Giá xăng dầu trong nước vẫn khó giảm
Chốt phiên giao dịch ngày 11/5, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 6 giảm 5,67 USD/thùng, tương ứng 5,5%, xuống 98,21 USD/thùng trên sàn New York. Giá thấp nhất trong phiên của dầu kỳ hạn là 97,5 USD/thùng. Giá xăng giao tháng 6 cũng giảm 7,6% xuống 3,12 USD/gallon, đánh dấu phiên giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 9/2008.
Tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 6 giảm 5,06 USD, đóng cửa ở mức 112,57 USD/thùng.
Tiếp nữa, kể từ ngày 19/4 đến nay, tỷ giá USD/VND tại ngân hàng cũng đã hình thành xu hướng giảm, sau khi đạt đỉnh là 20.940 đồng/USD. Sau thời điểm này, tỷ giá tại ngân hàng giảm mạnh và xuống mức thấp nhất 20.590 đồng/USD vào ngày 28/4.
Ngày 12/5, giá USD bán ra theo niêm yết tại Vietcombank là 20.650 VND. Như vậy, USD đã giảm 245 đồng so với VND, tương đương -1,86% so với tỷ giá ngày 29/3 – ngày giá xăng tăng thêm 2.000 đồng/lít lên mức 21.300 đồng/lít như hiện nay.
Không chỉ USD giảm giá so với VND, mà nguồn cung USD cho doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng đã được cải thiện đáng kể. Theo báo cáo của đại diện Petrolimex tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, trong tháng 4 doanh nghiệp này đã mua được hơn 1 tỷ USD để đảm bảo trả nợ và nhập khẩu.
Đơn vị này cũng đã ký được hợp đồng nhập khẩu xăng dầu đến hết quý 2/2011, với lượng nhập là 5,5 triệu m3 tấn.
Những yếu tố trên đã khiến không ít người tiêu dùng mong chờ vào việc giá bán lẻ xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp đầu mối lớn lại cho rằng, hiện khả năng đó chưa thể đặt ra.
Trao đổi với VnEconomy, ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, đúng là mấy ngày gần đây giá xăng dầu trên thế giới có xu hướng giảm, nhưng tính bình quân trong 30 ngày thì giá xăng cơ sở của Petrolimex vẫn cao hơn khoảng 7,3% so với giá bán lẻ hiện hành.
“Trong khi theo quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ- CP, với mức chênh lệch là 7% các doanh nghiệp đã có thể điều chỉnh giá bán lẻ trong nước”, ông Dũng nói.
Tuy nhiên, vào ngày 29/4, Bộ Tài chính đã có văn bản số 5616/BTC-QLG theo yêu cầu các doanh nghiệp vẫn tiếp tục giữ nguyên giá bán như hiện nay nên các đầu mối vẫn phải kìm giá dù đang lỗ.
Một số ý kiến cho rằng chính việc ký hợp đồng mua xăng ở mức giá cao của doanh nghiệp đã khiến cho giá cơ sở tiếp tục ở mức cao, giá trong nước theo đó chưa có điều kiện giảm. Về yếu tố này, ông Dũng giải thích: đối với mặt hàng xăng dầu các doanh nghiệp phải đảm bảo mức dự trữ lưu thông là 30 ngày nên doanh nghiệp luôn phải ký hợp đồng từ trước đó rất lâu dù mức giá đang cao hay thấp. Đây cũng là đặc thù riêng của kinh doanh xăng dầu do việc giá lên, xuống tương đối khó đoán định trước.
Đại diện Saigon Petro, Tổng giám đốc Đặng Vinh Sang cũng cho hay, trên thực tế giá dầu thô mới giảm trong mấy ngày gần đây, nên mức giá bình quân trong 30 ngày vẫn khá cao. Thêm nữa, vào đầu tháng 5/2011, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối vẫn lỗ tới 1.000 – 1.200 đồng/lít xăng nên thời điểm này chưa thể nói tới việc có giảm giá hay chưa.
Theo Vneconomy
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/10: Giá dầu thế giới "tuột dốc không phanh"
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/10: Nhiều nhà máy lọc dầu ở California cân nhắc đóng cửa
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 24/10: Giá dầu thế giới lấy lại đà tăng
-
Các chuyên gia nói gì về nhu cầu dầu từ nay đến năm 2035?
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 28/10: Giá dầu thế giới "tuột dốc không phanh"