Kinh tế Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO: Không như mong đợi
Ngành mũi nhọn tăng trưởng thấp
Đây là nhận định chung tại hội thảo công bố báo cáo đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO do Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 3-4 vừa qua.
Nông nghiệp luôn được xem là ngành kinh tế trụ cột của đất nước. Tuy nhiên, sau 5 năm hội nhập với kinh tế thế giới thì những gì ngành đạt được không như kỳ vọng. Sản xuất nông nghiệp tăng, giảm thất thường, với tỷ lệ 5,6%/năm, giảm còn 3,5% vào năm 2009. Mặt khác, tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực này bình quân thời kỳ 2007-2011 chỉ tăng trên 2,59%/năm, trong đó năm 2009 tăng 1,83%, năm 2010 tăng 2,78% và năm 2011 tăng 3%.
Thực tế, sau 5 năm cái mà ngành nông nghiệp đạt được chính là việc mở rộng được thị trường xuất khẩu nông sản, các loại thuế bán phá giá mang tính áp đặt như trước đây bị bãi bỏ hoặc hạn chế, chất lượng nông sản tăng lên nên nhiều mặt hàng xuất khẩu đã vươn lên vị trí cao của nhiều thị trường khó tính của thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn ngành bộc lộ những mặt còn hạn chế cả trong khâu sản xuất lẫn điều hành.
Trong nhiều năm, Việt Nam phải trả giá đắt khi đầu tư, ưu đãi vào ngành mía đường mà không chứng minh được hiệu quả thực tế của nó. Ngay như xuất khẩu gạo, xuất khẩu cà phê, cao su, điều... mặc dù đạt sản lượng xuất khẩu nhất, nhì thế giới nhưng giá trị gia tăng của ngành lại thấp, lợi ích của người nông dân luôn bị bỏ ngỏ khiến cuộc sống của những người trực tiếp “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nghèo vẫn hoàn nghèo.
Công nghiệp là ngành ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng GDP toàn kinh tế. Thế nhưng, trong giai đoạn 2007-2011, tăng trưởng bình quân hàng năm của khu vực này là 7,0%, thấp hơn nhiều so với mức 10,2%/năm giai đoạn 2002-2006. Còn 8 năm nữa để Việt Nam phấn đấu trở thành nước có nền công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại. Thế nhưng, 6 năm qua, ngành công nghệ của chúng ta vẫn không mấy được cải thiện.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì: “Sau 5 năm, xuất khẩu hàng hóa của nước ta vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu trung gian từ Trung Quốc”. Còn chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan thì cho rằng, sau 5 năm ra biển lớn, cộng nghệ của Việt Nam vẫn là “đạp máy khâu” (ngành dệt may) và “nối mối hàn” (ngành đóng tàu).
Thực tế đáng buồn là, sau 5 năm hội nhập, xuất khẩu của chúng ta không tăng lên nhiều, vẫn ở mức khoảng tăng trưởng 20%. Xuất khẩu gần đây đã gần như nhượng sân cho các doanh nghiệp FDI với trên 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước (trong khi doanh nghiệp trong nước chỉ tăng xuất khẩu được 3%). “Nếu như không cải thiện tình hình, một ngày nào đó, các doanh nghiệp FDI chuyển hướng đầu tư sang nước khác thì xuất khẩu của nước ta sẽ ra sao” - bà Phạm Chi Lan lo lắng.
5 năm qua, ngành dịch vụ được đánh giá có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng đạt 7,5%/năm (so với mức 7,4% trước đó). Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch là 7,7-8,2%. Trong giai đoạn 2007-2011, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của các ngành chủ chốt như thương mại, khách sạn - nhà hàng, tài chính - tín dụng, giáo dục - đào tạo, vận tải - bưu điện - du lịch vẫn được duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng mức độ tăng không ổn định. Điều đáng ngại nhất là 2 ngành quan trọng tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là chuyên môn khoa học - công nghệ và hoạt động hành chính - dịch vụ hỗ trợ lại có mức tăng trưởng thấp nhất trong khu vực dịch vụ.
