Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hàng loạt trường đại học tăng mạnh học phí từ năm học 2022-2023

16:57 | 07/08/2022

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Niềm vui được bước chân vào đại học (ĐH) chưa dứt thì phụ huynh và cả học sinh đối diện với thực tế khó khăn là học phí hàng loạt trường ĐH tăng mạnh từ năm học 2022-2023.
Hàng loạt trường đại học tăng mạnh học phí từ năm học 2022-2023
Ảnh minh hoạ

Ngày 2/8 vừa qua, Trường ĐH Luật TP HCM công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT kèm thông báo về mức học phí áp dụng cho khóa 47 (tuyển sinh năm 2022) cùng lộ trình tăng học phí tới năm học 2025-2026.

Theo đó, sinh viên nhập học năm 2022-2023 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) nộp học phí 151 triệu đồng cho cả khóa học kéo dài 4 năm (đây là mức học phí thấp nhất).

Hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179-204,7 triệu cho cả khóa học. Trong khi đó, ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) có học phí cao nhất, lên đến 765,9 triệu cho cả khóa.

Hàng loạt trường đại học tăng mạnh học phí từ năm học 2022-2023
Học phí các hệ, ngành đào tạo của Trường ĐH Luật TP HCM

Theo đại diện nhà trường, mức học phí này được xây dựng căn cứ theo quy định pháp luật hiện hành, đồng thời nhằm đảm bảo nguồn lực thực hiện mục tiêu nhanh chóng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiếp cận nền giáo dục đại học của các nước phát triển trong khu vực.

Một trường giảng dạy ngành luật khác là ĐH Luật Hà Nội cũng dự kiến mức thu học phí khá cao so với năm học trước. Theo đó, năm học 2022-2023, đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH, học phí là 2 triệu đồng/tháng - tăng 2,04 lần so với mức 980.000 đồng của năm học 2021-2022. Học phí chương trình đào tạo chất lượng cao là 5 triệu đồng/tháng - tăng 1,65 lần so với mức 3.025.000 đồng của năm học 2021-2022.

Năm học 2021-2022, ĐH Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TP HCM) học phí với sinh viên chính quy chương trình đại trà là 25 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, học phí đối với sinh viên chính quy chương trình đại trà của trường đã tăng lên 29 triệu đồng/năm.

Theo thông tin từ Trường ĐH Kinh tế TP HCM, mức học phí 20,5 triệu đồng/năm được duy trì ổn định trong 2 năm (năm học 2020-2021, 2021-2022). Từ năm học 2022-2023, học phí được điều chỉnh ở mức 31,25 triệu đồng/năm. Như vậy, mức học phí hệ đại trà năm học mới tăng 10,75 triệu đồng/năm so với năm học trước.

Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội có mức học phí dự kiến với sinh viên hệ chính quy tăng lên là 4,2 triệu đồng/tháng, tương ứng 42 triệu đồng/năm. Trong khi mức học phí áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2021 là 3,5 triệu đồng/tháng, tương ứng 35 triệu đồng/năm. Như vậy tân sinh viên năm học sắp tới phải đóng học phí cao hơn 7 triệu so với khóa tuyển sinh năm 2021.

Với các năm học tiếp sau khóa 2022, mỗi năm học phí của Trường ĐH Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiếp tục tăng lên 2 triệu so với năm học đầu tiên.

Năm học tới, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tính học phí theo tín chỉ. Trừ các ngành đào tạo giảng viên lý luận chính trị được miễn, học phí hệ đại trà dự kiến 440.000 đồng/tín chỉ, hệ chất lượng cao 1,32 triệu đồng/tín chỉ. Hai mức này tăng lần lượt gần 60% và hơn 70% so với học phí năm 2021 (276.000 đồng cho hệ đại trà và 771.000 đồng hệ chất lượng cao).

Trường ĐH Dược Hà Nội cũng tăng đáng kể. Năm 2021, trường áp dụng học phí là 1.430.000 đồng/tháng đối với sinh viên hệ đại học chính quy. Đến năm học 2022-2023, nhà trường đã thông báo mức thu khác.

Cụ thể, đối với hệ đại trà, ngành Dược học áp dụng mức thu học phí 24,5 triệu đồng/năm. Ngành Hóa dược thu 18,5 triệu đồng/năm. Ngành Công nghệ sinh học và ngành Hóa học áp dụng mức thu 13,5 triệu đồng/năm. Ở hệ chất lượng cao, mức học phí được Trường ĐH Dược Hà Nội công bố là 45 triệu đồng/năm.

Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TP HCM công bố mức học phí đối với sinh viên của 3 khóa tuyển sinh năm 2020, 2021 và 2022 từ 37 triệu đồng đến 77 triệu đồng/năm học, tùy từng ngành...

Lý giải về việc tăng học phí ĐH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng cần nhìn nhận thực chất của vấn đề. Hiện nay, tổng số kinh phí đầu tư tính cho một sinh viên còn rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Muốn nâng cao chất lượng GD&ĐT, cần nâng cao mức đầu tư cho sinh viên, thông qua việc đầu tư vào cơ sở vật chất, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, một số trường ĐH trong khu vực có mức chi phí cao gấp hàng chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập ở Việt Nam. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay, các trường ĐH trong nước rất khó để cạnh tranh.

Phú Văn

Công bố điểm sàn xét tuyển các trường quân đội năm 2022Công bố điểm sàn xét tuyển các trường quân đội năm 2022
Điểm xét tuyển Đại học Điện lực 2022: Cao nhất 20 điểmĐiểm xét tuyển Đại học Điện lực 2022: Cao nhất 20 điểm
Loạt trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển 2022Loạt trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển 2022