Hà Nội: Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động
Ngày 11/12, tại Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Hà Nội đã tổ chức hội nghị “Gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022”.
Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp. |
Theo Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Hội nghị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp Thủ đô, gắn đào tạo nghề với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT), giới thiệu việc làm cho sinh viên năm cuối các cơ sở GDNN và người lao động trên địa bàn thành phố.
Hội nghị tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, giá trị và các hoạt động trong lĩnh vực GDNN, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về công tác GDNN Thủ đô; Thúc đẩy và khuyến khích học sinh, sinh viên tại các cơ sở GDNN tham gia phong trào khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; Tạo cơ hội gắn kết giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật kịp thời xu hướng phát triển của thị trường và nhu cầu tuyển dụng lao động, tiến tới việc liên kết đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp; Góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố.
Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐTB&XH Hà Nội tham quan các gian hàng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp |
Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng khẳng định, phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả, có kỹ năng nghề cao phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Và việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động được xác định là một trong những giải pháp cực kỳ quan trọng.
Ông Trương Anh Dũng cho rằng, Hội nghị là giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông và phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới theo chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Ông Trương Anh Dũng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục hỗ trợ về nguồn lực, tăng cường phối hợp, tham gia để phát triển hệ thống GDNN đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động… Các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước về nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động… Và, tham gia sâu vào các khâu của quá trình đào tạo từ xây dựng các chuẩn đào tạo, trao đổi chuyên môn, cập nhật các tiến bộ khoa học - công nghệ đến tổ chức đào tạo…
Về phía các cơ sở GDNN tiếp tục bám sát nhu cầu của doanh nghiệp, của thị trường lao động, đa dạng hóa các hình thức hợp tác, phương thức kết nối; linh hoạt trong công tác tuyển sinh, đào tạo, đánh giá, tuyển dụng. Cùng với đó là điều chỉnh ngành nghề, chương trình đào tạo, mở rộng quy mô và tăng cường đào tạo kỹ năng nghề lẫn kỹ năng mềm để học sinh, sinh viên khi ra trường đáp ứng được các yêu cầu công việc của doanh nghiệp.
Trình diễn kỹ năng nghề Sơn ô tô của học sinh trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội |
Hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực hành pha chế đồ uống, làm bánh đến các em học sinh của Trường Trung cấp Quốc tế Hà Nội. |
Hội nghị gắn kết GDNN Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 với 3 hoạt động chính gồm: Lễ ký kết đặt hàng đào tạo, hợp tác giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp; tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT; hoạt động của phiên giao dịch việc làm.
Hội nghị có gần 8.000 học sinh các trường THCS, THPT, trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Hoài Đức; khoảng 2.000 người là học sinh, sinh viên các cơ sở GDNN và người lao động trên địa bàn Thành phố tham dự.
Trong khuôn khổ chương trình, 34 doanh nghiệp đại diện cho gần 1.000 doanh nghiệp có hoạt động liên kết, hợp tác với các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tham gia ký kết hợp tác, đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN; 40 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng tham gia phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại hội nghị. Đặc biệt có hơn 70 gian hàng của các cơ sở GDNN và doanh nghiệp để tư vấn tuyển sinh, trưng bày, giới thiệu sản phẩm thực hành, mô hình thiết bị đào tạo nghề tự làm tiêu biểu của học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trình diễn kỹ năng nghề thuộc các nhóm nghề du lịch, dịch vụ nhà hàng; chăm sóc sắc đẹp; công nghệ sơn ô tô… các ngành nghề về lĩnh vực Công nghệ thông tin và truyền thông rất được các em học sinh THPT quan tâm.
Các em học sinh, sinh viên đăng ký thông tin tại các gian hàng việc làm |
Đến tham gia chương trình, em Nguyễn Trung Hiếu, học sinh lớp 9 Trường THCS Nguyễn Quý Đức rất hào hứng vì được đi đến từng gian hàng của các trường để tìm hiểu ngành nghề đào tạo, xem trình diễn kỹ năng nghề, mô hình khởi nghiệp… Sau khi tham gia chương trình này em đã có định hướng rõ ràng hơn về việc lựa chọn ngành nghề của mình trong tương lai.
Còn em Nguyễn Anh Khôi, học sinh trường trung cấp cho biết: Trước mắt, qua phiên giao dịch việc làm, em mong muốn tìm việc bán thời gian gần Tết. Sau Tết, khi tốt nghiệp, em sẽ tìm kiếm công việc lâu dài. Qua phiên giao dịch việc làm, em cũng biết về thông tin tuyển dụng, nhu cầu kỹ năng mà các doanh nghiệp đang cần để hoàn thiện hơn và em mong tương lai sẽ tìm được một công việc theo đúng chuyên ngành được đào tạo.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, hiện tại, trên địa bàn Thành phố có 360 cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN (gọi chung là cơ sở GDNN), trong đó có 310/360 đơn vị có đăng ký hoạt động GDNN (gồm 69 trường cao đẳng, 59 trường trung cấp, 54 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề và 128 doanh nghiệp, loại hình khác). Tỷ lệ học sinh, sinh viên, học viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70 - 80%. Nhiều ngành nghề khi học sinh, sinh viên ra trường được doanh nghiệp tuyển dụng 100% như nghề Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, nghề Công nghề Kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ sơn ô tô, công nghệ ô tô, tự động hóa...
Kết quả tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2022 đạt 72,23%. Trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ đạt 52,5%, tăng 2,3% so với năm 2022.
Phú Văn
-
9 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động tăng 519 nghìn đồng
-
Startup Kite 2024: Thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên
-
Tin tức kinh tế ngày 4/6: Doanh nghiệp Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào Việt Nam
-
Thu nhập bình quân của người lao động tăng 600 nghìn đồng
-
Hội thi "Học sinh, sinh viên giỏi nghề": Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
-
Hà Nội điều chỉnh tổ chức giao thông tại đường Trần Phú (Hà Đông)
-
Nữ cán bộ Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy có vai trò ngày càng quan trọng
-
Bão Toraji đổ bộ Biển Đông, miền Trung mưa lớn
-
Phó Thủ tướng gửi thư khen lực lượng xử lý quyết liệt tội phạm "tín dụng đen"
-
Cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử phải tuân thủ thời gian hoạt động theo quy định