Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp
Diễn đàn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn, có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VIII năm 2023 có gần 600 đại biểu tham dự. |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một chủ trương lớn, xuyên suốt và nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm Khóa IX, kinh tế tập thể, hợp tác xã đang trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế đất nước, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, trật tự, an toàn xã hội.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam luôn xác định tham gia phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội; tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX và đạt được nhiều kết quả quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho hội viên, nông dân.
Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn phát biểu khai mạc diễn đàn. |
Thông qua hoạt động của các cấp Hội đã thu hút gần 570.000 lượt hộ nông dân gia các dự án nhóm hộ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng, thành lập trên 23.000 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả, trong đó có trên 3.800 hợp tác xã và trên 19.000 tổ hợp tác với doanh thu bình quân mỗi hợp tác xã đạt 4,7 tỷ đồng, lợi nhuận 350 triệu đồng/năm; doanh thu bình quân mỗi tổ hợp tác khoảng 240 triệu/năm, lợi nhuận đạt gần 40 triệu/năm; số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên ngày càng tăng với trên 700 hợp tác xã (chiếm gần 20%).
Để làm rõ các vấn đề của Hợp tác xã trong tình hình mới, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề lớn như: Thực trạng phát triển kinh tế tập thể ở nước ta hiện nay, những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp nông dân trong phát triển HTX; Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp với các HTX, giữa nông dân với HTX, giữa HTX với doanh nghiệp trong việc tạo chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản; Thảo luận về vấn đề ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh, vào các hợp tác xã, tổ hợp tác phục vụ sản xuất, xuất khẩu nông sản…
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe một số báo cáo tham luận và tập trung vào thảo luận các chủ đề chính, đó là: Thực trạng phát triển kinh tế tập thể nói chung và tình hình hoạt động của các HTX, THT do Hội Nông dân Việt Nam vận động, hỗ trợ thành lập; Chia sẻ kinh nghiệm, bài học và cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thành lập các HTX, THT trong nông nghiệp; Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết đa giá trị…
Các báo cáo tham luận đều khẳng định việc phát triển kinh tế tập thể, HTX có ý nghĩa sâu sắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và cả về an ninh trật tự. Kinh tế tập thể, HTX không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên, đặc biệt nông dân và khu vực nông thôn. Đồng thời, các tham luận cũng khẳng định vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc phát triển kinh tế tập thể, HTX là rất quan trọng.
Tại diễn đàn cũng đã diễn ra 2 phiên thảo luận gồm: Phiên thảo luận 1: Chia sẻ kinh nghiệm, bài học và cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thành lập các HTX nông nghiệp; Phiên thảo luận 2: Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết đa giá trị.
Các phiên thảo luận đã thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều HTX, đại biểu về việc các cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tập thể, HTX; các vấn đề về sản xuất, thị trường xuất nhập khẩu; vấn đề về vay vốn phát triển sản xuất… Hầu hết các ý kiến đều mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ HTX được phát triển hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn. |
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Đảng, Nhà nước xác định rõ và coi kinh tế tập thể là một trong 4 thành phần kinh tế không thể thiếu, cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài FDI, tạo nên sự ưu việt của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tập thể không chỉ có vai trò phát triển kinh tế đơn thuần, mà còn góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định sự kiên định đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, trong những năm qua Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Các mô hình kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã do Hội Nông dân tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập hoạt động hiệu quả ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tập thể hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều HTX gặp thách thức cả về vốn, đất đai, tiêu thụ nông sản cho đến năng lực quản trị, cơ chế, chính sách để vận hành, hoạt động của các hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để tạo động lực, thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hội Nông dân Việt Nam cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập mới các HTX, tổ hợp tác trên cơ sở các chi, tổ hội nghề nghiệp. Phấn đấu số lượng HTX, tổ hợp tác mới được thành lập năm sau phải cao hơn năm trước, đáp ứng mục tiêu cụ thể đã được nêu tại Nghị quyết số 20- NQ/TW là đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 02 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 08 triệu thành viên tham gia.
Phó Thủ tướng yêu cầu Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp".
“Các nội dung Đề án phải đảm bảo tính khả thi, huy động được nguồn lực của xã hội, hộ gia đình, cá nhân cùng tham gia; phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích những cách làm mới, hình thành các chuỗi liên kết bền vững. Cần phát huy tối đa vai trò nòng cốt, làm chủ của người nông dân trong phát triển kinh tế tập thể; khơi dậy khát vọng, ý chí làm giàu của cán bộ, hội viên nông dân”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.
Đối với các HTX, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong rằng các HTX sẽ chủ động, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Các sản phẩm làm ra phải có thương hiệu, chất lượng cao, đáp ứng được thị trường trong nước và thế giới, nhất là gắn với thương hiệu Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Các HTX cũng cần nhanh chóng ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh; tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm hiện đại hóa các khâu sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ra mắt "Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc" Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, được sự đồng ý và cho phép của Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức Ra mắt Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc nhằm kết nối, chia sẻ với gần 800 Nông dân xuất sắc đã được bình chọn, tôn vinh trong 11 năm qua và đại diện các HTX tiêu biểu, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mạng lưới Nông dân Việt Nam xuất sắc được hình thành trên cơ sở tự nguyện, tự chủ hoạt động với các hình thức sinh hoạt đa dạng, phong phú. Dự kiến, mạng lưới sẽ có các bộ phận chính, gồm: Ban Điều hành, Ban Thư ký và Ban Truyền thông. Mạng lưới sẽ được hoạt động chủ yếu trên nền tảng số, kết nối online và sẽ có một số buổi sinh hoạt trực tiếp. Ban điều hành mạng lưới gồm 7 thành viên: - Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed. - Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An. - Bà Nguyễn Thị Hồng, Nông dân Việt Nam xuất sắc Hà Nội. - Ông Phạm Xuân Thủy, Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Thái Bình. - Ông Y Pốt Nie, Nông dân Việt Nam xuất sắc tỉnh Đắk Lắk. - Ông Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt. - Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng Biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt. |
Quang Phú
-
Cần hiểu đúng và đủ về áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Những ‘lo ngại’ thiếu định lượng sẽ làm hiểu sai tác động thuế GTGT phân bón 5% với nông dân
-
Chậm thay đổi chính sách thuế GTGT phân bón có thể khiến nông sản Việt thua thiệt trên trường quốc tế
-
Các hiệp hội đứng về nông dân đồng loạt ‘mong’ áp thuế GTGT phân bón 5%
-
Lợi nhuận 9 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh, PAN về đích sớm?