Thuế quan của Trump không làm hạn chế sự phụ thuộc của EU vào LNG
-
Giá dầu hôm nay (12/11): Dầu thô tiếp đà giảm
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 12/11: Giá dầu thế giới tăng nhẹ đầu phiên
-
Giá dầu hôm nay (11/11): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần