Hỗ trợ con “học cách học”
Vượt qua thách thức dạy con tại nhà |
10 điểm khác biệt trong dạy con thông thái |
Các em học một môn học cần sự quan sát, so sánh, phân tích bằng cách học thuộc lòng, ghi nhớ một cách vô thức. Tôi rất ngạc nhiên về phương pháp học ấy ở những đứa trẻ đã bước sang cấp II (nói theo cách phân cấp cũ). Tôi nghĩ rằng, các em cần phải “học cách học” để biết cách sử dụng các bước của tư duy trong quá trình học, biết chọn lọc nội dung mà không phải dùng một kiểu ghi nhớ cho hiệu quả không cao như đã tả trên nữa.
Ảnh minh hoạ |
Một em bé 10 tuổi mà tôi mới biết đây không thích nói về những bài học trên lớp vì kiến thức em thu nhận được qua các nguồn khác đã quá nhiều - sách báo, internet… chính vì thế việc học trên lớp không còn lôi cuốn em nữa nên em không thích học. Tôi lại nghĩ, việc tiếp cận em từ phía người lớn lại phải có cách, và em cũng cần “học cách học”.
Một cậu bé lớp 2 ngồi làm bài tập về nhà là chép vào vở một bài đọc rất dài. Chép xong em cũng không biết bài em vừa chép nói về cái gì, nhưng thế là em đã hoàn thành bài rồi đấy! Rõ ràng, dù còn rất nhỏ, em đã cần có được một cách học, bằng không tất cả các hành vi học tập sau này của em sẽ rất vất vả mà không đưa lại hiệu quả.
Một em nhỏ lớp 1 đã học hết chương trình lớp 1 ở lớp học thêm, chuẩn bị cho năm học đầu tiên trong cuộc đời ở trường phổ thông, em cũng tỏ ra chểnh mảng, uể oải, vì “con đã biết hết cả rồi”!
Hiện giờ, ở trường phổ thông, phần lớn các em được học theo phương pháp: em học sinh nghe giảng và chép bài giảng của thày vào vở. Do khối lượng thông tin phải trao cho các em quá nhiều, thày giáo không đủ thời gian để tiến hành bài giảng theo cách khác hơn ngoài cách truyền thống là thày nói, trò ghi ấy - những việc làm như đặt vấn đề, quan sát, thống kê, phân tích, so sánh, khái quát… sẽ khiến cho trò không tiếp thu một cách thụ động mà có thể đưa ra những suy nghĩ riêng dựa trên những gì các em tự học, tự tìm hiểu bên ngoài, làm phong phú thêm kiến thức trong sách giáo khoa… không phải nơi nào cũng làm được. Một cách vô tình, các em bị tước mất khả năng tự đặt vấn đề mà chỉ biết cắm cúi tiếp nhận kiến thức, không có cả điều kiện nghi ngờ, tranh luận hay phản biện. Đây rõ ràng là một cách học chưa đầy đủ.
Từ những ví dụ trên đây, tôi lại nghĩ đến việc thu nhận kiến thức ở trên lớp - từ cách học của học sinh mà thay đổi cách dạy của các thày cô giáo. Nhóm biên soạn sách giáo khoa Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn hướng dẫn đã dùng cụm từ “tổ chức việc học” trong cuốn sách thiết kế các bài giảng thay cho từ “dạy” cũng là có ý - muốn việc học diễn ra một cách không thụ động và công việc của người giáo viên chưa chắc đã là truyền đạt kiến thức mà phải rộng hơn - tổ chức làm sao cho việc học - tìm hiểu kiến thức, tiếp cận thông tin và xử lý thông tin - được diễn ra có hệ thống, đồng thời lại là một quá trình chủ động của trẻ. Nhà giáo Phạm Toàn từng phát biểu trong buổi tọa đàm giới thiệu bộ sách “Chào lớp Một” của nhóm Cánh Buồm rằng “Cốt lõi tay nghề của giáo viên nằm trong cách dạy đúng, và tay nghề đó không bắt nguồn từ "nghệ thuật sư phạm" hiểu theo nghĩa "ngón nghề" bí hiểm, mà tay nghề này được quyết định bởi sự am tường cách học của trẻ em”.
Chúng ta cũng cần nói đến việc hướng dẫn học của các phụ huynh đối với con trẻ ở nhà mà bây giờ người ta cứ hay dùng một từ rất sai là từ “kèm” - kèm con học - cái từ ấy đã phần nào nói lên sự giám sát một cách vô nghĩa và sự thúc đẩy việc học của con khiến con học một cách thụ động. Lẽ ra chúng ta nên dùng từ “hướng dẫn” hoặc từ gì đó tương tự để thấy rằng việc học của trẻ ở ngoài lớp học cũng cần có sự tiếp cận đúng cách, có phương pháp, bằng không, vừa không hiệu quả lại có thể gây hiệu ứng ngược, làm trì trệ quá trình tìm hiểu, luyện tập và ghi nhớ bài học của trẻ.
Mỗi đứa trẻ một cách học
Trong cuốn sách “Mỗi đứa trẻ một cách học”, nhà giáo dục học Mỹ Cynthia Ulrich Tobias giới thiệu với chúng ta một khái niệm không mới nhưng không phải ai cũng để tâm khi nói đến việc học của trẻ - đó là phong cách học. Qua kinh nghiệm giảng dạy của mình ở trường phổ thông, bà phát hiện ra rằng, từ đặc điểm tính cách, tâm lý, mỗi đứa trẻ có một phong cách học khác nhau để có thể đạt được hiệu quả. Có đứa nhất thiết phải đọc to bài học lên, có đứa lại cần dựa vào trí nhớ thị giác - nghĩa là phải dùng thẻ màu để ghi những điều cần nhớ. Có đứa phải đi vòng vòng trong nhà trong khi suy nghĩ bài học. Nó nhất thiết phải giơ tay phải khi nói đến khái niệm này và vung tay trái khi nói đến khái niệm kia. Có đứa có khả năng học trong tiếng tivi hay tiếng nhạc xập xình mà đứa khác lại phải được hoàn toàn yên tĩnh…
Quan sát những đứa trẻ, tôi cũng đồng tình với nhà giáo dục về điều này. Mỗi đứa trẻ thuộc một loại tính cách riêng, phong cách làm bất cứ việc gì chứ chưa nói đến là việc học của chúng rất khác nhau. Vậy đối với các phụ huynh, việc nắm bắt được đứa trẻ của mình thuộc loại tính cách nào - phong cách nào - có thể sẽ đem đến thành công trong quá trình hướng dẫn hoặc khuyến khích con học. Còn đối với các thày cô giáo, tìm hiểu hướng tiếp cận này, tuy mất công một chút nhưng thực ra cũng không quá phức tạp và toàn dựa trên những nguyên lý quen thuộc với chúng ta trong các khái niệm về trí nhớ, tư duy của trẻ - thì cũng rất có thể giảm được nhiều khó khăn trong quá trình dạy học, nhất là với những lớp học quá đông học sinh. Học sinh có thể được phân loại và chia nhóm theo từng phong cách học nhất định để khai thác một bài học mới.
Cha mẹ phải làm gì để hỗ trợ con “học cách học”?
1. Hỗ trợ phương pháp tư duy: Ngay từ khi học ở trường Mầm non cho đến các cấp học trên, thay vì tô chữ, học tính trước, các bố mẹ hãy chú ý gợi cho con quan sát; thấy điều gì lạ thì đặt câu hỏi (càng nhiều câu hỏi càng tốt), thậm chí khuyến khích chúng đặt câu hỏi phản biện (“Thế nhỡ… thì sao? Nếu… thì sao?); so sánh với những sự vật, hiện tượng các con đã từng thấy; khơi gợi tưởng tượng và liên tưởng bằng những bài tập “giả sử con là….”. Cho con học cách vẽ sơ đồ tư duy từ những chi tiết tóm lại vào những nhánh lớn khái quát hoặc ngược lại, từ một chủ đề, chia nhánh khái quát và đưa ra những sự vật, sự việc chi tiết… Tất cả những thao tác đó là những thao tác tư duy mà trẻ cần thực hiện liên tục, như những kỹ năng hỗ trợ việc học….
