Giải pháp nào “cứu nguy” doanh nghiệp?
Cần sự chung tay của các bộ, ngành để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất |
Những khó khăn tài chính lớn nhất mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt lúc này là nguồn tiền chi trả lương cho người lao động; trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng; nộp các loại phí...
Theo Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, mặc dù có 16 ngân hàng thương mại (NHTM) cam kết giảm lãi vay, nhưng chỉ 4 NHTM hưởng ứng nghiêm túc, nhiều NHTM hạ lãi vay rất chậm.
Lĩnh vực bất động sản (BĐS) hiện đóng góp 7-8% GDP hằng năm, có liên quan đến hơn 35 ngành nghề khác, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, nhưng gần 2 năm phải “oằn mình” trong đại dịch. Hầu hết doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19, cạn dòng tiền. Trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng: Nếu không được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản.
Dự báo sớm nhất phải đến quý II/2022, các hoạt động kinh tế của Việt Nam mới có thể trở lại trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp dần hồi phục. Tuy nhiên, các giải pháp hỗ trợ về thuế mới chỉ được giới hạn trong năm 2021.
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) đề nghị: Dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí phòng, chống dịch bệnh bổ sung cho những doanh nghiệp cố gắng cao nhất, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp theo; mở rộng đối tượng được hưởng chính sách giảm thuế TNDN 30%. Theo đó, các doanh nghiệp có tổng doanh thu không quá 300 tỉ đồng/năm cũng được thụ hưởng, thay vì mức không quá 200 tỉ đồng/năm.
TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), đánh giá: Các gói hỗ trợ vay vốn đã có nhưng doanh nghiệp khó tiếp cận vì điều kiện ngặt nghèo. Muốn được vay, doanh nghiệp phải chứng minh có tài sản thế chấp, phương án kinh doanh có lãi.
Giải pháp nào “cứu nguy” doanh nghiệp? |
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, số doanh nghiệp công nghiệp vay vốn chiếm khoảng 60-70%. Nhưng đến nay, doanh nghiệp không sản xuất được, số doanh nghiệp vay vốn thấp. Hiện chỉ có khoảng 26,8% doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu vay vốn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, gần 2 năm qua, các NHTM đã rất nỗ lực đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bản thân các NHTM cũng là doanh nghiệp nên phải thận trọng khi cho vay để tránh nợ xấu.
Theo TS Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 về cơ cấu nợ và 2 lần điều chỉnh bằng Thông tư 03, Thông tư 14 để phù hợp thực tiễn, nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Các NHTM đã cơ cấu nợ từ khi có dịch đến nay tính lũy kế khoảng 520.000 tỉ đồng.
“Các NHTM cũng tự dùng nguồn lực của mình để hạ lãi suất cho vay. Tính chung các NHTM đã hạ lãi suất lũy kế trên 26.000 tỉ đồng. Riêng từ ngày 15-7-2021 đến nay, các NHTM đã hỗ trợ giảm lãi suất khoảng 9.000 tỉ đồng. Đây là nguồn hỗ trợ từ việc cân đối lợi nhuận của các NHTM”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nhận xét: Việt Nam muốn lấy lại đà tăng trưởng kinh tế nhanh, cần phải đẩy thêm tiền, cụ thể là tín dụng. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần có sự điều phối hài hòa nếu không muốn để lại những hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta có thể thấy hệ thống ngân hàng đã làm gần như hết sức. NHNN đã hạ lãi suất điều hành, giá vốn đã giảm và dự kiến lợi nhuận các NHTM sẽ giảm khoảng 1 tỉ USD năm 2021. Chính sách tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã “gồng mình” lên rất nhiều, dù bên cạnh đó vẫn còn chính sách tài khóa.
Theo gợi ý của ông Andrew Jeffries, muốn đẩy tiền ra nền kinh tế, muốn cho doanh nghiệp vay vốn dù doanh nghiệp không đáp ứng chuẩn vay trong bối cảnh hiện nay, một chương trình có thể áp dụng là bảo lãnh tín dụng, cụ thể: Chính phủ bảo lãnh một số hoạt động cho vay hay chương trình tín dụng (bảo đảm rủi ro) để cho phép NHTM cho một số doanh nghiệp đạt yêu cầu được vay vốn.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất khó khăn, không có khả năng tồn tại, thiếu dự án khả thi, nếu NHTM cho vay sẽ rất rủi ro. Trong khi đó, Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép các NHTM cho doanh nghiệp thua lỗ vay; Luật Quản lý nợ công quy định Chính phủ không được bảo lãnh vốn vay của doanh nghiệp.
“Làm sao để các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn? Chúng ta cần phải phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. Hiện Việt Nam có 28 quỹ nhưng hoạt động không hiệu quả. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như một số quốc gia vẫn làm”, ông Cấn Văn Lực đề xuất.
Ngoài giải pháp tiền tệ - tín dụng, nhiều ý kiến cho rằng, các giải pháp của Chính phủ như như: Tài khóa, an sinh xã hội, chính sách phục hồi sản xuất kinh doanh an toàn trong bối cảnh còn Covid-19 cũng cần phải được thực thi hiệu quả thì mới có sức lan tỏa để vực dậy cộng đồng doanh nghiệp. Việc hỗ trợ ngắn hạn cũng đóng vai trò khẩn thiết để cứu doanh nghiệp như: Bảo đảm các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất.
TS Cấn Văn Lực: Chúng ta cần phải phát huy vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương. Hiện Việt Nam có 28 quỹ nhưng hoạt động không hiệu quả. Các quỹ này cần sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như một số quốc gia vẫn làm. |
Liều thuốc vực dậy kinh tế cuối năm: Tiền không là tất cả! |
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị phục hồi sản xuất tại các khu công nghiệp |
Bộ Tài Chính đảm bảo cân đối ngân sách trong năm 2021 |
Nam Anh
-
Tin tức kinh tế ngày 24/10: Thương mại điện tử 9 tháng tăng gần 38%
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS