Hơn 83% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường vì đại dịch Covid-19
Ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh, VCCI đề xuất giải pháp cứu doanh nghiệp |
VCCI: Việc thực hiện các chủ trương của Thủ tướng chậm và thiếu nhất quán |
VCCI: Một nửa doanh nghiệp sẽ phá sản |
Đây là con số thống kê mới nhất được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra sau khi khảo sát trực tuyến nhanh và thu thập từ báo cáo của 700 doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp thuộc 46 tỉnh/thành phố trong cả nước.
Cuộc khảo sát này tập trung vào các doanh nghiệp thuộc các ngành đang chịu tác động hết sức nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Trong đó, hơn 8% là khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), khoảng 71% là doanh nghiệp tư nhân trong nước (DNTN) và hơn 20% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI). Quy mô khảo sát cũng đầy đủ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vừa và lớn.
Theo thông tin từ VCCI,các DN trong mẫu khảo sát chủ yếu đều sử dụng nguyên liệu chính phục vụ sản xuất từ nguồn nhập khẩu. Tính chung, có 34.36% DN sử dụng dưới 10% và 39,71% sử dụng trên 50% nguyên liệu đầu vào chính phục vụ sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài.
Đại dịch Covid-19 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp |
Các DN FDI sử dụng nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu nhiều hơn và phổ biến hơn. Đặc biệt, có đến 66,67% DN FDI sử dụng trên 50% nguyên liệu đầu vào chính phục vụ sản xuất được nhập khẩu từ nước ngoài. Tỷ lệ này ở DNNN là 37,84% và ở DNTN là 31,07%.
Với các sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu như vậy, 52% DN được khảo sát cho biết “đầu ra” chính của họ là thị trường nội địa. Tuy nhiên, thị trường này tùy từng loại hình doanh nghiệp mà có tầm quan trọng khác nhau. Trong khi hơn 62% DNTN và gần 45% DNNN cho rằng thị trường nội địa là thị trường chủ yếu, thì chỉ có 21,7% DN FDI cho rằng thị trường nội địa là chủ yếu đối với họ.
Dẫu vậy, các DN cũng đều khẳng định thị trường quốc tế có vị trí rất quan trọng đối với họ. 27,26% số DN coi châu Á là thị trường chủ yếu; 50,77% DN coi châu Âu và 20,44% coi châu Mỹ là thị trường chủ yếu của họ. Đặc biệt, các DN FDI coi thị trường quốc tế quan trọng hơn thị trường nội địa, trong đó châu Âu và châu Mỹ quan trọng hơn châu Á.
Do sử dụng nguyên liệu sản xuất chủ yếu từ nhập khẩu nên khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, các DN trong nước đã bị ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt là thị trường bị thu hẹp một cách nghiêm trọng.
Hơn 83% DN cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường bị thu hẹp, trong đó chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các DNTN (85,17%), tiếp theo là các DN FDI với 82,50% và DNNN với 69,39% mất thị trường ảnh hưởng đến vốn và tiền mặt. 52.47% DN được khảo sát cho rằng dịch bệnh khiến họ thiếu vốn, dòng tiền kinh doanh, trong đó chịu tác động mạnh nhất là DNTN (58,61%). Đại dịch gây ra thiếu nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho 45,14% DN. Sản xuất khó khăn làm giảm nhu cầu sử dụng lao động và thu hẹp lực lượng lao động của gần 43,95% số DN được khảo sát, đặc biệt là đối với DNTN (48,56%).
Doanh nghiệp dệt may là một trong những ngành chịu tác động nghiêm trọng nhất vì dịch Covid-19 |
Chỉ có 3,75% DN cho biết doanh thu ước tính năm 2020 tăng lên so với năm 2019 và 4,43% DN cho rằng doanh thu tương đương năm 2019. Còn lại khoảng gần 92% số DN cho rằng năm 2020 doanh thu của họ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó đáng chú ý có 21,47% DN thông báo sụt giảm doanh thu trên 50%; 27,77% số DN sụt giảm doanh thu từ 30-50%; 20,44% số DN sụt giảm doanh thu từ 20-30%.
VCCI nhận định: “Tình hình này đều nghiêm trọng đối với tất cả các nhóm DN (DNNN, DNTN và DN FDI), trong đó sụt giảm nhiều hơn thuộc nhóm DNTN, 30,38% số DN sụt giảm từ 30-50% doanh thu và hơn 22% sụt giảm trên 50% doanh thu”.
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, với sự phụ thuộc mạnh vào thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, thị trường tiêu thụ hàng hóa ở nước ngoài, cũng như nội địa thu hẹp, việc duy trì sản xuất kinh doanh đối với các DN là hết sức khó khăn.
Có đến 29,81% số DN chỉ có thể duy trì hoạt động được từ 1-3 tháng, 29,47% duy trì được từ 3-6 tháng, 20,78% DN có thể duy trì hoạt động trong 6-12 tháng và chỉ gần 20% số DN thông báo có thể duy trì được trên 1 năm. Việc khó khăn trong duy trì sản xuất, bên cạnh nhiều hệ lụy về kinh tế, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến duy trì việc làm, ổn định thu nhập và đời sống cho người lao động. Khó khăn nhất là các DNTN và DN FDI với số DN có thể duy trì hoạt động chỉ từ 1-3 tháng tương ứng là 33,33% và 30,38%.
Nếu xem xét theo các nhóm ngành, tình hình duy trì hoạt động khó khăn thuộc về các DN trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn bán lẻ; và dịch vụ lưu trú và ăn uống. Khoảng 63% DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo dự kiến chỉ có thể duy trì được hoạt động từ 1-6 tháng. Tỷ lệ tương ứng đối với nhóm bán buôn, bán lẻ là khoảng 60% và với nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống là 75%.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thời kỳ dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã kiến nghị một số biện pháp cụ thể nhằm vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động và có thể “vực dậy” hậu dịch bệnh. Gần 70% DN đề nghị Nhà nước hỗ trợ tài chính, tín dụng, khoanh nợ, giãn nợ; hơn 83% số DN đề nghị Nhà nước hỗ trợ thuế (giảm thế, nộp chậm thuế); gần 60% số DN đề nghị Nhà nước có chương trình hỗ trợ bảo vệ việc làm cho NLĐ; 38% DN đề nghị Nhà nước hỗ trợ phòng dịch cho NLĐ trong thời gian dịch bệnh; hơn 72% số DN đề nghị Nhà nước tạm dừng đóng BHXH từ tháng 3 đến hết tháng 12-2020…
Nguyễn Hưng
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Luật sư Trương Anh Tú: Sửa Luật số 69, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước chủ động hơn