Hàng ngàn tỷ đồng phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu
Theo đại diện của Bộ Công thương cho biết, chỉ riêng vốn để phát triển hệ thống phân phối xăng dầu trong giai đoạn này đã lên tới 11,21 tỷ USD. Đây là số vốn lớn nên cần phải có sự hỗ trợ từ nhiều phía, cũng như cơ chế đặc biệt để huy động.
Trong Dự thảo trên có nêu rõ, vốn cho hệ thống phân phối xăng dầu đã lên tới 11,21 tỷ USD. Trong đó, riêng giai đoạn 2010-2015 cần 3,33 tỷ USD và giai đoạn 2016-2025 cần 7,87 tỷ USD.
Được biết, với hệ thống cửa hàng xăng dầu hiện tại, do diện tích quá nhỏ nên rất khó đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong tương lai khi mà tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông là rất lớn. Theo thống kê, đại đa số cửa hàng có năng suất bán thấp, chỉ khoảng 51-120 m3/tháng, ngoại trừ một số ít cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đạt năng suất trên 300 m3/tháng.
Điều này đòi hỏi hệ thống cửa hàng bán lẻ trong toàn quốc cần phải được đầu tư lớn hơn trong tương lai (để xây dựng 18.710 cửa hàng xăng dầu vào năm 2025, tổng mức vốn đầu tư cần tới 38.800 tỷ đồng).
Với số vốn lớn nói trên, để xây dựng được hệ thống phân phối xăng dầu phục vụ nhu cầu trong cả nước, đòi hỏi cần có cơ chế tích cực nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư.
Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu mà Bộ Công thương đang lấy ý kiến của các cơ quan đã chỉ ra rằng, Nhà nước giữ vai trò quyết định với việc phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng xăng dầu.
Tuy nhiên, do Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu giai đoạn 2010-2020, tầm nhìn năm 2025 đòi hỏi một số vốn lớn nên đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, Ngành liên quan.
Trong đó, chính sách thuế là quan trọng để doanh nghiệp tích lũy nguồn vốn và tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đây còn là nhu cầu của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong tương lai.
Ngoài ra, có nhiều ý kiến kiến nghị phải xây dựng một cơ chế quản lý thông thoáng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia đầu tư hệ thống sản xuất và phân phối xăng dầu. Nguồn lực này là quan trọng, vừa tạo thêm nguồn đầu tư mới, vừa tạo sức cạnh tranh trên thị trường để các doanh nghiệp trong nước hoàn thiện hơn chính sách kinh doanh.
Bên cạnh đó, mặt bằng xây dựng hệ thống phân phối xăng dầu là một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp xăng dầu đang phải đối mặt. Do tự lập quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu, không có tiêu chí chung, nên có những địa phương làm quy hoạch sơ sài, chỉ quan tâm tới việc xây thêm cửa hàng, mà chưa chú trọng đến các vấn đề khác như an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, mỹ quan thương mại…
Thậm chí, có nhiều địa phương như Đồng Tháp, Lai Châu… do chưa công bố phương án quy hoạch nên gây rất khó khăn cho các nhà đầu tư.
Một điểm đáng chú ý trong Dự thảo là phương án tối ưu hóa cung đường vận chuyển xăng dầu. Đặc biệt là nghiên cứu xây dựng mới các tuyến ống dẫn chính tại một số khu vực để kết nối từ các nhà máy lọc dầu với các trung tâm tiêu thụ lớn nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, hao hụt và khó khăn khi vận tải bằng đường thủy, bộ từ các kho cảng ở ven biển đến các trung tâm tiêu thụ lớn và các vùng sâu, vùng xa, núi cao và biên giới.
Cụ thể, sẽ xây mới các tuyến ống dẫn chính: Tuyến ống nhà máy lọc dầu Nghi Sơn – Hà Nam – Hà Nội – Hòa Bình; Tuyến ống Vũng Áng (Hà Tĩnh) lên cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình); tuyến ống lên Bắc Tây Nguyên; tuyến ống kết nối Tổng kho Lạch Huyện – tuyến B12; tuyến ống kết nối Nhà máy lọc dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) với Tổng kho xăng dầu Nhà Bè PV Oil (TP Hồ Chí Minh).
Những vấn đề trên đòi hỏi các cơ quan chức năng phải sớm rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch trong hệ thống xăng dầu như hệ thống dự trữ, hệ thống bán lẻ… để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia hệ thống phân phối xăng dầu.
Thanh Ngọc