Giao thông vận tải phục hồi nhanh
Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua luôn đứng trong nhóm đầu về giải ngân các nguồn vốn |
Theo thông tin mới nhất của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), 6 tháng đầu năm 2022, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, tăng trưởng 123% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi có đại dịch Covid-19).
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng hành khách và hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu lượt, tăng 56,8% so với cùng kỳ năm 2021 (khách quốc tế đạt 1,8 triệu lượt, tăng 904,6%; khách nội địa đạt 38,9 triệu lượt, tăng 52,6%).
“Trong cả năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước dự kiến sẽ đón khoảng 87,8 triệu lượt khách, tăng 190% so với năm 2021. Hy vọng với đà tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa, dự kiến toàn mạng bay sẽ sớm khôi phục tương đương như trước đại dịch Covid-19”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng chia sẻ.
Song, ông Đinh Việt Thắng cũng thừa nhận, dù phần lớn các đường bay quốc tế đã được khôi phục nhưng các thị trường trọng yếu, chiếm tỷ trọng lớn về lượng khách như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... hiện vẫn duy trì các chính sách hạn chế xuất nhập cảnh và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, giá dầu liên tục tăng thời gian qua, chưa có tín hiệu giảm nhiệt, đã gây áp lực lớn, trở thành thách thức không nhỏ cho các hãng hàng không.
Thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019 |
Cùng với ngành hàng không, ngành hàng hải Việt Nam tiếp tục cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ. Tin vui với ngành hàng hải Việt Nam khi Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Chỉ số CPPI (Chỉ số hoạt động cảng container) cho 370 cảng container toàn cầu, bao gồm cảng Hub Port - trung tâm trung chuyển quốc tế và cảng cửa ngõ xuất nhập khẩu quốc gia, trong đó, cụm cảng Cái Mép (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được xếp thứ 11 (tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu) và thứ 13 (tính kỹ thuật, trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).
Ông Nguyễn Đình Việt, quyền Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết, nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp, tổng lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Theo đó, 5 tháng đầu năm 2022, lượng hàng hóa thông qua các cảng biển ước đạt 304,217 triệu tấn, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2021.
Đánh giá về cơ hội phục hồi của ngành hàng hải sau đại dịch, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, cảng biển chủ yếu phục vụ các doanh nghiệp nên tốc độ tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế và mức độ phát triển của doanh nghiệp. Do đó, khi kinh tế phát triển, chắc chắn ngành hàng hải sẽ có cơ hội phục hồi nhanh trong thời gian tới.
Trong khi đó, đường bộ, đường sắt cũng có những dấu hiệu phục hồi mặc dù còn chậm, đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn khi giá nhiên liệu tăng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giao thông dự báo, nếu nền kinh tế tiếp tục khởi sắc trong những quý tới thì vận tải đường bộ, đường sắt sẽ bớt khó khăn, tiến tới phục hồi.
Thời gian qua, Chính phủ dành nhiều nguồn lực cho phát triển hạ tầng trọng điểm. Ngoài nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025, mới đây, Quốc hội cũng đồng ý chủ trương dành khoảng 114 nghìn tỉ đồng trong gói phục hồi kinh tế 350 nghìn tỉ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, hàng loạt các chính sách đã thông thoáng hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng, thể hiện tính cấp bách và mong mỏi việc sớm có các công trình, dự án góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước.
Đến thời điểm này, trong 10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang thi công, có 8 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ. Nhiều ban quản lý dự án thuộc Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1 đã đặt ra mục tiêu cơ bản hoàn thành trước 3 tháng. Trong năm 2022 sẽ có 4 dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc đường bộ Bắc - Nam giai đoạn 1 gồm: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây được hoàn thành và đưa vào khai thác.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 50 nghìn tỉ đồng - lớn nhất từ trước tới nay, chiếm gần 10% vốn đầu tư công của cả nước. Vì vậy, Bộ GTVT ngay từ đầu năm đã xác định đây là nhiệm vụ nặng nề cần phải có những giải pháp cụ thể để giải ngân kịp thời nguồn vốn đầu tư công.
Lãnh đạo Bộ GTVT họp hằng tuần để kiểm điểm tiến độ giải ngân từng dự án, đặc biệt là quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị. Nhờ đó, Bộ GTVT thời gian qua luôn đứng trong nhóm đầu về giải ngân các nguồn vốn đầu tư công. Đến hết tháng 6-2022, Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 17.200 tỉ đồng, đạt 34,2% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, gồm: 1.843 tỉ đồng vốn nước ngoài, đạt 37,8% và 15.357 tỉ đồng vốn trong nước, đạt 33,8%.
Đánh giá về bức tranh chung của ngành GTVT, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có nhiều khởi sắc, đặc biệt là kết quả giải ngân vốn đầu tư tốt, góp phần vào việc phục hồi chung của nền kinh tế sau đại dịch bởi nguồn vốn đầu tư công chủ yếu dồn vào các dự án hạ tầng, công trình giao thông trọng điểm tạo động lực phát triển, đẩy nhanh việc thu hút đầu tư xã hội, thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, vẫn cần những chính sách và giải pháp cụ thể để lĩnh vực GTVT phục hồi nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Năm 2022, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn đầu tư công hơn 50 nghìn tỉ đồng - lớn nhất từ trước tới nay, chiếm gần 10% vốn đầu tư công của cả nước. |
Ngọc Quỳnh
-
Tin tức kinh tế ngày 21/10: Phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt trên 7%
-
Giá khí đốt châu Âu tăng cao khi Israel chuẩn bị trả đũa sau cuộc tấn công
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới ổn định ngày đầu tuần
-
Giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia: Còn nhiều bất cập
-
Giá vàng hôm nay (21/10): Đồng loạt tăng trong phiên giao dịch đầu tuần