Kinh doanh xăng dầu: Tiếng nói người trong cuộc
Việt Nam chi 1,7 tỉ USD nhập khẩu xăng dầu trong 2 tháng đầu năm 2023 |
Bộ Công Thương giải trình 7 vấn đề về thị trường xăng dầu |
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh): “Chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối”
Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) |
Bộ Công Thương luôn giải thích chiết khấu là do “thỏa thuận để tạo công bằng, cạnh tranh”. Tuy nhiên, những gì diễn ra suốt hơn 1 năm qua đã chứng minh điều ngược lại, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ là do sự “ban phát” từ doanh nghiệp đầu mối. Theo đó, doanh nghiệp bán lẻ đề nghị cần sửa đổi Nghị định số 95 và Nghị định số 83 theo hướng quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu.
Ông Văn Công Thật - Giám đốc Công ty TNHH KNJ Kim Ngọc (huyện Cần Giờ, TPHCM): “Cơ chế điều hành còn bất cập và thiếu minh bạch”
Một đất nước muốn phát triển bền vững phải đảm bảo năng lượng được xuyên suốt, không thể thiếu chuỗi cung ứng xăng dầu quan trọng là các doanh nghiệp bán lẻ cung ứng ra thị trường đến tay người tiêu dùng. Nhưng hiện nay do cơ chế điều hành còn bất cập và thiếu minh bạch nên xảy ra những tình trạng vừa qua.
Ông Văn Công Thật |
Doanh nghiệp bán lẻ chỉ được ký hợp đồng lấy hàng từ 1 nhà cung cấp trong khi doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý đều có cửa hàng bán lẻ xăng dầu nhưng được lấy xăng dầu nhiều nguồn chồng chéo lẫn nhau còn bán lẻ thì hạn chế duy nhất có một nguồn. Vậy dự thảo sửa đổi Nghị định lần này có phá thế độc quyền để cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh xăng dầu tiến tới cơ chế thị trường minh bạch không
Ông Đỗ Thanh Hán, Giám đốc Công ty CP Xăng dầu Sài Gòn (Saigon Petroleum): “Nguyên nhân dẫn đến việc xăng dầu bị đứt gãy là giá”
Ông Đỗ Thanh Hán |
Giá xăng dầu cần phải tính đúng, tính đủ, tính kịp thời trong cả 3 khâu từ đầu mối, phân phối, bán lẻ. Tuy nhiên, thời gian qua, việc điều hành lấy giá 6 tháng trước áp cho 6 tháng. Đây là điều trái với quy luật trong khi xăng dầu là mặt hàng biến động rất nhanh theo từng ngày, từng giờ. Ông Đỗ Thanh Hán đề nghị liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh điều chỉnh kịp thời.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): “Cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho doanh nghiệp”
Ông Trần Duy Đông |
Thời gian tới sẽ tiếp thu ý kiến sửa Nghị định 95, 83. Ngoài tái cấu trúc hệ thống phân phối thì điều hành giá. Giữ nguyên như hiện nay, hiện bản chất ta đang giữ giá trần nhưng đang thiên góc độ về người dân và CPI. Việc tính chi phí, tính rà soát cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho DN. Theo ông, chúng ta nên trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho DN nhiều hơn nữa và Nhà nước sẽ định hướng, tham chiếu nào đó, làm sao hướng tới thể chế quản lý xăng dầu thực sự khoa học và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu do DN nắm giữ và được sử dụng hoàn toàn công khai minh bạch. Thời gian tới, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra giám sát và hoàn thiện cơ sở pháp lý để việc sử dụng quỹ hiệu quả, đúng mục đích. Vấn đề DN bán lẻ được nhập từ nhiều nguồn, ông Đông cho rằng, Nghị định 83, 95 không nghiêm cấm DN bán lẻ lấy từ nhiều nguồn. Bản chất hiện nay nếu như đại lý thấy không ổn chiết khấu có thể chấm dứt hợp đồng đại lý này tìm nguồn cung cấp khác thấy chiết khấu ổn hơn. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, thủ tục sang tên, đổi tên giấy chứng nhận phân phối xăng dầu đòi hỏi Sở Công Thương cần có thời gian thì cũng là khó khăn cho các DN.
TS Vũ Đình Ánh: “Chỉ nên có hai bộ phận một là đầu mối, còn lại là phân phối”
Vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là tạo ra sự đối đầu giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ. Cốt lõi vấn đề thời gian qua là xung đột lợi ích. Vấn đề này phải khắc phục ngay dù sửa hay không sửa Nghị định 83, 95. Một vấn đề khác là chúng ta chưa đặt ra việc có muốn xây dựng một thị trường xăng dầu hay không? Có thực sự muốn hay không? Hay như hiện tại là được rồi, sửa một ít thôi.
TS. Vũ Đình Ánh |
Hiện chúng ta chỉ kinh doanh xăng dầu, chưa có thị trường xăng dầu, nhưng lại đặt ra các vấn đề trên cơ sở đã có thị trường. Vấn đề hiện nay là giá. Chúng ta đang có sự lầm tưởng giữa giá và chiết khấu. Tiếp đến, vấn đề tôi quan tâm là hệ thống kinh doanh xăng dầu đã ổn chưa? Chúng ta luôn đề cập đến 3 bộ phận (đầu mối - phân phối - bán lẻ) nhưng bỏ quên lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất, chiếm 70% hệ thống.
Chỉ nên có hai bộ phận một là đầu mối, còn lại là phân phối. Phải đảm bảo tính độc lập của bên phân phối, không nên bàn về chiết khấu nữa, thay vào đó tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường, kinh doanh trên thị trường.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): “Rà soát các khâu trong tính giá cơ sở, công khai tới doanh nghiệp”
Chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ phụ thuộc nhiều yếu tố. Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Công Thương về chi phí chiết khấu cho bán lẻ, mục tiêu là bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng, dầu ổn định, không xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung.
Ông Nguyễn Minh Tiến |
Trên cơ sở chi phí của thương nhân phân phối, chúng tôi bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ. Chúng tôi sẽ rà soát chi phí định mức trong công thức tính giá cơ sở; nghiên cứu, rà soát các khâu trong tính giá cơ sở và công khai tới doanh nghiệp
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương: “Công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp”
Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, Nhà nước và doanh nghiệp xăng dầu không nên mổ xẻ trách nhiệm và đổ lỗi qua lại cho nhau vì thị trường vốn bất định. Đồng thời, doanh nghiệp bán lẻ không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp nhập khẩu, cung ứng xăng dầu và ngược lại.
TS. Nguyễn Đình Cung |
Việc liên tiếp thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện tại chỉ khiến thị trường khó khăn hơn. Nhà nước đừng để doanh nghiệp bị thua lỗ bởi sự can thiệp hành chính, bởi cơ chế và chính sách. Chúng ta cứ nói về khái niệm chiết khấu này, chiết khấu kia, tôi nghĩ rằng thuật ngữ này không chính xác, hãy để các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối xăng dầu tự thỏa thuận với nhau về lợi ích, để họ tự phân chia lợi ích thì thị trường sẽ dần hài hòa.
Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận rằng những công cụ quản lý của nhà nước đối với thị trường xăng dầu hiện tại đã không còn phù hợp, mà hệ quả là sự thua lỗ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Do đó, các doanh nghiệp cần phải ngồi lại, cùng nhau đưa ra vấn đề để hướng tới thay đổi chính sách.
Minh Châu
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11
-
Thương mại điện tử xuyên biên giới: Cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm Việt
-
Tin tức kinh tế ngày 18/11: Cua ghẹ Việt Nam “đắt hàng” tại Trung Quốc