Hà Nội lỏng lẻo trong quản lý chợ trong mùa dịch?
Tại khu vực các cửa hàng kinh doanh lương thực thực phẩm trong ngõ 68 đường Nguyễn Hoàng Tôn, dù đã đóng cửa 3 ngày nhưng vẫn còn một số người dân “ngơ ngác” đứng kháo nhau về chuyện mua bán thực phẩm.
Người dân phường Xuân La vẫn khá "bỡ ngỡ" với việc đi chợ thời dịch |
Một số người lớn tuổi có thói quen đi bộ để mua thực phẩm tại đây tỏ ra ngao ngán bảo: "Giờ việc đi chợ là của thanh niên, chứ người già thì chịu vì phải đi chợ mấy cây số. Đến chợ thì lại phải xuất trình phiếu, khai báo y tế này nọ mất rất nhiều thời gian nên có muốn giúp đỡ con cái cũng chẳng còn cách nào nữa rồi".
Tình cờ tôi gặp chị Vân Anh - là tiểu thương bán thịt tươi sống tại đây thì được biết chị vẫn nhập một lượng thịt lợn để đưa đến bán tận nhà cho khách quen. Dù đang tất bật chuẩn bị hàng cho khách nhưng nghe tôi hỏi chị vẫn vồn vã cho biết là chị mới đi chợ Xuân La “nhập hàng”.
Chị Vân Anh bộc bạch: “Chợ Xuân La đông lắm anh ạ, mà chỉ bán trong buổi sáng thôi, hàng ngàn người bu đen bu đỏ như thế thì còn đâu mà giữ khoảng cách. Nói nhỡ mồm có ca nào “dương tính” mà không biết thì đúng là dính chùm cả chợ luôn chứ không đùa được. Em thì em vẫn liều “bon chen” vì miếng cơm manh áo đây này”.
Nghe thông tin “nóng”, tôi đành quay xe tìm đến chợ Phú Gia, nằm dưới chân cầu Thăng Long để tìm mua thực phẩm vì nghĩ rằng chợ xa sẽ vắng và an toàn hơn. Đến chợ Phú Gia tầm 10h sáng, quả là chợ có vắng thật, hàng rào vây chia luồng người vẫn dựng tại cổng chợ nhưng lạ một điều chẳng thấy bóng công an, quản lý chợ hay lực lượng phòng dịch xuất hiện.
Chợ Phú Gia 10h sáng ngày 11/8 chỉ còn lèo tèo ít rau củ, lực lượng phòng dịch thì hoàn toàn vắng bóng. |
Lác đác ngay tại cổng chợ còn khoảng chục hàng rau cỏ với lèo tèo vài loại rau muống, rau cải vậy mà cũng đắt hàng như tôm tươi. Đứng chờ mất vài phút, chẳng thấy ai xếp hàng hay “nhường nhau” nên tôi cũng mạnh dạn xông vào mua rau, một số loại gia vị thì… mới ngã ngửa ra là chẳng có gì sất. Nhiều hàng đến hành lá cũng hết nhẵn từ lâu rồi, các loại rau thông dụng như ngổ, dọc mùng, đậu bắp thì đi hỏi cả chợ thì ai cũng lắc. Đó là chưa kể bất cứ loại rau, hành tỏi giá đều đội lên gấp rưỡi, gấp đôi ngày thường như tỏi khô giá 50 ngìn đồng/kg, rau muống 10 ngìn đồng/mớ, hành thì 5 ngìn đồng mới được vài cọng.
Nhẩm trong đầu mới mua chưa được một nửa nguyên liệu để nấu nồi canh chua cho con vì biết chúng mấy ngày rồi ăn toàn canh xuông với đồ khô nên háo lắm nên tôi bấm bụng quyết “liều” mò sang chợ Nhật Tân – cách chợ Phú Gia khoảng 3km.
Thật bất ngờ khi hơn 10h mà chợ Nhật Tân vẫn nhộn nhịp, hàng quán thịt thà rau dưa chả thiết thức gì sất. Mà giá cả thì vẫn hợp lý như ngày thường. Chị em bán hàng thì vẫn đon đả chào mời sau các rào chắn bằng ni lông trong suốt, thế là chỉ mất 5 phút vào chợ tôi đã mua đủ nguyên liệu nấu nồi canh chua mãn ý.
10h 30 phút ngày 11/8 Chợ Nhật Tân vẫn tấp nập người mua người bán. |
Gặp mấy người quen, các cô còn bảo: “Cháu ngại đông người thì cứ chiều chạy qua chợ, chả có ai kiểm tra đâu mà ngại”. Quả thế thật, lúc này tôi mới giật mình để ý thì lực lượng phòng dịch đang ngồi uống nước, tán chuyện ở đầu chợ. Mà anh em họ “thoải mái” cũng đúng thôi, lưu lượng người vào chợ mua bán không hề nhiều. Hàng quán thì lượng lương thực thực phẩm dồi dào, tươi ngon.
Đặc biệt là ý thức của bà con tiểu thương rất cao, người nào cũng trang bị khẩu trang y tế, vui vẻ phấn khởi chấp hành hướng dẫn phòng dịch như khoảng cách với người mua hàng, chăng ni lông phòng giọt bắn…
Tại Chợ Phú Gia, người đi chợ kể cả trẻ nhỏ cũng đeo khẩu trang y tế đầy đủ. |
Ngẫm lại “chuyến đi chợ” của hôm nay tôi bỗng thấy giật mình vì đã đi tới gần chục cây số. Có lẽ nhiều người cho rằng tôi quá cầu kỳ chuyện ăn uống nhưng cực chẳng đã mới phải đi chợ và thấu hiểu được chuyện đi chợ trong mùa dịch không hề đơn giản.
Chợ Nhật Tân lúc 10h 35 phút sáng ngày 11/8 không một bóng lực lượng chức năng. |
Thực tế diễn biến dịch cho thấy từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát đã có tới 52 chợ, siêu thị đã phải tạm thời đóng cửa vì có ca bệnh xuất hiện. Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng đó chỉ là số lượng rất ít chợ cũng như các cơ sở khác như bệnh viện, cơ quan doanh nghiệp xuất hiện ca bệnh. thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc người dân đi chợ phải giữ khoảng cách là rất cần thiết. Bất cứ dấu hiệu chủ quan, buông lỏng quản lý đều không thể chấp nhận được.
Đây là thời điểm mà theo Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào làm lãng phí nguồn lực của đất nước, không dập được dịch, để cho dân thiếu ăn, thiếu mặc là có lỗi với nhân dân”. Hiện nay, rất nhiều tỉnh thành trên cả nước đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó nhiều giải pháp sáng tạo, nỗ lực bằng mọi cách đưa "chợ" về gần với dân hơn, tổ chức rất nhiều hình thức chợ khác nhau vừa đảm bảo an toàn phòng dịch vừa giúp người dân được thuận tiện mua bán, đảm bảo bình ổn giá. Những dấu hiệu chủ quan, buông lỏng quản lý tại bất cứ địa phương nào đều khó có thể chấp nhận.
Mong rằng chỉ đạo của Thủ tướng có thể "thức tỉnh" những người đứng đầu tại từng địa phương, lựa chọn và đưa ra những quyết sách chính xác, kịp thời sửa chữa những bất hợp lý trong cuộc quyết chiến với Covid-19 này. Để từ đó, toàn Đảng, toàn dân một lòng chống dịch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Thành Công
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo