Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm

06:30 | 16/06/2023

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bây giờ, đi vòng các con phố Hà Nội tìm “đỏ mắt” mới thấy một sạp báo. Người bán báo dạo, người đi giao báo vào sáng sớm gần như biến mất. Hình ảnh nhộn nhịp ở các chợ báo ngày nào, giờ chỉ còn là hoài niệm.

Hà Nội thưa thớt những sạp báo vỉa hè

Khoảng chục năm về trước, Hà Nội có gần 800 sạp báo lớn nhỏ, bán đủ các loại báo giấy phát hành hằng ngày, hằng tuần và hầu hết các loại tạp chí. Thế nhưng đến nay, theo khảo sát của PV PetroTimes, số lượng sạp báo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những con phố tấp nập báo chí ngày nào như: Phan Đình Phùng, Hàng Trống, Phan Huy Chú, Cửa Nam, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, ngõ Thái Hà…, nay chỉ còn vài sạp với số lượng đầu báo rất ít. Điều đáng buồn hơn, những sạp báo này chỉ bán được vào buổi sáng, buổi chiều hầu như không ai mua. Họ duy trì sạp báo chủ yếu phục vụ những khách quen, người lớn tuổi, bên cạnh đó còn là niềm đam mê, yêu nghề….

Những sạp báo tại số 71 phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm (cạnh trụ sở Báo Nhân Dân) - nơi từ lâu được xem là chợ báo lớn nhất, lâu năm nhất ở Hà Nội nay cũng phải chuyển sang bán đồ lưu niệm…

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Sạp báo của chị Oanh vào buồi chiều (Ảnh: Mạnh Tưởng)

Khá hơn chút, phố Phan Huy Chú còn duy nhất một sạp báo của chị Trần Kiều Oanh, chủ sạp báo Hà Oanh (11A Phan Huy Chú) vẫn còn hoạt động, nhưng sạp này cũng chỉ bán vào buổi sáng.

Chia sẻ với PV, chị Oanh cho biết, hiện nay báo giấy hầu như không bán được và chỉ có một số ít tờ thi thoảng có người mua. "Số lượng bán chậm, ít nên tôi chỉ bán vào các buổi sáng. Tình trạng sụt giảm sức mua đã diễn ra từ lâu, song năm nay còn “thê thảm” hơn nhiều so với năm trước. Mặc dù không bán được báo giấy nhiều nhưng vẫn phải duy trì cửa hàng vì sạp báo ở đây chủ yếu là giới thiệu sản phẩm thông tấn báo chí tới nhân dân là chính. Tôi đã có thâm niên hơn 30 năm bán báo ở đây. Thời bán báo giấy chạy nhất, mỏi tay nhất cách đây 9-10 năm", chị Oanh nhớ lại.

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Rất ít đầu báo được chị Oanh bày bán (ảnh: Mạnh Tưởng)

Chị Oanh cho biết thêm, các tờ báo bán chạy những năm đó như Thanh Niên, Công an Nhân dân, Pháp luật Việt Nam, Tuổi trẻ, Tiền Phong, An ninh Thủ đô, An ninh Thế giới… giờ đây đã sụt giảm rất nhiều. Hiện tại, sạp báo của chị chỉ còn vài tờ bán được, nhưng so với những năm trước kia thì chẳng đáng là bao. “Thời điểm bán nhiều, có những đầu báo bán 1 ngày vài trăm tờ nhưng đến nay chỉ bán được khoảng 5 tờ/ngày”, chị Oanh lắc đầu ngao ngán.

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Sạp báo của anh Tuấn (Cửa Nam) phải kèm bán thêm đồ uống, đồ lưu niệm.

Anh Tuấn (chủ sạp báo Cửa Nam) người cũng có thâm niên bán báo nhiều năm chia sẻ, khoảng vài năm về trước, người mua báo vẫn còn khá đông. Tuy nhiên, đến thời điểm này thì vắng không khác gì “chùa bà Đanh”, có những hôm cả ngày bán được vài tờ. Trước kia, chỉ bán báo cũng đủ sống thì giờ phải bán kèm đủ các loại như đồ lưu niệm, sách, bút, thậm chí cả đồ uống... Chỉ vào những tờ báo, xếp từ sáng đến trưa không có người mua, anh Tuấn ngán ngẩm cho hay, vẫn có hàng chục đầu báo được trưng bày, song chủ yếu là báo của các toà soạn cho người mang đến kí gửi, không bán được thì ngày hôm sau ra báo mới, họ thu báo cũ về. “Giờ mình già rồi, đi xin việc khác cũng không ai mượn nên tôi cố gắng duy trì sạp báo này, dù sao chỗ này cũng gắn bó với tôi gần 30 năm”, anh Tuấn chia sẻ thêm.

Tương tự, sạp báo ở Giảng Võ, ngõ Thái Hà, đường Nguyễn Chí Thanh - Pháo Đài Láng cũng đìu hiu không kém.

Tại góc đường Nguyễn Chí Thanh - Pháo Đài Láng, chúng tôi ghé sạp báo của chị Nguyễn Thị Hải (38 tuổi, quê Nam Định). Chị Hải cho biết, đã bán báo ở đây hơn 10 năm từ khi theo chồng ra Hà Nội lập nghiệp và thấy sự đi xuống rõ rệt của báo giấy qua từng năm. Lượng báo bán ra mỗi ngày ít đi. Ngồi trò chuyện hơn 1 tiếng đồng hồ với chị Hải mà không thấy có khách nào ghé mua báo. Chị Hải kể, từ sáng sớm đến giờ bán được khoảng 10 tờ báo các loại cho những người quen hay ghé qua mua. Khách hàng chủ yếu là người lớn tuổi, thích đọc báo giấy do thói quen từ trước.

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Sạp báo góc phố Nguyễn Chí Thanh - Pháo Đài Láng

“Ngày xưa 5h sáng có đại lý mang các loại báo đến tận nơi, mình chỉ việc ghim rồi bán thôi. Nhưng từ ngày báo giấy suy giảm, tôi phải dậy từ 4h sáng để đi lấy báo, chứ bây giờ bán ít nếu để đại lý giao thì hoa hồng chả được bao nhiêu. Vất vả là vậy, song mỗi tờ báo bán kiếm lời từ 1.000 - 2.000 đồng, tạp chí giá cao thì được khoảng 5.000 - 10.000 đồng, mỗi ngày kiếm được vài chục tiền lãi. Lượng báo bán hằng ngày ít khiến đời sống rất khó khăn”, chị Hải phân trần.

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Bên cạnh sạp báo chị Hải còn bán thêm nước

Bên cạnh sạp báo, chị còn đặt thêm thùng nước, thuốc lá để bán phụ thêm, đôi khi chị còn ship hàng, chạy xe ôm. “Nhiều người bán báo như tôi, họ đã chuyển nghề khác, tôi cố duy trì, được ngày nào hay ngày đó, bây giờ người ta đọc báo điện tử chứ ai đọc báo giấy. Bán ở đây, ngoài lo ế báo tôi còn nơm nớp lo sợ các đội trật tự đến dẹp vỉa hè”, chị Hải bùi ngùi nói.

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Đường Giảng Võ còn duy nhất một sạp báo của bà Hòa
Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Sạp báo tại ngõ Thái Hà giờ chủ yếu bán nước.
Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Anh Phương, chủ sạp báo ở ngõ Thái Hà đang ghim báo để bày lên sạp.
Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Một cụ già mua báo.

Nói về sự suy giảm của báo giấy, trao đổi với PV, anh Tiến ở Đặng Tiến Đông, chủ một đại lý phát hành báo lớn nhất nhì ở Hà Nội đầu những năm 2000 cho biết, hiện nay, sự phổ biến của Internet, cập nhật nhanh chóng của tin tức trực tuyến đã gây ra sự suy giảm đáng kể trong doanh số và nguồn lợi nhuận của báo giấy. Trước đây hệ thống sạp báo của anh đi giao có hơn 100 sạp nay chỉ còn chục sạp.

"Doanh thu của 10 sạp bây giờ chưa bằng 1 sạp thời hoàng kim. Ngày trước, tôi có 5 nhân viên giao báo cho các sạp, nay họ chuyển nghề khác hết rồi.

Tôi duy trì công việc giao báo chỉ là yêu nghề, là thói quen dậy sớm từ ngày xưa, cũng là để tập thể dục vào mỗi buổi sáng. Duy trì được tháng nào hay tháng đó, chứ báo giấy bây giờ ngoài người cao tuổi mua, có ai mua đâu. Tôi cũng có sạp báo, ngày trước mỗi ngày bán mấy trăm tờ, lợi nhuận hàng trăm nghìn mỗi ngày, nay cũng chỉ bán được vài tờ. Ngoài giao báo, công việc chính của tôi là kinh doanh văn phòng phẩm", anh Tiến cho biết thêm.

Bóng dáng người bán báo dạo biến mất

Từ nhiều năm nay, hình ảnh người bán báo dạo tại Hà Nội đã trở nên khá hiếm hoi, thậm chí là biến mất.

Một buổi sáng, chúng tôi rong ruổi xe dạo qua rất nhiều tuyến phố, quán cà phê, bến xe, ga tàu ở Hà Nội. Từ quán cà phê Hồ Đắc Di, Điện Biên Phủ, Triệu Việt Vương… đến các con phố sầm uất nhất Thủ đô - nơi mà trước kia được coi là thị trường “kiếm ăn” của những người bán báo dạo thì nay chúng tôi tìm “mỏi mắt” cũng không thấy bóng dáng người bán báo dạo.

Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm
Hình ảnh người bán báo dạo ở Hà Nội chỉ còn là hoài niệm/Ảnh minh họa/Nguồn: Internet/

Với sự phát triển của công nghệ và sự thay đổi trong thói quen đọc báo của người dân, việc mua báo trực tiếp từ người bán báo dạo đã không còn xuất hiện tại Hà Nội.

Khi công nghệ đi vào đời sống và thời đại bùng nổ của Internet bắt đầu, thói quen đọc của người dân cũng dần thay đổi. Độc giả được cập nhật tin tức, sự kiện tức thời với những hình ảnh và video sống động từng giờ, từng phút. Lâu dần, những tờ báo giấy không còn là ưu tiên số một và nhiều cơ quan báo chí buộc lòng phải giảm lượng phát hành, các sạp thưa thớt dần, những người bán báo dạo chuyển nghề…

Những tiếng rao "giật gân, câu khách" của người bán báo dạo cũng đã chìm dần vào sự hối hả của cuộc sống công nghệ. Có lẽ, hình ảnh người bán báo dạo len lỏi tại các ga tàu, con phố ngày nào… giờ chỉ còn là ký ức và hoài niệm về một thời hoàng kim của báo giấy đối với người dân Thủ đô.

Những thách thức đối với báo giấy thời nay

Thị trường báo giấy đang trải qua những sự thay đổi đáng kể do sự bùng nổ của công nghệ và sự phổ biến của các phương tiện truyền thông điện tử. Báo giấy đã từng là nguồn thông tin chính cho đại chúng trong nhiều thập kỷ, nhưng bây giờ đang đối mặt với những thách thức lớn từ cuộc cách mạng kỹ thuật số.

Một trong những thách thức lớn nhất mà thị trường báo giấy đang đối diện là sự thay đổi trong thói quen đọc tin tức của công chúng. Với sự phổ biến của Internet và thiết bị di động, người đọc đã chuyển sang đọc tin tức trực tuyến thông qua các trang web tin tức, ứng dụng di động và mạng xã hội. Điều này đã gây ra một sự suy giảm đáng kể trong doanh số báo giấy và sự khó khăn trong việc thu hút quảng cáo và đối tác doanh nghiệp.

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến thị trường báo giấy là tốc độ và tính cập nhật của tin tức trực tuyến. Với khả năng truyền tải tin tức của mạng Internet, người đọc có thể cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và liên tục. Trong khi đó, quá trình in và phân phối báo giấy mất thời gian và không thể cung cấp tin tức mới nhất. Điều này khiến người đọc cảm thấy báo giấy trở nên kém hấp dẫn và thường xuyên lựa chọn những nguồn tin trực tuyến để cập nhật thông tin hàng ngày.

Sự thay đổi trong quảng cáo cũng góp phần vào sự suy giảm của thị trường báo giấy. Doanh nghiệp và quảng cáo đang dần chuyển sang các nền tảng trực tuyến, nơi mà họ có thể tiếp cận đối tượng khách hàng mục tiêu một cách chính xác hơn và hiệu quả hơn. Quảng cáo trực tuyến cũng cung cấp các công cụ theo dõi và phân tích để đánh giá hiệu quả và đạt được kết quả tốt hơn. Do đó, các công ty quảng cáo dần chuyển hướng ngân sách của họ khỏi quảng cáo báo giấy, gây ra sự suy giảm trong nguồn lợi nhuận cho các tờ báo truyền thống.

Huy Tùng