2. Chớ bị lệ thuộc vào việc dạy trước chương trình, cho con học sớm... Việc đó không quá quan trọng với trẻ và có thể sẽ làm mất động cơ học tập của con khi con đi học chính thức.
3. Quan sát đứa trẻ để xác định phong cách học của chúng: con dễ dàng hơn khi học có âm thanh, đọc to lên, khi vẽ sơ đồ hay phải đi lại, ngọ nguậy? Từ nhận xét này, bố mẹ có thể hỗ trợ con bằng cách gợi ý con vẽ ra, dùng màu sắc, hoặc đọc cho con nghe, hay chơi trò tưởng tượng…
4. Học bằng từ khóa: Với cách học hiện đại, hãy lưu ý trẻ những từ khóa quan trọng của một bài học. Dùng thẻ từ để viết từ khóa ấy hoặc viết lên trên bảng, viết riêng ra một tờ giấy lớn. Xung quanh từ khóa là cả một.. “vầng hào quang” những liên tưởng, số liệu kèm thêm. Khi ôn bài có thể điểm nhanh bài học bằng các từ khóa.
5. Từ việc hiểu được, mỗi đứa trẻ có một cách học riêng, mong các bậc phụ huynh cẩn trọng khi áp dụng những phương pháp dạy khác nhau với đứa trẻ của mình: Không phải cái gì hay và đúng với đứa trẻ này cũng hay và đúng với đứa trẻ kia. Từ đó, hẳn các bậc phụ huynh sẽ cẩn trọng hơn khi có ý định so sánh con mình với một đứa trẻ khác hoặc khi đánh giá kết quả học tập của con, khi quan sát và nhận xét thái độ học tập của bé cũng như khi quyết định hỗ trợ bé trong việc học và làm bài ở nhà.
6. Luôn đặt ra câu hỏi: “bản chất của vấn đề nằm ở đâu?” - dần dần hướng dẫn con đi đến khái quát hóa mọi dạng bài tập, dạng câu hỏi để con không rơi vào rập khuôn, chỉ biết làm theo bài mẫu, chỉ cần thay đổi một dữ liệu là bị lúng túng.
7. Và chắc chắn rằng, đừng bao giờ ngồi kè kè bên cạnh khi con làm bài tập về nhà. Trẻ cần có góc tự do riêng để suy nghĩ và học “theo kiểu của mình”, tránh tạo thói quen bố mẹ ngồi cạnh mới học, bố mẹ ngồi cạnh mới… nghĩ.
TSGD Nguyễn Thụy Anh
-
Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
-
Quy định mới về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục
-
Thiết kế nội thất Nhà ga hành khách sân bay Long Thành thể hiện tính dân tộc, văn hóa, truyền thống
-
Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025
-
[Video] Cảnh sát biển Việt Nam - Indonesia luyện tập chung trên biển
- Tử vi ngày 20/10/2024: Tuổi Dần tính toán tài tình, tuổi Thân thận trọng lời nói
- Tử vi ngày 18/10/2024: Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Ngọ nắm bắt cơ hội
- Tử vi ngày 17/10/2024: Tuổi Tý công danh thăng tiến, tuổi Thìn rắc rối bất ngờ
- Tử vi ngày 16/10/2024: Tuổi Tỵ may mắn bất ngờ, tuổi Mùi cơ hội đầu tư
- Tử vi ngày 15/10/2024: Tuổi Dậu vận may tài chính, tuổi Dần ý tưởng thú vị
- Tử vi ngày 14/10/2024: Tuổi Sửu mở rộng quan hệ, tuổi Tuất quý nhân hậu thuẫn
- Tử vi ngày 12/10/2024: Tuổi Mão phúc lộc dồi dào, tuổi Hợi tinh thần lạc quan
- Tử vi ngày 11/10/2024: Tuổi Tý đạt được mục tiêu, tuổi Thân tia sáng hy vọng