Kinh tế đêm - "Thắp" mãi chưa "sáng"
Đà Nẵng đã và đang định hướng những chiến lược để phát triển kinh tế đêm với nhiều loại hình vui chơi hấp dẫn |
Loay hoay lựa chọn
Một thực tế rất dễ nhận ra, đó là Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế đêm phục vụ du lịch, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên cho đến nay, việc đẩy mạnh tiềm năng cho nền kinh tế đêm vẫn cứ “loay hoay” tại nhiều địa phương. Việt Nam xuất phát điểm cho kinh tế đêm được đánh giá là chậm chân so với các nước trong khu vực. Trên thế giới đã có nhiều thành phố phát triển kinh tế đêm, trở thành điểm du lịch nổi tiếng, trong đó phải kể tới các nước như Anh, Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Qatar... vì sự đóng góp rất lớn cho GDP các quốc gia này.
Nếu có thể dành sự so sánh, thì ngay với Thái Lan, mà nổi bật là thủ đô Bangkok cũng đã định danh trên bản đồ du lịch thế giới về nền kinh tế đêm, với nhiều mô hình phát triển rất hiệu quả. Du khách nước ngoài và cả Việt Nam đều hứng thú với nền du lịch đêm ở “thành phố không bao giờ ngơi nghỉ” này. Ở đây, các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra suốt ngày đêm và đồng nghĩa với đó là lợi nhuận thu lại rất đáng kể.
Tại Việt Nam, một số địa phương có sức mạnh du lịch hàng đầu cả nước cũng đã và đang đẩy mạnh kinh tế đêm. Nhiều du khách khi đến với Hà Nội đều rất ấn tượng với văn hóa, ẩm thực, các danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên đó chỉ là du lịch ban ngày, còn ban đêm, ngoài “phố bia” Tạ Hiện, hay việc dạo phố, ăn uống nhiều món ngon ở lề đường thì đến sau 24 giờ, dường như các nhà hàng chuyên về ẩm thực, điểm vui chơi, nơi mua sắm đều đóng cửa.
Ban nhạc đường phố biểu diễn tại phố Tạ Hiện - Hà Nội |
Tại TP HCM, qua khảo sát của một doanh nghiệp du lịch cho thấy, hơn 80% du khách muốn trải nghiệm “Saigon by night”, nhưng cũng chỉ có thể chọn đưa du khách tới phố đi bộ Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ, hoặc ăn tối trên sông Sài Gòn hay tham dự các show nghệ thuật… vào khung giờ nhất định. Ngay cả Đà Nẵng hay Hội An, nơi được đánh giá là rất thu hút với du khách nước ngoài cũng có tình cảnh tương tự. Nhiều ý kiến chung của du khách cho rằng, du lịch đêm ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hội An... dường như đều thiếu màu sắc. Ngoại trừ việc ăn uống với ẩm thực địa phương, dạo phố, dường như chưa có gì nổi bật hơn để thu hút du khách, để du khách phải “móc hầu bao” chi trả cho những dịch vụ đêm.
Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu ban ngày của khách du lịch thường chỉ chiếm 30%, còn lại chủ yếu tập trung vào buổi tối. Nhưng chúng ta lại thiếu những sản phẩm đặc trưng, khó “kích cầu” cũng như khó giữ chân khách lưu trú lâu dài. Như vậy, nếu không có kinh tế đêm, chúng ta đang bỏ phí tới 70% doanh thu. Theo con số thống kê, trung bình du khách đến với thủ đô Thái Lan có thời gian lưu trú là 4,7 đêm và chi tiêu mỗi ngày khoảng 173 USD. Trong khi đó, ở Việt Nam những chỉ số này còn rất khiêm tốn.
Kinh tế đêm đang dần trở thành một phương thức cạnh tranh tầm quốc tế, vì ở nhiều nước đã làm xuất sắc trong khi Việt Nam có khởi đầu chậm hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao những tiềm năng kinh tế đêm tại nhiều khu vực của Việt Nam, trong đó nổi bật lên là những thành phố du lịch hàng đầu như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Hội An, Phú Quốc... Tuy nhiên, đâu là biện pháp đột phá cho các đô thị Việt Nam tận dụng lợi thế riêng để phát triển tiềm năng đang bị bỏ ngỏ này, đó là câu hỏi vẫn đang làm đau đầu các nhà chức trách.
