Giải pháp thúc đẩy tiến trình phát triển tăng trưởng xanh
Toàn cảnh Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 |
Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Nguyễn Đức Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhấn mạnh, tăng trưởng xanh là một trong những phương thức quan trọng để phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh hiện đang là yêu cầu, xu thế được nhiều quốc gia thực hiện.
Tại Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 được Đảng đề ra trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tăng trưởng xanh ở nước ta hướng đến mục tiêu bao trùm là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đó là chủ trương và định hướng rõ ràng, chính thức và cũng đã được cụ thể hóa, và là khung khổ pháp lý và thể chế quan trọng cho chuyển đổi xanh ở Việt Nam.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Minh cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và 2 năm thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đạt được những bước tiến quan trọng, tuy nhiên, trong thực hiện tăng trưởng xanh cũng có nhiều khó khăn phải giải quyết. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra định hướng chung và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Chiến lược cũng đề ra các giải pháp lớn cần tập trung thực hiện về xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách; về truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức; về phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh; về huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh; về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; về hội nhập và hợp tác quốc tế; về bình đẳng trong chuyển đổi xanh; về huy động sự tham gia các bên liên quan…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn ở vị trí khiêm tốn về thu nhập bình quân đầu người cũng như chuyển đổi công nghệ so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh sẽ mang lại những lợi ích to lớn và lâu dài.
Đề cập đến nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh đến vấn đề nguồn lực tài chính và con người trong triển khai kế hoạch nhằm đạt mục tiêu của chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹpvà phải ứng phó với nhiều vấn đề của khu vực và toàn cầu.
Thời gian qua, Chính phủ, và các bộ, ngành có nhiều nỗ lực trong việc hoạch định chính sách và thúc đẩy nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, cụ thể như ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; xây dựng khung khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện, khuyến khích với cơ chế ưu đãi; cùng với đó, Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch quan trọng trong đó có quy hoạch điện VIII, đẩy mạnh chuyển đổi số. Những kết quả này mới là bước khởi đầu và cơ hội, thách thức phía trước vẫn còn rất nhiều, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đưa ra bốn nhóm mục tiêu cơ bản như tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Điểm nổi bật nhất là cân bằng, hài hòa các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đã khẳng định rất rõ giải pháp quan trọng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt là khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng xanh.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các nhà khoa học phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan để tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, đạt được thành tựu vững chắc và mục tiêu đề ra. Do đó, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, các đại biểu cần tập trung việc tăng trưởng xanh cần có nguồn lực lớn để thực hiện; vậy cơ chế, chính sách gì để vừa khuyến khích vừa ràng buộc một cách hiệu quả để các doanh nghiệp có động lực đồng hành trong việc thực hiện các giải pháp về phát triển xanh, kinh tế xanh; mong muốn các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp hiến kế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình tăng trưởng xanh và cũng cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát nhằm hạn chế doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật về môi trường.
Đó là, tăng trưởng xanh không chỉ thuần túy liên quan đến khía cạnh sản xuất mà cả tiêu dùng. Đối với tiêu dùng, ngoài mục đích kinh tế còn liên quan các ngành lĩnh vực khác, liên quan đến văn hóa, tập quán, nhận thức…; tăng trưởng xanh liên hệ mật thiết với công tác kinh tế đối ngoại, là đầu tư nước ngoài, hỗ trợ của các đối tác song phương, đa phương trong tiếp cận dòng công nghệ tiên tiến trên thế giới, huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Các đại biểu thảo luận tại diễn đàn. |
Chia sẻ tại diễn đàn, PGS.TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, Việt Nam có thể trở thành quốc quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, phát triển bền vững. Theo PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, chú trọng hơn vào số hóa, xanh hóa, và sự cân đối hài hòa giữa kinh tế, xã hội, môi trường sẽ giúp Việt Nam hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững; đồng thời trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo mọi người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần.
PGS.TS. Bùi Quang Tuấn khẳng định, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh là hết sức cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, tăng trưởng xanh là con đường tất yếu của sự phát triển. Nó phù hợp với mô hình tăng trưởng mới của Việt Nam để hướng đến tương lai.
Dưới góc nhìn chuyển dịch năng lượng, TS. Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, tăng trưởng xanh tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam, giúp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhập khẩu năng lượng; tăng tính cạnh tranh, giảm thuế carbon sản phẩm thông qua giảm dấu vết carbon; tận dụng được nguồn tài chính khí hậu/tài chính xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không khí; tăng khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, giảm tác động có hại đến sức khỏe.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp... đã tập trung trao đổi, chia sẻ vào các vấn đề mang tính trọng tâm như: chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tăng trưởng xanh và giảm phát thải ở một số quốc gia trên thế giới; Thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh ở Việt Nam, tập trung vào thể chế, chính sách, khơi thông huy động nguồn lực tài chính, thị trường carbon, chuyển dịch năng lượng xanh và các nguồn năng lượng mới; các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh hiện nay; Những sáng kiến điển hình về mô hình Khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn, kinh tế xanh ở khu vực doanh nghiệp.
Chương trình“Diễn đàn tăng trưởng xanh Việt Nam 2023” có sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam). |
N.H
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Giải pháp của mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp
-
Tăng cường hợp tác quốc tế và phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Thẩm quyền giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo