Hà Nội: Người dân khu đô thị Thanh Hà khổ sở vì nguồn nước ô nhiễm
Một số tòa chung cư tại KĐT Thanh Hà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. |
Nguồn nước sinh hoạt của gần 7.000 hộ dân ở 23 tòa chung cư thuộc KĐT Thanh Hà ô nhiễm, nồng nặc mùi nước tẩy rửa, chất lượng nước không đảm bảo, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân như: gây khó thở, tức ngực, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, mũi, cá biệt có trẻ em bị nôn, dị ứng ngứa khắp người. Người dân đã tự đi lấy mẫu và phát hiện nhiều chỉ số vượt gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép của Bộ Y tế.
Theo kết quả của Viện Công nghệ môi trường, 3 mẫu nước ở 2 tòa HH03E và HH03F được lấy vào ngày 5/10 thì cả 3 mẫu đều có nồng độ amoni vượt gấp 5-6 lần quy chuẩn của Bộ Y tế. Chỉ số nitrat và coliform cũng cao. Thậm chí, theo kết quả từ mẫu nước của tòa HH03D, chỉ số amoni còn vượt 38 lần quy chuẩn của Bộ Y tế.
Kết quả kiểm tra chất lượng nước do người dân cung cấp. |
Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty Nước sạch Thanh Hà cho biết, 1 ngày đơn vị này tự khai thác khoảng 1.500m3 nước ngầm cộng thêm 1.500m3 nước mặt sông Đuống mua lại từ Công ty Nước sạch Nam Hà Nội. Còn Công ty Nước sạch Nam Hà Nội mua lại nước mặt của Công ty TNHH Hai thành viên phân phối nước sạch huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai.
Tuy nhiên, từ ngày 26/9, nguồn cấp nước mặt cho Công ty Nước sạch Nam Hà Nội bị đột ngột dừng. Do đó, Nhà máy Nước sạch Thanh Hà phải tăng gấp đôi công suất, tự khai thác 3.000m3 nước ngầm/ngày để cung cấp cho người dân. Hiện chính quyền và nhà máy nước đang phối hợp giải quyết.
Điều đáng nói, theo phản ánh của cư dân, sau nhiều ngày sử dụng nước sạch mà Công ty CP Nước sạch Thanh Hà (Nước Thanh Hà) cung cấp, có mùi lạ, lúc thì tanh tanh, khi thì nồng mùi clo… Có người dân sử dụng bị nổi mẩn ngứa khắp người.
Chia sẻ với phóng viên, chị Thảo Nhi nhà ở tầng 17 tòa nhà HH02C, KĐT Thanh Hà cho biết, tình trạng nước phập phù nguồn nước không đảm bảo từ lâu rồi chứ không phải bây giờ mới bị. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình trạng nước ô nhiễm ngày càng nặng thêm, mùi chất tẩy nồng nặc hơn, chị phải thay nguồn nước, mua nước bình để sinh hoạt, thêm máy lọc nước. Theo chị Nhi, nếu cứ dùng nguồn nước không đảm bảo này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Chị Nhi cho phóng viên xem các kết quả kiểm tra, xét nghiệm của bệnh viện. |
“Vừa qua, cháu bé nhà tôi (hơn 1 tuổi) bị mẩn ngứa khắp người. Ban đầu tôi nghĩ cháu bị tay chân miệng nhưng bôi thuốc mãi không khỏi. Tôi cho cháu đi khám ở bệnh viện, các bác sĩ làm các xét nghiệm, kết quả sau đó đều cho thấy cháu không phải bị dị ứng do thực phẩm, lông chó mèo, virus, tay chân miệng, không phải thuỷ đậu… Theo tôi nghĩ nhiều khả năng bị từ nguồn nước sinh hoạt. Sau đó, tôi thay nước tắm cho cháu thì thấy đỡ và đến bây giờ cháu chỉ còn vài nốt mẩn ngứa nhỏ”, chị Thảo Nhi cho biết thêm.
Những nốt mẩn ngứa của con chị Nhi |
Anh Dũng, một cư dân sinh sống tại tòa HH03D, KĐT Thanh Hà bức xúc, tôi phát hiện nước sạch sinh hoạt nhà mình có mùi khác thường, đặc biệt là mùi clo rất đậm, nồng. “Trong phòng tắm đóng kín, cùng với hơi nước nóng bốc lên và nồng nặc mùi clo rất khó thở, lúc thì tanh tanh, khi thì nồng mùi clo. Tôi phản ánh lên nhóm cư dân KĐT Thanh Hà thì thấy rất nhiều người đều phản ánh về tình trạng như vậy. Thậm chí, ngay dưới tầng nhà tôi đã có người dân, các cháu nhỏ da mẫn cảm nên khi sử dụng nước này đã nổi mẩn ngứa khắp người”- anh Dũng cho hay.
Trước tình trạng nghi ngờ nguồn nước sạch cung cấp cho các hộ dân “có vấn đề”, sáng 9/10, hàng trăm người dân đã cùng nhau đến Công ty CP nước sạch Nam Hà Nội (Công ty nước sạch Nam Hà Nội) và Nước sạch Thanh Hà để yêu cầu làm rõ nghi vấn nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng.
