Kê khai tài sản cán bộ, công chức: Đừng làm cho… có!
Có tờ báo gọi đây là “cơ ngơi hoành tráng”. Có tờ gọi là “vườn thượng uyển”, là “resort 5 sao”, là “trăm tỉ” là “triệu đô”. Gọi thế nào cũng đúng với cơ ngơi hơn 4.000m2 ở Ninh Giang, với 2 hòn non bộ "khổng lồ” bằng đá xanh được thiết kế công phu, đẹp mắt làm “tiền đường tụ thủy” tạo của cải, phúc trạch kiêm điều hòa sinh thái. Rồi thì ngoài đá xanh, còn có đá đỏ. Ngoài đá ngoài cổng, đá non bộ, còn đá đặt trên… đồi nhân tạo. Rồi thì một "rừng” cây cảnh thuộc dạng quý hiếm “khiến mọi người phải ao ước”; rồi một cây sưa “hơn một vòng tay người ôm” (nhưng chủ nhân là Bùi Thanh Tùng nói không phải gỗ sưa), lại cây tùng la hán “hàng trăm năm tuổi” và gốc thị lâu năm…
Báo chí “để mắt” đến là phải. Vì cơ ngơi hoành tráng, vì vườn thượng uyển, vì resort 5 sao, vì “trăm tỉ”, “triệu” đô này có liên quan đến… nghị quyết TƯ4, đến tên tuổi của đồng chí Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến, người từng phát biểu về công khai minh bạch như là một biện pháp hiệu quả chống tham nhũng.
Sau khi báo chí đưa tin “cơ ngơi triệu đô” là của đồng chí Bí thư, Chủ tịch huyện Ninh Giang đã “đính chính” với báo chí rằng “Khu nhà vườn” ở Ninh Giang – nhà vườn chứ không phải “vườn thượng uyển” – là của anh Bùi Thanh Tùng, con trai Bí thư tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến, chứ không phải của đồng chí Quyến. Hơn nữa, diện tích “chỉ có 4.152m2”- chứ không phải gần 5.000m2 như báo chí nói. Ông cũng cực lực phản đối giá trị “ngôi nhà vườn” mà báo chí mô tả là “trị giá hàng trăm tỉ đồng” với lý do rất đơn giản là “Thông tin đó chưa được kiểm chứng”.
Báo chí có vẻ hồ đồ! Một tờ báo trước đó thậm chí còn dẫn đủ các loại nghị định, thông tư để tính toán rằng đối với cán bộ đảm nhiệm chức danh Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, kiêm trưởng đoàn ĐBQH thì mức lương sẽ là: Hệ số phụ cấp Bí thư: 1,3 + hệ số lương, hệ số phụ cấp Chủ tịch HĐND: 8,89 + hệ số phụ cấp Trưởng Đoàn ĐBQH: 1,25 = 11,44 x 1.050.000 = 12.012.000 đồng/ tháng. 12 triệu đồng, tức là chỉ hơn chút đỉnh mức “không đủ sống” 10 triệu đồng mà nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc vừa khẳng định. Tính trong một năm số tiền mà vị quan đầu tỉnh cỡ này có thể nhận được là 144.144.000 đồng.
Thế nên phải tin ngôi nhà chắc chắn không thuộc sở hữu của đồng chí Bí thư. Khi mà tính cả nhiệm kỳ 5 năm, lương của một vị Bí thư là không quá 720.720.000 đồng – số tiền thậm chí không đủ mua một ngôi nhà chính sách.
Tất nhiên, đồng chí Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND, kiêm Trưởng đoàn ĐBQH, sắp tới còn kiêm luôn cả chức vụ Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng sẽ chẳng bao giờ phải giải trình nguồn gốc số tiền chơi cơ ngơi hoành tráng. Bởi như đã nói, cơ ngơi trăm tỉ đứng tên con trai ông: Bùi Thanh Tùng.
Vậy thì anh Bùi Thanh Tùng là ai mà chơi hoành tráng thế?
Xin thưa, dẫu là con trai Bí thư tỉnh ủy, nhưng anh Tùng giờ vẫn khiêm tốn với chức vụ Trưởng phòng Việc làm An toàn lao động Sở LĐ-TB&XH Hải Dương vừa được bổ nhiệm còn chưa ráo mực.
Nghĩ cũng lạ. Trong khi Bí thư, kiêm Chủ tịch HĐND, kiêm Trưởng đoàn đại biểu QH lương chỉ trên mức “không đủ sống” thì một Trưởng phòng quèn lại có đủ tiền chơi cơ ngơi hoành tráng. Mà đó mới chỉ là thứ chưa hoàn thiện, thứ thiên hạ có thể nhìn thấy. Thế nên, cán bộ công chức, nhất là ở Hải Dương, đặc biệt là ngành lao động thương binh xã hội đừng bao giờ than lương không đủ sống. Bởi ngành lao động thương binh xã hội tỉnh nhà đang khiến các ngành bạn tủi thân, khiến các CEO doanh nghiệp nghẹn ngào. Và vớ vẩn, tới đây lại chả hút hết chất xám trên toàn quốc theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”.
Vậy mà Bùi Thanh Tùng vẫn tuyên bố với báo giới rằng, tiền để xây khu “thượng uyển” này là do “mồ hôi nước mắt, xuất phát từ trí tuệ, vận động cá nhân”. Vây thử hỏi Bùi Thanh Tùng có dám chứng minh nguồn gốc toàn bộ số tài sản đó không?
Nhưng dẫu sao, việc báo chí hóa cuồng vì “vườn thượng uyển triệu đô” hóa ra lại là một bài học tốt. Không phải ở nghĩa phải khéo léo hơn, phải bớt hoành tráng đi, phải “ở ẩn” giả nghèo giả khổ. Mà ở chỗ bây giờ chơi “sưa” với “đá”, đại gia thì đại gia thật, hoành tráng thì hoành tráng thật, nhưng cũng rất dễ… rước họa. Bởi nói đến cây sưa “một vòng tay người ôm”, người ta hẳn rùng mình nhớ lại cảnh hỗn chiến với dao súng để cướp sưa ở Quảng Bình vừa tuần trước. Đến cây sưa bé bằng cái miệng bát mọc ngay sát Công an phường Nghĩa Tân còn bị sưa tặc nửa đêm vào cưa trộm, huống chi to đến “một người ôm”. May sưa tặc ít đọc báo chứ nếu không, cũng chẳng biết thế nào mà lần. Còn đá, cũng chỉ vừa tuần trước, chính quyền huyện Chư Sê đã làm cũi sắt giam hai hòn đá vì đã bị “khai thác khoáng sản trái phép”.
Nhớ hôm rồi, khi Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng chống rửa tiền, có vị đại biểu đã thẳng thắn rằng: 6 năm trời thực hiện nghị định 74 về phòng chống rửa tiền, không phát hiện ra nổi một vụ rửa tiền, trong khi ở đâu có tham nhũng thì ở đó có rửa tiền. Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo có lần cũng nói: "Tiền bẩn” của bọn buôn lậu, buôn ma túy trở thành "tiền sạch” quá dễ. Bởi người ta chỉ cần mang bao tiền bẩn đó đi mua nhà, mua đất rồi bán lấy tiền là thành tiền sạch, không cần phải "rửa” qua các ngân hàng.
Ai nói Hải Dương không chống tham nhũng rõ ràng là nói điêu. Trong 5 năm rồi, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Hải Dương đã xử lý kỷ luật 70 cán bộ, đảng viên liên quan đến tham nhũng. Kiên quyết không. Quá kiên quyết là khác. Nhưng chắc đó chỉ là tham nhũng vặt, cỡ tiền lẻ bé đến mức không cần mua phong bì, đến mức chuyện rửa tiền hóa ra lại hóa khôi hài. Chuyện "rửa tiền” chắc chỉ có ở… nước ngoài. Hay chí ít nó cũng không có ở… Hải Dương. Năm ngoái, khi tiến hành kê khai tài sản, ở Hải Dương đã có 773 cán bộ, công chức đã tiến hành kê khai tài sản thu nhập (lần đầu) và 7.958 cán bộ kê khai bổ sung. Báo cáo, to đoành hai chữ “nghiêm túc” thậm chí có câu rất hoành tráng “Không có cán bộ, công chức nào phải thực hiện xác minh tài sản, thu nhập”. Tức bất minh chỉ là chuyện của… tỉnh bạn, hoặc nước bạn.
Thế nên dù Quốc hội có thông qua Luật phòng chống rửa tiền thì ít nhất đó cũng không phải là chuyện ở Hải Dương khi mà người ta sẵn lòng chấp nhận câu chuyện lương trưởng, phó phòng cũng có thể chơi “vườn thượng uyển triệu đô”.
Hơn nữa, việc kê khai tài sản hiện nay đối với cán bộ, công chức, thực chất là khai để cho “vui” mà thôi, bởi lẽ không ai bắt người kê khai phải nói rõ nguồn gốc tiền ở đâu ra – trừ trường hợp phát hiện thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cho nên, nếu chỉ kê khai gọi là “cho có”, mà không truy nguyên nguồn gốc thì rõ ràng chẳng khả thi gì trong việc phòng chống tham nhũng.
Đào Tuấn
{lang: 'vi'}
petrotimes