Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hồi kết nào cho hát nhóm của V-Pop?

07:00 | 17/07/2013

646 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ở nền âm nhạc thế giới, các nhóm nhạc vẫn đang phát triển không ngừng, có những nhóm nhạc tuy mới nhưng đã tạo ra danh tiếng vang lừng, thu hút được nhiều fan hâm mộ. Tiếc rằng, nhạc Việt thì ngược lại, nhiều nhóm nhạc có tiếng một thời thì tan rã, nhóm nhạc mới thì hoặc rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng hoặc cũng sớm tan đàn sau khi ra mắt!

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhạc Việt xuất hiện nhiều nhóm nhạc nổi tiếng đình đám. Những nhóm nhạc này trở thành niềm cảm hứng để hầu hết khán giả trở nên yêu mến và gắn bó với nhạc Việt như là một món ăn tinh thần không thể thiếu, các nhóm ca như: 1088, GMC, MTV, AC&M, Tam ca Ba con mèo, Áo trắng, 3A… Đến thời điểm hiện tại, dù đã tan rã nhiều năm nhưng vẫn để lại trong người nghe nhạc những ký ức đẹp, những ấn tượng sâu sắc.

Nhóm nhạc nổi tiếng thời điểm đó không đi lên bằng những chiêu trò, gây scandal để được chú ý, họ cũng không có ngoại hình bắt mắt, lấp lánh với đủ loại trang sức đắt tiền trên người… nhưng họ có cá tính trong giọng hát và có tinh thần gắn bó của một nhóm nhạc thật sự. 

Hình ảnh các nhóm nhạc đình đám chỉ còn là ký ức đẹp trong lòng công chúng

Có thể nói, Ba con mèo là một trong những nhóm nhạc đầu tiên được ra đời của thời kỳ nhạc trẻ Việt Nam mới hình thành. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, nhóm đã tạo được ấn tượng với khán giả không chỉ bởi tài năng của họ mà còn là phong cách biểu diễn đầy cá tính và có chút nổi loạn hiếm thấy trong thời điểm đó. Kế đến là tam ca Áo trắng với phong cách âm nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, dễ đi vào lòng người. Đã có một thời, liên tiếp các ca khúc hit của nhóm vang lên khắp nơi và tồn tại một thời gian rất dài.

Với các nhóm nhạc nam thì vào đầu những năm 2000, có những nhóm nhạc đình đám như: 1088, GMC, AC&M, MTV… Trong đó, 1088 chính là boyband đầu tiên của làng nhạc trẻ V-Pop thành công theo mô típ lăng-xê của thế giới. AC&M cũng từng là một trong những nhóm nhạc nam để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người nghe nhạc Việt bởi giọng hát chuẩn mực và phong cách lịch thiệp, sang trọng. MTV cũng là một trong những rock band nổi tiếng và gây được tiếng vang nhất trong nền nhạc trẻ Việt Nam những năm 2000-2007. MTV còn là nhóm hát đoạt được nhiều danh hiệu như: Nhóm nhạc được yêu thích nhất, ấn tượng nhất do nhiều tờ báo bình chọn…

Nhưng sự tan rã của những nhóm nhạc cứ diễn ra như là một quy luật tự nhiên, dù những nhóm nhạc ấy đã từng gắn bó với nhau và đang rất thành công. Rất nhiều lý do để tác động đến sự “tan đàn xẻ nghé” ấy của những nhóm nhạc: mâu thuẫn giữa các thành viên, muốn hát solo, chuyện đầu tư cho nhóm nhạc tốn kém nhưng thu nhập lại không bằng ca sĩ đơn… Những nhóm nhạc nổi tiếng một thời của nhạc Việt giờ không còn, các thành viên theo đuổi con đường riêng, có người thì rẽ sang hướng khác ngoài nghệ thuật, có người thì hoạt động solo. Đó cũng là điều bình thường có thể xảy ra ở bất kỳ nền giải trí nào, song điều đáng buồn nhất là nhạc Việt không có những nhóm ca mới thay thế.

Thật ra, nói đúng hơn thì thị trường nhạc Việt cũng đang có những nhóm nhạc trẻ hoạt động như: The Men, VMusic, 365... Nhưng số lượng quá ít và không có nhiều ấn tượng, cũng như triển vọng phát triển tương lai. Nói như thế không phải phủ nhận cố gắng và năng lực từ những gương mặt trẻ này, nhưng vấn đề là hiện nay showbiz Việt không còn là đất lành cho các nhóm nhạc. 

Có vài nguyên nhân để giải thích cho vấn đề đó. Đứng ở góc độ nhà đầu tư thì ông Nguyễn Duy Khánh, Giám đốc Công ty Tổ chức biểu diễn, đào tạo ca sĩ Nhạc Xanh, “ông bầu” nổi tiếng một thời với các nhóm nhạc như 1088, GMC chia sẻ với phóng viên Năng lượng Mới là do đầu tư nhóm nhạc rất tốn kém, tình hình kinh tế khó khăn, đầu tư nhóm nhạc cao gấp 4, 5 lần so với ca sĩ đơn, từ trang phục cho đến di chuyển, ăn ở trong quá trình lưu diễn. 

Kế đến là vấn đề thu nhập của nhóm hát cũng làm cho những ý định thành lập các nhóm nhạc của nhiều công ty hiện nay đều… chùn tay. 

Có một thực tế khác là, hiện nay nhiều gương mặt trẻ xem việc thành lập và hoạt động dưới hình thức nhóm nhạc chỉ đơn giản là bước đệm, là đòn bẩy để tách ra solo sau đó chứ không có ý định gắn bó nhóm lâu dài. Và thường thì đó là những nhóm hát tự phát, không bị ràng buộc nên sự tan rã càng diễn ra nhanh hơn so với những nhóm nhạc dưới sự đầu tư của công ty. 

Ngoài những lý do trên thì điều khiến cho tình trạng hát nhóm của V-Pop rơi vào lao đao còn nằm ở câu chuyện quản lý của các nhà quản lý văn hóa biểu diễn. Ông Nguyễn Duy Khánh cho hay, việc cơ quan quản lý có phần lỏng lẻo với những ca sĩ vi phạm hợp đồng, hay đang trong giai đoạn tranh chấp với công ty đã khiến nhiều gương mặt như thêm động lực trong chuyện tự ý bỏ nhóm, bỏ công ty. 

Không được các cơ quan chức năng hỗ trợ tối đa về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp cũng chính là điều mà các ông “bầu” như ông Khánh không mặn nồng, không dám mạo hiểm đầu tư vào nhóm nhạc nữa!

Trúc Lê