Tại buổi đối thoại 3 bên, Chính quyền xã, Nhà máy Nước sạch Thanh Hà, người dân, đại diện cư dân đã nêu ý kiến nghi ngờ về quy trình cung cấp nước sạch không đảm bảo chất lượng.
Giải đáp kiến nghị của cư dân, ông Dương Đình Trình - Phó Giám đốc Công ty CP Nước sạch Thanh Hà cho biết, lưu lượng nước do Công ty Nam Hà Nội cung cấp không đủ dùng nên Công ty Thanh Hà đã tăng sản lượng nước từ nguồn giếng khoan từ 1.000 - 3.000m3/ngày đêm (tăng 2.000m3/ngày đêm). Vì thay đổi lưu lượng, đồng thời bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh...
Theo ông Trình, nguyên nhân dẫn đến thiếu nước sạch là do Công ty CP Nước mặt Sông Đuống cấp thiếu. Bình thường cấp khoảng 2.000m3/ngày đêm, giờ chỉ được 700m3/ngày đêm...
Ngoài ra, đường ống cấp nước từ ngã ba Xa La về vòng xuyến Thanh Hà do Công ty CP nước mặt Sông Đuống chịu trách nhiệm xây dựng. Nhưng đến nay, Công ty CP nước mặt sông Đuống chưa thi công. Do đó, thời gian qua, Nước sạch Thanh Hà phải thuê đường ống của Công ty Nước sạch Hà Đông.
Bên trong nhà máy Nước sạch Thanh Hà. |
Liên quan đến nguồn nước cung cấp vào KĐT Thanh Hà, trao đổi với PV PetroTimes, ông Nguyễn Đốc Thông, Tổ trưởng Tổ dân phố (TDP) số 8 cho rằng, hiện nay nguồn nước cung cấp cho KĐT Thanh Hà không rõ ràng. Theo ông Thông, từ trước đến nay có hai nguồn nước, một nguồn nước thực ra lấy một bên thứ 3 là công ty nước Sạch Nam Hà Nội (có thông tin mua qua nước mặt sông Đuống), tuy nhiên TDP chưa thấy hóa đơn, chứng từ liên quan để chứng minh việc đó; Thứ hai là nguồn nước từ nhà máy Nước sạch Thanh Hà với công suất 3.000m3/ngày đêm. Sau khi đối thoại, chúng tôi nắm được thông tin nhà máy khai thác nước ngầm cung cấp cho người dân, xử lý bằng công nghệ vi sinh. Tuy nhiên, trong thực tế khi hỏi giấy phép ở đâu, ai cấp, có giấy chứng nhận đảm bảo chất lượng của Bộ Y tế không, thì nhà máy chưa cung cấp. Do sự mập mờ nguồn nước như thế, cộng với nước về KĐT có nhiều hàm lượng không đảm bảo như hàm lượng chất rắn lơ lửng, hàm lượng amoni, chỉ số nitrat và coliform quá cao so với quy định.
“Thực ra, những bức xúc này người dân đã có ý kiến từ lâu rồi. Nhưng đợt vừa qua nguồn nước bẩn quá, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, nên người dân mới bức xúc mạnh mẽ như thế”, Tổ trưởng TDP số 8 nhấn mạnh.
Cũng theo Tổ trưởng TDP số 8, hiện nay người dân cần nguồn nước sạch, ổn định để sinh hoạt. Nguồn nước ở đâu không quan trọng, nhưng nước khi về đến cư dân phải đảm bảo an toàn, đảm bảo chất lượng quy chuẩn, quy định của Bộ Y tế.
Được biết, sáng ngày 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội đã mời Công ty Nước sạch Thanh Hà và các đơn vị, tổ chức liên quan và cư dân KĐT Thanh Hà đến làm việc để làm rõ việc hàng nghìn người dân ở khu đô thị Thanh Hà phải sử dụng nước sạch sinh hoạt không đảm bảo.
Khi phóng viên tìm hiểu sự việc tại KĐT Thanh Hà, cư dân ở đây đều cho rằng, tại đây không chỉ có việc nguồn nước phập phù, chất lượng không đảm bảo, ô nhiễm mà còn hàng loạt những vấn đề khác như: quỹ bảo trì, nhà xưởng mọc lên gây ảnh hưởng đến mỹ quan, môi trường của cư dân. Người dân đã phản ánh tình trạng nước ô nhiễm đến các cơ quan chức năng nhiều năm qua nhưng không được giải quyết triệt để. Vì vậy, cư dân mong muốn UBND Thành phố Hà Nội, các ban ngành liên quan vào cuộc điều tra, xác minh, xử lý kịp thời những tồn tại nơi đây, để cư dân yên tâm sinh sống, làm việc.
Huy Tùng
-
Vấn nạn "quái xế": Không thể tiếp tục “giơ cao đánh khẽ”
-
Quốc hội thẩm tra Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030
-
Quảng Nam: Chưa thể khẳng định 18.000 lít dầu DO mất tích trong vụ tàu hàng gặp nạn
-
Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho các nghề nặng nhọc, nguy hiểm
-
Hà Nội: Tăng cường xử lý, tuyên truyền về an toàn giao thông tới học sinh