Hải quan "siết" phế liệu nhập khẩu tại các cảng
Tổng cục Hải quan cho hay, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu phế liệu có nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống. Do vậy, hải quan các địa phương cần giám sát chặt mặt hàng này, đồng thời thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hải quan và pháp luật về bảo vệ môi trường.
Theo quy định của Thông tư số 41 ngày 9/9/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc nhập khẩu phế liệu phải đáp ứng các điều kiện, yêu cầu về môi trường. Tuy nhiên, vẫn có các doanh nghiệp lợi dụng khai sai về tên hàng, mã số hàng hóa để gian lận về chính sách nhập khẩu, hoặc sử dụng giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu để làm nguyên liệu sản xuất giả trong việc làm thủ tục hải quan.
Hải quan kiểm tra hàng hóa nhập khẩu. |
Để kịp thời phát hiện và xử lý, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu có mô tả thông tin trên bản lược khai hàng hóa, đặc biệt là các doanh nghiệp khai tên hàng hóa nhập khẩu ở tờ khai hải quan là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng.
"Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh vượt thẩm quyền, Cục Hải quan địa phương cần báo cáo ngay, kèm đề xuất phương án xử lý phù hợp về Tổng cục Hải quan để có hướng dẫn" - Văn bản nêu rõ.
Việc hải quan siết chặt nhập khẩu phế liệu ở khắp các tỉnh thành sau khi Tổng cục Hải quan nhận được báo cáo từ Cục Hải quan TP HCM phản ánh tình trạng nhiều container hàng phế liệu nhập khẩu ùn ứ, chưa làm thủ tục theo quy định.
Cụ thể, tại Chi cục Hải quan Khu vực 1, Khu vực 3 và Khu vực 4, thuộc Cục Hải quan TP HCM có hơn 985 container phế liệu được lưu giữ trong thời gian từ 30 đến 90 ngày. Số lượng container hàng phế liệu nhập khẩu tồn đọng quá 90 ngày tại các Chi cục Hải quan khu vực 1, 3 và 4 của Cục Hải quan TP HCM chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 2.255 container. Đây là các loại container phế liệu thuộc diện cấm nhập, sai mã số hải quan được nhập về các cảng ở TP HCM.
Trước đó, ngày 13/6, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, tăng cường rà soát, siết chặt mọi hoạt động nhập phế liệu vào Việt Nam. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động mua bán, chế biến phế liệu nhằm đảm bảo an toàn môi trường. Trường hợp vượt thẩm quyền, các Bộ ngành cần kịp thời báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý phù hợp.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2018, cả nước nhập hơn 2 triệu tấn sắt thép phế liệu, kim ngạch hơn 744 triệu USD (đạt hơn 16.900 tỉ đồng). Hiện, Việt Nam nhập khẩu phế liệu nhiều nhất của Nhật Bản, với hơn 546.000 tấn, đạt giá trị kim ngạch 200 triệu USD, thị trường thứ 2 là Hoa Kỳ, với lượng nhập phế liệu sắt thép vào khoảng 389.000 tấn, kim ngạch 138 triệu USD.
Ngoài việc nhập khẩu sắt thép phế liệu, máy móc, hiện một số phế liệu khác còn được nhập khẩu về Việt Nam trong đó có tàu thuyền cũ, lốp xe ôtô. Hiện mặt hàng này đang nằm phần lớn ở các cảng biển, trong đó đặc biệt là các cảng biển quốc tế.
DT
-
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Bay chặn, ép hạ cánh với tàu bay vi phạm vùng trời Việt Nam
-
Gỡ "thẻ vàng" IUU: Xóa bỏ toàn bộ tàu “3 không”, xử lý dứt điểm “tàu ma”
-
Thủ tướng kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị BRICS mở rộng