Liều thuốc đặc trị nào cho xuất bản?
Năng lượng Mới số 393
Con số thống kê tương đối đầy đủ của Cục Xuất bản - in và Phát hành mới công bố gần đây đã khiến nhiều người giật mình khi nhìn lại thực trạng ngành xuất bản trong năm qua. Đại diện Cục cho biết, trong năm 2014, có đến 399 xuất bản phẩm (XBP) vi phạm bị phát hiện và bị Cục xử lý. Trong số đó có đến 398 XBP của 43 nhà xuất bản (NXB). Cụ thể Cục đã xử lý 129 XBP có nội dung vi phạm với các hình thức: Yêu cầu tái bản phải sửa chữa (18 XBP); không tái bản, nối bản (3 XBP); sửa chữa, đính chính lỗi sai (41 XBP); đình chỉ phát hành để sửa chữa (42 XBP); đình chỉ phát hành để thẩm định nội dung (12 XBP) và đình chỉ phát hành, thu hồi với 13 XBP.
Có 229 XBP khác vi phạm cũng được Cục xử lý như: Xuất bản sai với nội dung đăng ký xuất bản (13 XBP); xuất bản sai thông tin ghi trên XBP (216 XBP)... Số XBP vi phạm còn lại bị Cục Xuất bản - in và Phát hành xử lý là các XBP mạo danh các nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp với 12 XBP và 4 XBP xuất bản theo chế độ mật; 24 XBP các nhà xuất bản phải tự xử lý và báo cáo Cục.
Những quyển sách sai phạm gây ồn ào nhất trong dư luận năm 2014
Ðáng chú ý nhất là từ ngày 2/1 đến ngày 30/12/2014, Cục đã xử lý đến 60 cuốn sách vi phạm của NXB Văn Hóa - Thông Tin, như các quyển “Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh” của tác giả Vũ Chất, “25 tướng lĩnh Việt Nam” của tác giả Nguyễn Ngọc Phúc, “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú”, “Hỏi đáp nhanh trí” của tác giả Ðức Trí, “Lịch sử họ Nguyễn Việt Nam - từ thời vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh” của tác giả Nguyễn Văn Kiệm, “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” do TS Nguyễn Hoàng Ðiệp và Đại tá - BS Ðức Thông đồng chủ biên...
Bên cạnh đó, gây ồn ào nhất có lẽ là trường hợp của NXB Lao động & Xã hội với cuốn sách “Bộ luật dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành”. Thật khó hình dung khi một quyển sách về luật, đòi hỏi nghiêm túc, chính xác thì họ lại “đùa” khi lấy hình ảnh cắt ghép Công Lý cởi trần, mặc quần nhỏ rất phản cảm để làm bìa 1. Một ấn phẩm khác cũng của NXB này xuất bản là cuốn sách “Bộ luật Hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành 2014” cũng bị Cục xử lý vì in hình bìa cán cân công lý với một bên đĩa cân đựng chiếc đồng hồ, đĩa cân còn lại đựng xấp tiền. Số tiền mà NXB Lao động - Xã hội đã bị phạt vì 2 quyển sách trên là 252 triệu đồng, chiếm 2/3 trong tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính của tất cả các XBP vi phạm trong năm 2014 (380 triệu đồng).
Thực trạng trên của ngành xuất bản được ông Chu Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản - In và phát hành chỉ rõ ra rằng, đó là hệ lụy của xu hướng liên kết xuất bản giữa NXB và đơn vị liên kết - công ty sách tư nhân. Mà nguyên nhân chủ yếu là do sự liên kết này không dựa trên cơ sở bình đẳng; tức bên đơn vị liên kết có nhiều tiền hơn hay nói đúng hơn là họ đầu tư gần như toàn bộ quyển sách so với bên phía NXB, chính vì vậy trong cuộc chơi của ngành xuất bản hiện nay thì các công ty sách tư nhân mới thật sự là người làm chủ…!
Theo thống kê, hiện nay cả nước có 65 NXB và phần lớn các NXB đang gặp khó khăn vì tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ khuôn hẹp phạm vi đề tài, nguồn vốn hạn chế và cả những hạn chế, yếu kém trong năng lực tổ chức khai thác bản thảo, sự nhạy bén với môi trường kinh doanh… nên sách do chính NXB đầu tư khai thác, sản xuất chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn trên thị trường sách hiện nay. Thế nhưng, nhu cầu thị trường thì đòi hỏi có một nguồn cung lớn hơn; và các NXB đã lấp khoảng trống nguồn cung bằng các sách do tư nhân liên kết. Đây cũng là điều tất yếu khi các NXB phải hoạt động theo cơ chế thị trường, bằng phương thức xã hội hóa, sử dụng nguồn lực của các công ty sách tư nhân liên kết xuất bản đã được Luật Xuất bản cho phép.
Về quy trình, việc liên kết xuất bản giữa NXB và công ty sách tư nhân đã có những quy định rất cụ thể, rõ ràng trong Luật Xuất bản. Trên thực tế cũng có nhiều NXB nghiêm túc tuân thủ quy trình xuất bản khi cấp phép xuất bản. Nhưng song song đó, một số NXB không làm tròn chức năng “gác cửa” để những ấn phẩm xấu, kém chất lượng nghiễm nhiên lưu hành trên thị trường, dưới logo và giấy phép của NXB uy tín. Và vấn đề này xuất phát từ việc ai mới thật sự là người chủ cuộc chơi trong xuất bản, như lời ông Chu Hòa nói!
Chia sẻ với chúng tôi, TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, người có hàng chục năm công tác trong ngành xuất bản cho biết, do một số NXB khi liên kết xuất bản không phải đầu tư khai thác bản thảo, đầu tư nguồn vốn, không phải chịu áp lực của thị trường về bài toán lãi lỗ, nên tâm lý xem đó không phải là “sản phẩm nhà mình” dẫn đến tâm lý làm lấy có.
Cũng vì không phải là người làm chủ cuộc chơi, NXB bị đối tác liên kết thúc hối thời gian do phải được in và phát hành kịp thời điểm và nhu cầu thị trường, thế là chính NXB tự phá vỡ quy trình xuất bản. Họ biên tập sơ sài, bỏ qua công đoạn đọc duyệt, kiểm tra thành phẩm trước khi in, công đoạn hậu kiểm trước khi nộp lưu chiểu… Thậm chí còn xuất hiện tình trạng công ty sách tư nhân chỉ cần báo cho NXB tên của cuốn sách sắp in và nộp cho NXB xuất bản phí liên kết xuất bản là họ đã có ngay giấy phép của NXB, không cần qua bất kỳ một quy trình thẩm định, biên tập, đọc duyệt nào!
Nhưng ngoài trách nhiệm của phía NXB ra thì rõ ràng có các chủ thể khác cũng không thể “vô can” trong việc để xuất hiện hàng loạt các XBP sai phạm trong thời gian qua đó chính là các cơ quan quản lý như: Cơ quan chủ quản của nhà xuất bản, Cục Xuất bản. Bởi theo quy định trong hoạt động xuất bản thì kế hoạch đề tài, kế hoạch sản xuất hằng quý, hằng năm của từng NXB đều được các cơ quan kể trên góp ý, phê duyệt. Do đó, nếu việc giám sát, điều chỉnh kế hoạch đề tài được các cơ quan này quản lý chặt chẽ thì những kẽ hở “chết người”, gây hậu quả nghiêm trọng như trong các XBP vừa qua đã hạn chế đi rất nhiều.
Như vậy, để kê đơn cho ngành xuất bản hiện nay cần có những liều thuốc đặc trị. Đó là những giải pháp mang tính đồng bộ, kết hợp. TS Quách Thu Nguyệt đã thẳng thắn chỉ ra rằng, “phía NXB cần chọn lựa đối tác liên kết để hợp tác, phải biết dứt khoát “nói không” với các bản thảo kém chất lượng. Đặc biệt là phải thiết lập quy trình xuất bản và kiểm soát chặt chẽ từ khâu thẩm định, biên tập, đọc duyệt, ký bản in cuối cùng bao gồm ruột, bìa trước khi đối tác liên kết chuyển sang nhà in, đọc lưu chiểu trước khi cho phép phát hành”.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu đăng ký kế hoạch đề tài, hậu kiểm sau lưu chiểu, kiểm tra việc vận dụng và thực thi các văn bản luật, dưới luật của các NXB. Cục Xuất bản cần mạnh tay sáp nhập hoặc khai tử NXB hoạt động không hiệu quả, quy hoạch lại các NXB theo hướng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”.
Đặc biệt, cần xem xét những quy định ứng xử công bằng với các đơn vị liên kết - công ty sách tư nhân. Đây được xem là cách thức quản lý đơn vị liên kết xuất bản hiệu quả, song rất tiếc là vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Trúc Vân
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
-
Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
-
Nam Phi đối mặt cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ
-
Nhiều khoảng trống pháp lý trong quản lý thuốc lá điện tử và nung nóng
-
Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng
- Tử vi ngày 10/10/2024: Tuổi Dần tài lộc hanh thông, tuổi Dậu nhìn xa trông rộng