Lật tẩy chiêu thức bán đồ cũ, đẩy hàng tồn của dân buôn ngày Black Friday
Black Friday (thứ 6 đen tối) được coi là ngày hội siêu mua sắm, giảm giá lớn nhất trong năm khi các thượng khách có thể mua được những mặt hàng, sản phẩm với mức giá hời. Tuy nhiên, với nhiều dân buôn, Black Friday lại là dịp để quán hàng xả hết hàng tồn kho, lỗi mốt ra thị trường nhằm vớt vát, thu hồi vốn.
Quán hàng tấp nập khuyến mại, giảm giá nhân ngày Black Friday |
Tiết lộ với PV, anh T.H, chủ một cửa hàng quần áo ở Hà Nội cho biết, Black Friday chỉ là một cái cớ để dân buôn đẩy đồ "hết đát", "bán tống bán tháo" hàng tồn kho. Như quán anh H, lượng hàng khuyến mại trong ngày Black Friday chủ yếu là quần áo, giày dép trong bộ sưu tập Xuân hè từ năm 2019, 2020 ế quá, không bán được.
Để che mắt khách hàng, toàn bộ số sản phẩm cũ sẽ được nhân viên ở cửa hàng sửa chữa lại, là phẳng phiu trước khi mang ra trưng bày. "Như cái nào hỏng khóa, bục chỉ đều được may lại hết. Có chấm đen, dính son, dính mực cũng đều được quán tôi giặt là cẩn thận rồi mới mang treo. Thường những đồ này sẽ được giảm giá từ 60 - 80%, khách chỉ được xem, không được thử và miễn đổi trả".
Một cửa hàng đang trưng biển hiệu quảng cáo cho ngày Black Friday |
Ngoài ra, anh H còn tiết lộ, phía sau tấm biển giảm giá, khuyến mại trong ngày Black Friday là cả chiến dịch quảng bá sản phẩm của các quán hàng. Khi dân buôn vừa có thể thanh lý hàng cũ, vừa giới thiệu bộ sưu tập mới trong năm.
"Bình thường, khi bộ sưu tập mới ra mắt là quán tôi phải chạy hết hàng chục triệu, thậm chí là trăm triệu tiền quảng cáo. Nhưng giờ có những ngày hội lớn như Lễ độc thân 11/11, Black Friday, Online Friday thì cũng đỡ được ít chi phí" - anh nói.
Theo anh H, phần đông lượng khách đến cửa hàng ngoài săn sale thì họ thường tìm kiếm đồ mới. Thế nên, nhiều quán hàng cũng tát nước theo mưa bằng cách điều chỉnh thời gian nhập hàng mới trùng vào đúng tuần lễ Black Friday.
Thay vì chờ đến đúng ngày Black Friday, nhiều quán hàng đã chạy các chương trình khuyến mãi sớm |
Cao tay hơn, một số cửa hàng còn xé mác, sửa giá trên sản phẩm để kiếm lời cực khủng. Đơn cử như chiếc áo trước kia có giá 250.000 đồng thì nay cửa hàng sửa thành 500.000 đồng, giảm giá 50%. Hay chiêu dụ "thượng đế" kinh điển là mua 1 tặng 1, mua 3 tính tiền 2, mua 3 tặng 1.
"Thực chất, mọi hình thức khuyến mại, giảm giá đã nằm trong dự tính, tính toán của cửa hàng từ lâu. Thậm chí những ngày này, chúng tôi không lỗ mà còn lãi to. Bởi người đến mua hàng sale thì ít mà mua đồ mới thì nhiều" - chị H.D, chủ một cửa hàng thời trang trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết.
Theo chị D, trước tuần lễ Black Friday, nhân viên ở cửa hàng chị đã giật hết tem, mác cũ để thay bằng biển hiệu mới. Như hàng tồn sẽ được nâng giá mới, rồi khuyến mại thật sâu nhưng tính ra vẫn bằng số tiền cũ.
"Giờ khuyến mại diễn ra quanh năm ngày tháng thì phải sale thật sốc mới thu hút khách hàng, chứ lèo tèo không ăn thua. Nên mỗi đợt xả hàng, lần nào quán tôi cũng ghi là giảm giá tới 90%, khách còn tranh nhau mua không ngớt" - chị kể.
Là một tín đồ thời trang, chị Thu Thảo (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, ở Việt Nam, trước 2 tuần Black Friday, các cửa hàng đã bắt đầu chạy chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, số lượng hàng giảm giá thì không nhiều, đa phần là hàng cũ, lỗi hỏng, bán không hết lưu kho từ năm này sang năm khác.
"Mua hàng giảm giá đôi khi cũng là may rủi, bởi không tìm hiểu là dễ mua phải đồ hỏng, không bõ. Đã thế, hàng khuyến mại thường không được đổi trả nên khách cũng bị thua thiệt nhiều. Nên trước khi rút tiền thì lên nhấc lên, đặt xuống xem đáng không" - chị Thảo nói.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên