Liệu Mỹ có tạo cơ hội cho các công ty dầu mỏ quốc tế hoạt động ở Venezuela?
Ảnh: PDVSA |
Bất chấp việc Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với hoạt động khai thác và xuất khẩu dầu thô của Venezuela, Nhà Trắng dường như không muốn gây xáo trộn thị trường dầu mỏ và giá cả - hay nói rộng ra là giá xăng của Mỹ - quá nhiều trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào tháng 11.
Vào tháng 10 năm 2023, Mỹ đã nới lỏng các lệnh trừng phạt tạm thời cho đến tháng 4 năm 2024, cho phép khai thác, bán và xuất khẩu dầu hoặc khí đốt từ Venezuela cũng như cung cấp hàng hóa, dịch vụ liên quan và thanh toán hóa đơn cho hàng hóa hoặc các dịch vụ liên quan đến hoạt động của ngành dầu khí ở Venezuela.
Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt kéo dài sáu tháng được đưa ra sau các cam kết của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhằm đảm bảo tổ chức một cuộc bầu cử công bằng trong năm nay.
Do đó, các nhà kinh doanh dầu quốc tế hàng đầu đã quay trở lại hoạt động tại Venezuela, và một số nhà cung cấp dịch vụ mỏ dầu cũng đã giúp các công ty quốc tế lớn khai thác dầu thô từ hoạt động liên doanh của họ với công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA.
Tuy nhiên, do lời hứa của ông Maduro về cuộc bầu cử công bằng không đạt được tiến bộ, Mỹ đã hủy bỏ việc nới lỏng lệnh trừng phạt đối với ngành dầu mỏ của Venezuela.
Trong đợt tái áp đặt trừng phạt lần này, có thể sẽ có thêm nhiều giấy phép đặc biệt miễn trừ các lệnh trừng phạt cho các công ty dầu nước ngoài. Trước đó, Washington chỉ cấp giấy phép miễn trừ cho ông lớn Chevron.
Vào giữa tháng Tư vừa qua, lệnh nới lỏng các biện pháp trừng phạt dầu mỏ tạm thời kéo dài 6 tháng mà Mỹ cấp cho Venezuela vào tháng 10 năm ngoái đã hết hạn và Chính quyền Biden đã chuyển sang áp dụng lại các lệnh trừng phạt đó.
Động thái này đã vấp phải sự phản ứng dữ dội ở Caracas, nơi mô tả việc áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt là một nỗ lực của Mỹ nhằm "kiểm soát và thao túng ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela".
Giấy phép chung số 44, cho phép các giao dịch liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ở Venezuela, đã hết hạn vào lúc 12:01 sáng 18/4. Tuy nhiên, Mỹ đã cấp giấy phép có thời hạn 45 ngày và Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính ( OFAC) cũng xem xét các yêu cầu cấp giấy phép cụ thể để tiếp tục các hoạt động sau khi kết thúc thời gian tạm dừng tùy theo từng trường hợp cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Một trong những giấy phép cụ thể này đã được cấp cho công ty năng lượng Repsol của Tây Ban Nha, công ty hiện đang khai thác dầu ở Venezuela, cùng với Chevron của Mỹ, Eni, Maurel & Prom của Ý và Shell.
Repsol đã được Bộ Tài chính Mỹ cấp giấy phép để tiếp tục và mở rộng hoạt động kinh doanh dầu khí ở Venezuela, các nguồn tin am hiểu về quyết định này nói với Reuters trong tuần trước.
Repsol, trong liên doanh với PDVSA, có cổ phần tại mỏ khí đốt ngoài khơi Perla Field (Cardón IV), một trong những mỏ khí đốt ngoài khơi lớn nhất châu Mỹ Latinh, 60% cổ phần trong dự án khí đốt Quiriquire trên đất liền và cổ phần trong dự án dầu thô nặng Petrocarabobo và liên doanh Petroquiriquire.
Ngay trước khi Giấy phép chung 6 tháng của Mỹ hết hạn, Repsol đã ký một thỏa thuận với PDVSA để bổ sung hai mỏ vào hoạt động chung tại Venezuela, điều này giúp tăng gấp đôi sản lượng dầu tại nước này.
Nhiều giấy phép đặc biệt hơn có thể được cấp cho các công ty dầu mỏ lớn hoạt động trong ngành dầu mỏ của Venezuela.
Một quan chức Mỹ cho biết trong tuần trước rằng Bộ Tài chính Mỹ hiện đang xem xét tới 50 yêu cầu cấp phép riêng lẻ từ các công ty sẵn sàng kinh doanh năng lượng ở Venezuela.
David L. Goldwyn, người đứng đầu Nhóm Cố vấn Năng lượng của Hội đồng Đại Tây Dương và là thành viên cấp cao không thường trú của Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Hội đồng, cho hay: "Mỹ đang tìm kiếm giải pháp để xử lý các lệnh trừng phạt đối với Venezuela".
Goldwyn cho biết, bất chấp việc tái áp dụng các lệnh trừng phạt, Bộ Tài chính Mỹ nói rõ rằng họ hoan nghênh, trong vòng 45 ngày tới, các yêu cầu cấp giấy phép cụ thể phục vụ lợi ích của Mỹ.
Bình An
OP