Theo các chuyên gia kinh tế, chi tiêu ban ngày của khách du lịch thường chỉ chiếm 30%, còn lại chủ yếu tập trung vào buổi tối. Nhưng chúng ta lại thiếu những sản phẩm đặc trưng, khó “kích cầu” cũng như khó giữ chân khách lưu trú lâu dài. Như vậy, nếu không có kinh tế đêm, chúng ta đang bỏ phí tới 70% doanh thu. |
Lời giải nào cho bài toán kinh tế đêm?
Với các quốc gia đã và đang phát triển kinh tế đêm, việc xác định khung giờ hoạt động kinh tế đêm từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau gần như là công thức chung. Kinh tế đêm được xác định như một bộ phận hợp thành trong nền kinh tế tổng thể, đóng góp vào tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho người lao động và tận dụng tối đa các tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội.
Trong đó, chợ đêm là mô hình kinh tế đêm hiệu quả đối với du lịch, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập của người dân qua việc làm tăng chi tiêu của du khách, đồng thời làm đa dạng hóa các hoạt động vui chơi, giải trí. Nhiều hoạt động kinh tế đêm đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch. Tại Việt Nam, một số chợ đêm đặc trưng như tại Pleiku (Gia Lai), chợ hoa đêm Quảng Bá (Hà Nội), chợ đêm phố cổ Hà Nội nằm trên các tuyến phố kéo dài 3km từ phố Hàng Đào đến cổng chợ Đồng Xuân, hay nổi bật là chợ đêm Đà Lạt (Lâm Đồng) đã và đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách.
Hà Nội ra mắt sản phẩm trải nghiệm với chủ đề “Ngọc Sơn - đêm huyền bí” tại đền Ngọc Sơn |
Nhiều địa phương đã chú ý phát triển nền kinh tế đặc biệt này, tuy nhiên việc tạo dựng các sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn du khách không hề đơn giản. Ngoài ẩm thực, mua sắm một vài vật kỷ niệm, các chợ đêm chưa tạo được dấu ấn. Trong khi đó, việc tạo thành chuỗi giá trị với những dịch vụ của du lịch đêm để “kéo tiền” du khách ở hầu hết các thành phố, trung tâm du lịch lớn của Việt Nam chưa nhiều.
Tại Đà Nẵng, kinh tế ban đêm hiện đang dần hình thành với những tiềm năng lợi thế sẵn có ban đầu. Tuy nhiên, thời gian hoạt động ban đêm của hầu hết các dịch vụ show diễn, khu vui chơi, du lịch đường thủy nội địa, nhà hàng, cơ sở chăm sóc sức khỏe/làm đẹp chỉ đến khoảng 23-24 giờ đêm. Việc chưa khai thác được những tiềm năng kinh tế đêm đang khiến cho Đà Nẵng cũng như ở một số đô thị lớn trong cả nước lãng phí nguồn thu, đánh mất cơ hội để phát triển hơn nữa.
Nhiều địa phương có tiềm lực phát triển kinh tế đêm, đem lại nguồn lợi phát triển kinh tế xã hội |
Được xác định là một trong những địa phương đi đầu để phát triển kinh tế đêm, UBND TP Đà Nẵng vừa đưa ra định hướng ưu tiên phát triển dịch vụ vui chơi, giải trí đêm mang chủ đề “Bãi biển không ngủ”, đa dạng các dịch vụ vui chơi giải trí tại quận Ngũ Hành Sơn như: Phố đêm 24/7, với dịch vụ bar kết hợp ẩm thực, DJ, âm nhạc đường phố…; kêu gọi đầu tư tàu lưu trú tiêu chuẩn 4-5 sao hoạt động trên vịnh Đà Nẵng; biểu diễn nghệ thuật ánh sáng tại công viên Phạm Văn Đồng; kéo dài thời gian hoạt động của các quán bar, nhà hàng dọc tuyến Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo…
Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định, việc phát triển kinh tế đêm để hỗ trợ cho phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng thành phố đã đặt ra trong thời gian tới. Theo đó, thành phố sẽ dành ngân sách đầu tư để phát triển kinh tế đêm bằng việc xây dựng các sản phẩm các dịch vụ mới. Tạo điều kiện cho các nhà đầu tư quan tâm phát triển kinh tế đêm một cách bài bản có quy mô. Để Đà Nẵng thực sự trở thành thành phố đáng sống cả ban ngày lẫn về đêm.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề đặt ra khi muốn phát triển kinh tế đêm tại các địa phương có thế mạnh về du lịch như Hội An, Hà Nội, Phú Quốc, TP HCM, Đà Nẵng... Đó là rất cần những dịch vụ mới như vui chơi giải trí, casino, mua sắm ở những trung tâm tổ hợp, ngay cả tận dụng điện ảnh, các không gian ảo... để thu hút du khách. Cùng với đó, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, như ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt đêm của người dân. Hay việc chiếm dụng trái phép không gian công cộng, các vấn đề rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, hoặc phát sinh tình trạng chặt chém, ép giá, các vấn đề về an toàn thực phẩm, an sinh xã hội và có thể làm nảy sinh những băng nhóm tội phạm, bảo kê...
Điều mà chính quyền địa phương, cũng như các doanh nghiệp du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế đêm đang hết sức quan tâm, đó là việc xây dựng hạ tầng và mở cửa khung pháp lý, có chính sách thu hút ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đặc biệt, cần có sự quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước, có kết nối giao thông công cộng, mạng lưới quản lý dịch vụ an ninh, an toàn. Khi có được những cơ chế, pháp lý hỗ trợ thì người dân lẫn doanh nghiệp mới dám bung sức ra để phát triển kinh tế đêm. Việc kích thích tiêu dùng ban đêm sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư vào cơ sở vui chơi, giải trí, mua sắm, từ đó, các công ty du lịch và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sẽ có nhiều phương án kéo dài thời gian lưu trú cho du khách. Du khách ở lại dài hơn sẽ chi tiêu nhiều hơn, được thụ hưởng và trải nghiệm nhiều hơn.
Show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” thu hút rất đông khán giả những đêm diễn |
Đặc biệt, để các địa phương có thể phát triển được kinh tế đêm, cần xây dựng được đặc trưng của từng khu vực. Như tại một hội thảo được tổ chức tại TP Đà Nẵng cách đây mấy năm, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã phát biểu rằng, sản phẩm du lịch đêm của chúng ta rất “thiếu màu”, khi các địa phương không có sản phẩm riêng biệt mà cứ học vùng này, vùng kia thì du khách sẽ không kéo dài thời gian lưu trú để trải nghiệm. Chính vì thế, rất cần đa dạng các sản phẩm du lịch đêm mang đặc trưng của từng địa phương như du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực đêm, du lịch mua sắm.
Phát triển loại hình kinh tế đêm đang trở thành một phần không thể thiếu của sự phát triển kinh tế, xã hội. Đó cũng là cách để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với quốc tế, trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, của du khách quốc tế.
Nhiều địa phương đã chú ý phát triển nền kinh tế đêm, tuy nhiên việc tạo dựng các sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn du khách không hề đơn giản. Ngoài ẩm thực, mua sắm một vài vật kỷ niệm, các chợ đêm chưa tạo được dấu ấn. Trong khi đó, việc tạo thành chuỗi giá trị với những dịch vụ của du lịch đêm để “kéo tiền” du khách ở hầu hết các thành phố, trung tâm du lịch lớn của Việt Nam chưa nhiều. |
Hữu Cường
-
Công an tỉnh Quảng Nam triển khai các giải pháp phòng chống bão số 6
-
Bão Trami giật cấp 14, di chuyển nhanh về vùng biển Trung Trung Bộ
-
Quảng Ngãi: Tạm dừng tàu thuyền hoạt động từ 26/10 để phòng tránh bão số 6
-
Bão Trami có thể gây mưa đến 700mm, cảnh báo ngập lụt diện rộng
-
Quảng Ngãi: Lên phương án ứng cứu tàu chở hàng mắc cạn gần cảng Dung Quất