Vẫn còn nhiều trở ngại
Việt Nam gia nhập WTO đúng vào giai đoạn kinh tế thế giới khủng hoảng. Vì thế, ngoài những yếu tố chủ quan thì đây được xem là trở ngại lớn đối với nền kinh tế nước ta trong suốt 5 năm qua. Tăng trưởng GDP trong 5 năm 2007-2011 chỉ đạt 6,5%/năm, trong khi mục tiêu kế hoạch đặt ra là 7,5-8% và thấp hơn 5 năm trước đó (7,8%). Nguyên nhân được đưa ra là do giá nguyên, nhiên liệu trên thế giới tăng cao, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thông qua một số kênh liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế như giá cả, thương mại, đầu tư vào nước ta nhanh và mạnh hơn.
Thêm vào đó là những yếu kém và hạn chế trong nội tại nền kinh tế bộc lộ rõ nét. Cụ thể là các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cao từ giữa năm 1999 đến trước khi gia nhập WTO dựa vào mở rộng đầu tư hiệu quả không cao, ở mức độ nhất định đã tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn sau đó. Mặt khác, những diễn biến không thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới đã không được lường hết trong kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Điều không kém phần quan trọng là việc thiếu kinh nghiệm và năng lực hấp thụ, trong hòa dòng vốn FDI tăng đột biến trong năm 2007. Các lúng túng và không nhất quán giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để xử lý các bất ổn kinh tế vĩ mô giai đoạn 2008-2010 làm giảm tác dụng của từng chính sách. Các biện pháp chính sách thường bị chậm trong khi đó chính sách vĩ mô thiếu lộ trình nhất quán và kiên định trong trung và dài hạn, thể hiện ở việc các chính sách của Chính phủ thường thay đổi đột ngột giữa hai thái cực: thắt chặt và nới lỏng khiến các chính sách vừa thực thi không kịp phát huy tác dụng, gây ảnh hưởng nhất định đến lạm phát và tăng trưởng.
Gói kích thích kinh tế trị giá 8 tỉ USD mà Chính phủ đưa ra vào hồi 2009-2010 nhằm để cứu nền kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tác dụng của nó. Theo báo cáo của CIEM, nếu Chính phủ không đưa ra gói kích thích kinh tế thì tăng trưởng GDP chỉ có thể đạt mức 4-4,5%, thấp hơn so với thực tế khoảng 1-1,5 điểm phần trăm. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành lại cho rằng: “Giá phải trả cho gói kích thích này để đổi lấy 1% tăng trưởng là giá quá cao, đấy là chưa kể nó đã tạo ra nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn cho những năm tiếp theo”. Bà Phạm Chi Lan cũng đồng tình với ý kiến này, bà cho rằng: “Dễ dãi trong việc tung khoản tiền kích cầu lớn đã khiến Việt Nam lâm vào nợ xấu, đổ vỡ doanh nghiệp nhà nước”.
Trước khi gia nhập WTO, nền kinh tế của chúng ta cũng đã xác định rõ, “ra biển lớn” đồng nghĩa với việc cơ hội sẽ nhiều và thách thức cũng không hề nhỏ. 5 năm qua, cơ hội đến không phải là ít, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài và ra nước ngoài. Nhưng dường như chúng ta chưa tận dụng được hết các cơ hội trong khi nhiều mặt tiêu cực lại bộc lộ rõ hơn. Rõ ràng, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn.
Năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN, lúc đó hội nhập sẽ không chỉ là việc cắt giảm thuế, tự do hóa thương mại, tăng đầu tư mà đòi hỏi phải mở cửa cả về thể chế, tiêu chuẩn, môi trường lao động... Đã đến lúc chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn lại mình, rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu để có chiến lược phát triển lâu dài và bền vững.
Minh Đức
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2024
-
Ngoại lực của kinh tế Việt Nam
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần