Gian nan lấy nước cho NMNĐ Thái Bình 2
Tháng 2 âm lịch, những cơn gió lạnh cuối cùng của mùa đông phía bắc rít lên từng đợt ở cánh đồng xã Thái Đô, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Kéo theo đó là sương mù, mưa phùn kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Ở phía xa là ống khói cao 250m của NMNĐ Thái Bình 2, ẩn khuất sau màn sương mù.
Toàn cảnh Dự án NMNĐ Thái Bình 2 |
“Đi tìm ống khói đi, mất nửa ống khói rồi kìa”, tiếng những người công nhân đùa nhau ở cổng vào giao ca. Tiếng đùa ấy như xua đi cái lạnh và ảm đạm của thời tiết. Đã thành lệ, cứ mỗi sáng trên công trường NMNĐ Thái Bình 2, các nhà thầu đều tổ chức họp an toàn, gọi là “toolbox meeting”. Cuộc họp được tổ chức trong 15 phút đầu giờ với mục đích giao việc, đưa ra cho người lao động những biện pháp an toàn, cách xử lý tình huống nếu không may xảy ra sự cố. Người lao động cũng có thể đưa ra những ý kiến, quan điểm nhằm xây dựng một quy trình làm việc khoa học và thực tế hơn. Đây là một việc có thể coi là nhỏ, nhưng có ý nghĩa quan trọng trong một công trường rộng lớn với hàng triệu hạng mục, chi tiết kỹ thuật.
Những ngày chúng tôi đến NMNĐ Thái Bình 2, nhà máy vừa hoàn thành xong hệ thống ống cung cấp nước ngọt. Trong mỗi nhà máy nhiệt điện, hệ thống cung cấp nước ngọt vô cùng quan trọng. Nó quyết định việc có sinh được hơi cho turbine hay không. Không phải nước nào cũng có thể sinh hơi. Vì vậy, chỉ riêng việc lấy nước cho nhà máy thôi cũng vô cùng gian nan.
Điểm đầu của hệ thống ống |
NMNĐ Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, hệ thống nước ngọt cung cấp cho nhà máy phải đạt 1.000 m3/ngày đêm. Khối lượng nước ngọt này chảy qua một hệ thống ống qua 9 xã thuộc huyện Thái Thụy. Điểm đầu vào thuộc xã Thái Dương, điểm cuối là NMNĐ Thái Bình 2. Hệ thống ống này gồm 1 trạm bơm và 2 đường ống HDPE, mỗi ống có đường kính 45mm, đi qua nhiều cánh đồng, khu dân cư, vượt sông trong suốt 14,2km chiều dài của mình. Chỉ riêng chuyện lấy nước và thi công tuyến ống này cũng có rất nhiều khó khăn phải vượt qua.
Nước ngọt được lấy từ sông Diêm Hộ. Đây là con sông được người Pháp đào đầu thế kỷ XX với mục đích cung cấp nước ngọt cho các cánh đồng trong khu vực. Lý giải cho việc tại sao lại phải lấy nước ngọt từ xa như thế trong khi xung quanh nhà máy có rất nhiều sông và nguồn nước, anh Đào Văn Bình - Phó trưởng phòng Công nghệ của Ban Quản lý Dự án NMNĐ Thái Bình 2 cho biết, những nguồn nước xung quanh đều bị nhiễm mặn, nếu muốn sử dụng sẽ phải dùng hóa chất để xử lý, về lâu dài chi phí rất tốn kém.
Hệ thống ống cung cấp nước ngọt cho NMNĐ Thái Bình 2 khi đi qua một con sông |
2. Trong một nhà máy nhiệt điện than, nước ngọt làm nhiệm vụ đầu tiên là phục vụ sinh hơi cho turbine. Nước sau khi được bơm từ sông Diêm Hộ về sẽ chảy vào bể chứa nước thô, sau đó được đưa vào bể lọc filter và đưa vào hệ thống khử khoáng, loại bỏ tất cả các tạp chất. Đến mức độ tinh khiết, có thể uống được thì nước sẽ được đưa vào lò sinh hơi với mục đích chạy turbine. Lò hơi xung quanh có hệ thống giàn ống, nước chạy trong giàn ống sẽ sinh hơi cho việc quay turbine máy phát điện.
Ngoài ra, hệ thống nước ngọt cũng cấp nước cho toàn bộ hệ thống phòng cháy chữa cháy và dịch vụ khác như vệ sinh, rửa các thiết bị trong nhà máy. Ban đầu, theo thiết kế, điểm đầu của hệ thống nước chỉ cách nhà máy 8,5km, nhưng sau khi thử nghiệm, khi mùa khô đến thì nguồn nước tiếp tục bị nhiễm mặn nên phải thay đổi phương án, lấy nước từ nơi xa hơn. Anh Bình giải thích thêm, sử dụng nguồn nước nhiễm mặn ở một mức độ nào đấy thì sẽ không tốn chi phí đầu tư ban đầu nhiều, nhưng lại tốn chi phí vận hành nhiều hơn. “Về lâu dài, cách lấy nguồn nước ngọt ở xa tuy tốn chi phí ban đầu nhiều hơn nhưng tốt cho thiết bị hơn việc xử lý nước nhiễm mặn rồi sử dụng”, anh Bình nói.
Để xây dựng được hệ thống đường ống nước, các cán bộ thuộc Ban Quản lý Dự án NMNĐ Thái Bình 2 tốn rất nhiều công sức. Việc khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng. Người dân ở khu vực đường ống đi qua không phải ai cũng tạo điều kiện cho việc thực hiện dự án. Rất nhiều người dân gây khó dễ nhằm đòi hỏi một mức đền bù vô lý. Có những điểm, hệ thống bị tắc đến mấy năm trời không thể thi công vì người dân không đồng ý. Các cán bộ của Ban Quản lý Dự án NMNĐ Thái Bình 2 kể, có những nơi phải họp dân nhiều lần, từ năm này qua năm khác, để giải quyết kiện tụng, vừa làm vừa đền bù và giải phóng mặt bằng.
Đến khi thi công đường ống thì lại gặp khó khăn do địa hình, cấu tạo đất của vùng tuyến ống đi qua. Cứ đào sâu xuống để chôn ống thì cát chảy, đào đến đâu sụt đến đấy, đào xuống 70-80cm là phải đóng cừ và có những nơi cát sụt rất nhanh, chỉ sau 20 phút, phải đào lại.
Thế nhưng, vượt qua tất cả những khó khăn đó, tuyến ống đã được thi công thành công, chạy qua những cánh đồng lúa dài tít tắp, băng qua những con đường bê tông trong khu dân cư và một số nơi có đoạn chạy cao trên mặt sông để đưa nước ngọt về phục vụ nhà máy.
Hiện nay, các hạng mục chính của NMNĐ Thái Bình 2 đều đã cơ bản hoàn thiện.
Hiện dự án đang từng bước được tháo gỡ những “điểm nghẽn” để sớm đi vào hoạt động, đóng góp điện năng vào hệ thống điện quốc gia.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã thành lập Tổ công tác với quyết tâm đưa Dự án NMNĐ Thái Bình 2 hoạt động vào năm 2020. Kể từ khi thành lập đến nay, Tổ công tác đã liên tục duy trì các buổi giao ban hằng tuần tại công trường cùng với tổng thầu cũng như các nhà thầu phụ.
Các buổi giao ban đều liên tục cập nhật tiến độ, thực trạng các hạng mục xây dựng, thiết bị thực tế trên công trường, nỗ lực tháo gỡ từng khó khăn, vướng mắc của nhà thầu về tài chính, thanh quyết toán các hạng mục công trình, huy động nhân lực…
Từng bước được tháo gỡ khó khăn, đã có nhiều tín hiệu vui xuất hiện trên công trường NMNĐ Thái Bình 2, điển hình như việc hoàn thành đường ống cung cấp nước ngọt cho nhà máy.
Hệ thống nước ngọt cung cấp cho NMNĐ Thái Bình 2 đạt 1.000 m3/ngày đêm. Khối lượng nước ngọt này chảy qua một hệ thống ống qua 9 xã thuộc huyện Thái Thụy. Điểm đầu vào thuộc xã Thái Dương, điểm cuối là NMNĐ Thái Bình 2. Tổng chiều dài 14,2km. |
Hiến máu tình nguyện trên công trường NMNĐ Thái Bình 2 |
Giữ niềm tin người lao động tại NMNĐ Thái Bình 2 |
"Chuyển động" mới trên công trường NMNĐ Thái Bình 2 |
Thanh Hiếu - Quang Hưng