Hà Nội đứng thứ hai cả nước về chỉ số thương mại điện tử
TP HCM tiếp tục dẫn đầu xếp hạng chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2023 với 89,2 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 85,9 điểm. Đứng thứ ba là Đà Nẵng với 39,5 điểm, Đắk Nông và Kon Tum là hai tỉnh ở vị trí cuối bảng xếp hạng với lần lượt là 10,6 và 10,2 điểm.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn do bất ổn chính trị diễn ra trên thế giới, song kim ngạch xuất khẩu 5 tháng đầu năm của TP Hà Nội đạt 6,781 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,4 tỷ USD. Để đạt được kết quả trên có sự đóng góp một phần không nhỏ của thương mại điện tử.
Doanh số thương mại điện tử B2C ước chiếm 11% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn. Tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến ước đạt 50%. Tỷ lệ doanh nghiệp tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử ước đạt 45%.
Ông Tạ Dũng Trí, Phó Phòng Quản lý Thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, các doanh nghiệp tại Hà Nội đã bắt kịp xu hướng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu. Điều này đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của địa phương.
Theo ông Tạ Dũng Trí, dù đạt được kết quả đáng ghi nhận, xong việc đưa thương mại điện tử vào xuất khẩu cũng đặt ra một số khó khăn và thách thức. Cụ thể, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề về cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác, kỹ năng quản lý thương mại điện tử còn hạn chế, quy trình hải quan và vận chuyển quốc tế còn khó khăn và phức tạp. Đây là những vấn đề cần chú trọng để nâng cao hiệu quả của xuất khẩu trực tuyến và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
TMĐT Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong hệ thống thương mại nội địa. |
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thương mại điện tử xuyên biên giới hiện đang là xu hướng bùng nổ mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó Khu vực Đông Nam Á vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tại Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp chủ trương phát triển kinh tế số do Chính phủ đề ra.
Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam được tổng hợp từ ba chỉ số thành phần: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin; giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. Theo báo cáo, điểm trung bình của chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm nay là 19,24 điểm (không thay đổi nhiều so với 20,37 điểm của năm 2022).
M.C
-
Tôn vinh Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh năm 2024
-
VLF 2024: Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
-
Giá vàng hôm nay (1/11): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Sóc Trăng hợp tác nuôi trồng thủy sản bền vững
-
Bộ Công Thương phát động Cuộc thi tìm hiểu truyền thống ngành Công Thương