Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Gian lận gas: Khi nào đến hồi kết?

09:13 | 11/05/2011

536 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nạn sang chiết gas trái phép hàng năm đã gây ảnh hưởng rất lớn trong việc thu thuế, sản lượng tiêu thụ, uy tín thương hiệu của các công ty chân chính, ảnh hưởng tới tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng.

Sang chiết gas trái phép trong phòng trọ.

Báo chí trong nhiều năm qua đã nhắc đến vấn nạn sang chiết gas trái phép, nhái nhãn mác, lừa bán gas thiếu cân cho người tiêu dùng… thế nhưng chuyện gian lận vẫn cứ tái diễn thậm chí còn phức tạp hơn. Việc quản lý, giám sát đối với mặt hàng này gần như bị bỏ ngỏ, cơ quan chức năng tỏ ra lúng túng trong việc giải quyết, chế tài xử lý còn nhiều hạn chế dẫn đến nạn gian lận gas vẫn ngang nhiên hoành hành.

Tái diễn những chiêu thức cũ

Nhu cầu sử dụng gas của người dân ngày càng tăng mạnh, nạn làm gas giả, gas nhái cũng phát triển theo. Các vụ lừa bán gas thiếu kilôgam đã xảy từ nhiều năm qua vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Với các chiêu thức cũ tái diễn khiến nhiều người tiêu dùng (NTD) phải chuốc lấy sự bực tức khi mua bình gas 12kg mà bị lừa đến một nửa. Trước đây, gia đình anh Dương Văn Dũng (ở 93 Đốc Ngữ, Ba Đình) sử dụng một một thương hiệu gas có uy tín trong sinh hoạt, thế nhưng tháng vừa rồi chỉ sau 10 ngày bình gas nhà anh hết nhanh một cách bất thường. Sinh nghi anh gọi một bình gas mới theo số điện thoại được ghi trên vỏ bình thì không liên lạc được. Mang lên chính hãng kiểm tra thì đại diện hãng gas cho biết đây là gas giả nhái nhãn hiệu, tem niêm phong, số điện thoại giả mạo đã được dán đè lên số điện thoại của hãng. Mặc dù trọng lượng trong bình còn khoảng 6kg nhưng khi nhân viên đổ ra thì “gas” chỉ toàn… nước lã. Theo thông tin mới nhất, giá gas trên thị trường đầu tháng 5 tăng tới 30.000đồng cho một bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 378.000 đồng mỗi bình loại này, như vậy khách hàng bị “móc túi” xấp xỉ 180.000 đồng, quả là một số tiền không nhỏ.

Thực tế các vụ gian lận gas theo kiểu này đã có từ lâu, được tổ chức khá bài bản để đối phó với cơ quan chức năng và đánh lừa NTD. Ngoài mánh khóe dán đè địa chỉ gas “ảo” lên vỏ bình, các đối tượng lừa đảo còn giả làm nhân viên của các hãng có uy tín đến “tư vấn”. Dù bộ van còn rất tốt nhưng sau khi “bắt bệnh” bộ van an toàn của gia chủ đang sử dụng bỗng trở thành… không đảm bảo an toàn cần phải thay mới. Đánh vào tâm lý lo lắng, chỉ sau một cái gật đầu, rất nhiều chị em phụ nữ đã bị chúng lừa với chiêu thức này. NTD thực sự bối rối do không nhiều sự lựa chọn khi sử dụng sản phẩm và sự am hiểu về gas, cũng như việc nhận biết các thương hiệu của các công ty sản xuất còn hạn chế. Còn vấn đề gas thiếu trọng lượng hoặc kém chất lượng, NTD chỉ nhận biết được theo cảm quan trong quá trình đun nấu như: Bình gas này sử dụng đun nấu hơn 1 tháng, bình khác thì đun nấu không đến, vẫn lầm tưởng ngọn lửa màu xanh, vàng là do chất lượng gas kém, màu sắc khác nhau của vỏ bình có chất lượng khác nhau… Theo thói quen khách hàng gọi một bình gas mới để thay thế, đối với hành vi này cần phải xử lý thật nghiêm khắc. Các đối tượng làm gas giả thường đi mua bình gas của một hãng có tiếng trên thị trường rồi về tự động sang chiết. Đặc biệt là những bình gas mini mang về khoản lợi nhuận kếch xù bởi loại bình gas nhỏ này dễ tiêu thụ trên thị trường, sang chiết nhanh, dễ gian lận về trọng lượng (trung bình bị gian lận từ 1 đến 2 lạng).

Hơn nữa, sử dụng loại bình này vừa dễ giả mạo vừa nguy hiểm bởi việc tái sử dụng nhiều lần, thậm chí, vơ nhiều bình đã bị han gỉ các cơ sở kinh doanh trái phép đã tự động sơn lại như mới. Việc làm này cực kỳ nguy hiểm cho quá trình sử dụng của người tiêu dùng, vì vỏ bình bị mài mòn, làm thay đổi kết cấu khiến sức chịu áp lực của vỏ bình gas giảm, tăng nguy cơ biến những bình gas thành những quả bom có sức công phá lớn… Hàng ngày, không biết bao nhiêu “quả bom” nổ chậm như thế đang trôi nổi ngoài thị trường, vì lợi nhuận họ bất chấp tính mạng của NTD.

Trong cơn “bão giá”, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt NTD thường có thói quen mua gas với giá cạnh tranh qua các tờ rơi được “khuyến mại” thêm một số món quà như ly, cốc, bát, đĩa… để thu hút khách hàng. Anh Nguyễn Đức Tâm, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas lý giải: Ngoài một số hãng lớn như Petrolimex, Shell gas, Total gas… đã có giá trị về thương hiệu, chất lượng và sự đầu tư có quy mô lớn thì giá gas cao hơn một chút, còn các hãng khác luôn giữ mặt bằng chung về giá cả. Thực chất đây là trò “câu khách” bịp bợm, họ tự tạo ra chuyện khuyến mại để đánh lừa khách hàng và cạnh tranh làm sút giảm uy tín của những hãng khác. Thực tế những món quà “khuyến mại” đó đã nằm trong giá gas, quà từ chính túi khách hàng mà ra, không có chuyện giá gas bị chênh lệch nhiều một cách bất hợp lý như vậy.

Do đó người tiêu dùng cần phải tự bảo vệ mình, quan tâm khi chọn sản phẩm gas từ các đại lý kinh doanh gas có uy tín và địa chỉ cụ thể rõ ràng, tránh việc mua các sản phẩm gas từ các tờ bướm, khuyến mãi không có nguồn gốc. Những cơ sở “ga lừa” này rất cơ động di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, thường không bám trụ lâu ở một địa điểm cố định nào nhằm tránh bị cơ quan chức năng để ý. Tình trạng chiết nạp gas trái phép, buôn bán các bình gas 12kg gắn niêm van giả mạo nhãn hiệu các công ty gas vẫn xảy ra. Loại bình gas này thường không đủ định lượng, tất nhiên là không đảm bảo an toàn do sang chiết lậu, không qua kiểm định tại các xưởng chiết nạp ơ ûcác tỉnh lân cận thành phố rồi vận chuyển bằng xe tải về thành phố, bán cho các cửa hàng gas trong thành phố. Nguồn vỏ bình để chiết nạp lậu do mua lại trên thị trường hoặc đổi từ các cửa hàng gas.

Gian lận gas, khi "bệnh đã nhờn thuốc”

Các quy định về hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh gas tại Nghị định 107/2009/NĐ-CP ngày 26-11-2009 của Chính phủ và một số Thông tư của Bộ Công Thương và Bộ KH&CN đã hạn chế việc sang chiết gas trái phép tạo nên môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính trong quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh. Thế nhưng có một nghịch lý, kết quả kiểm tra hàng năm của các cơ quan chức năng (Đoàn kiểm tra liên ngành thuộc Ban chỉ đạo 127 địa phương…), cũng như thông tin từ các hãng gas Petro VN, Petrolimex… có sản lượng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh cho thấy mức độ sang chiết, kinh doanh gas trái phép ngày càng nghiêm trọng, như: Kinh doanh không có đăng ký, không có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; không đủ định lượng, sang chiết gas lậu bán lẫn lộn với gas thật gây thiệt hại cho người tiêu dùng, vì trọng lượng luôn thiếu từ 2-5 kg gas/bình 12 kg. Việc giải quyết các vụ vi phạm chỉ đếm trên đầu ngón tay, mức xử phạt quá nhẹ không có sức răn đe bởi thiếu hành lang pháp lý, làm thiếu niềm tin cho NTD

Qua số liệu tính toán sơ bộ được tổng hợp từ các vụ vi phạm trong thời gian qua, nạn sang chiết gas trái phép hàng năm đã gây ảnh hưởng rất lớn trong việc thu thuế, sản lượng tiêu thụ, uy tín thương hiệu của các công ty chân chính mà còn ảnh hưởng tới tính mạng sức khỏe của người tiêu dùng. Còn đối với các biện pháp chế tài khi xử lý các hành vi vi phạm trong việc kinh doanh sang chiết gas trái phép không đủ sức răn đe vì mức phạt khoảng hơn 10 triệu đồng/1 vụ không là gì so với lợi nhuận quá lớn từ những bình gas giả mang lại. Nguyên nhân của thực trạng này được đánh giá là do mức xử phạt hành chính quá nhẹ so với hành vi vi phạm, số lượng vụ án được khởi tố điều tra truy tố xét xử rất thấp…Tình trạng nhái nhãn hiệu, gas giả ngày càng nhiều và lan rộng bởi mức xử phạt không còn mang tính răn đe, những người này chỉ cần bán vài bình gas trong 1 thời gian ngắn là đủ tiền nộp phạt rồi lại tiếp tục hoạt động.

Hiệp hội Gas Việt Nam và Bộ Công an hiện đang tập hợp chứng cứ, thống kê các vụ thiệt hại để đề nghị thay đổi bổ sung cơ sở pháp lý để trình Chính phủ sửa đổi nghị định về kinh doanh gas làm cơ sở pháp lý, nhằm xử lý tận gốc tình trạng này. Hẳn NTD và các doanh nghiệp chân chính sẽ hỏi khi nào sẽ được xử lý tận gốc ? Một câu hỏi lớn không lời đáp… đã từ lâu đang chờ đợi các cơ quan chức năng.

Mạnh Kiên