Giá điện của Việt Nam chưa phản ánh hết chi phí sản xuất
Ông Franz Gerner - Chuyên gia năng lượng cao cấp của WB |
PV: Có người cho rằng, giá bán điện ở Việt Nam còn thấp, chưa phản ánh hết mọi chi phí sản xuất. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
Ông Franz Gerner: Mỗi quốc gia đều có những đặc thù về năng lượng, cơ cấu nguồn điện cũng như kết cấu hạ tầng; cùng với đó là những khó khăn, thách thức riêng. Các yếu tố chi phối giá sản xuất điện có dao động lớn, nên việc so sánh giá điện giữa các nước trên thế giới có thể sẽ là khập khiễng.
Để đánh giá sự phù hợp về giá bán điện cần phải đánh giá cơ cấu chi phí sản xuất điện của mỗi quốc gia và cấp độ các dịch vụ cung ứng điện. Trước nay, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng cách tiếp cận về giá khá thống nhất. Theo đó, nguồn thu từ bán điện được sử dụng vào mục đích trang trải cho hoạt động sản xuất và vận hành hệ thống điện. Tuy nhiên, trong giá bán điện này chưa tính đến nguồn vốn đầu tư, chủ yếu được cấp từ nguồn vốn ODA hoặc các khoản vay của EVN được Chính phủ bảo lãnh.
Cách định giá điện như vậy, trước đây đã thu được những thành công nhất định, góp phần vào phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Song, giá bán điện thấp dưới định mức thu hồi vốn đã làm cho thị trường điện bị lệch chuẩn, dẫn đến sử dụng nguồn điện kém hiệu quả. Kết quả là, cường độ sử dụng năng lượng cao, do những kết quả không chính xác về chi phí thực của sản xuất và dịch vụ điện năng.
PV: Vậy theo ông trong tương lai, giá điện của Việt Nam ở mức như thế nào là phù hợp?
Ông Franz Gerner: Trước tiên phải kể đến phần lớn nguồn tài nguyên giá rẻ trong nước của Việt Nam đã được sử dụng tối đa, đạt được công suất nguồn lớn, nhất là đã tận dụng tốt nguồn thuỷ điện, nhiện điện than nội địa. Nhưng nguồn nhiên liệu này đã dần cạn kiệt, Việt Nam bắt đầu phải sử dụng nhiều hơn nguồn nhiên liệu đắt đỏ như: Than nhập khẩu, dầu và khí tự nhiên. Thứ hai, Việt Nam cũng đã trở thành một quốc gia có mức thu nhập trung bình và ngành Điện không còn nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi từ nhiều nước như trước đây. Hiện nay, Chính phủ đang hướng cho ngành Điện sử dụng hình thức huy động vốn theo cơ chế thị trường, thay vì sử dụng nguồn ODA và vay bảo lãnh của Chính phủ.
Bởi vậy, vốn đầu tư khổng lồ cho phát triển ngành Điện ước tính khoảng 8 tỷ USD mỗi năm sẽ được phân bổ vào giá bán điện của các tổng công ty, công ty phân phối điện, bán cho người tiêu dùng. Mức tăng giá bán lẻ điện vừa qua (từ 7 UScents/kWh lên khoảng 8,1 UScents/kWh) là một bước đi đúng hướng.
Ngoài ra, theo tôi, giá điện trong tương lai cần phải tính đến việc thu hồi được các chi phí gồm: Vận hành và bảo dưỡng thiết bị, vốn đầu tư, các nghĩa vụ trả nợ. Như vậy, mức giá bán lẻ này dự tính trung bình khoảng 11-12 UScents/kWh.
PV: Theo đánh giá của cá nhân ông, EVN và các tổng công ty trực thuộc đã nỗ lực giảm tổn thất điện năng để giảm áp lực lên giá điện hay chưa, thưa ông?
Ông Franz Gerner: EVN đang làm rất tốt việc giảm tổn thất điện năng liên quan đến kỹ thuật. Thực tế là EVN đã giảm tổn thất điện trong khâu truyền tải và phân phối điện từ 24% vào năm 1995 xuống chỉ còn 6,83% vào năm 2018. Việt Nam có một hệ thống điện tích hợp lớn trải dài hơn 2.000 km từ Bắc vào Nam và tỷ lệ tổn thất điện năng hiện nay có thể nói là đã gần như đạt chuẩn quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Kết quả đạt được trong giảm tổn thất điện năng đã thể hiện rõ năng lực điều hành rất tốt của EVN và là kết quả thu được từ việc đầu tư các công trình quy mô lớn trong hệ thống truyền tải và phân phối của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia và các công ty điện lực trong suốt những năm qua.
Hiện nay, EVN cũng đã thực hiện rất tốt việc giảm tổn thất thương mại, khi các công ty điện lực đã thu được 99,8% theo hoá đơn tiền điện. Quy trình thanh toán tiền điện đã ứng dụng nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại như, thông qua tin nhắn và chuyển trực tiếp qua ngân hàng… tạo thuận lợi cho Tổng công ty Điện lực và khách hàng.
PV: Liệu EVN có thể giảm tổn thất điện năng hơn nữa không, thưa ông?
Ông Franz Gerner: Hoàn toàn có thể bằng cách tiếp tục đầu tư vào nâng cấp hệ thống lưới điện và sử dụng các công nghệ thông minh, tối ưu hoá hệ thống điện và phản ứng nhanh, hiệu quả hơn nữa trước các vấn đề phát sinh của hệ thống điện. Tuy nhiên, các giải pháp chính cũng đòi hỏi EVN phải đầu tư nguồn vốn rất lớn và đây là vấn đề không đơn giản.
PV: Xin cảm ơn ông!
Duy Anh
| Nguyên nhân hóa đơn tiền điện tăng cao |
| Giá điện “tăng sốc”, cổ phiếu điện vẫn bị… hắt hủi |
| Tăng giá điện 2019: Hãy là người tiêu dùng thông minh |
| Không tăng giá điện, sẽ thế nào? |
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
Giá điện có thể được điều chỉnh tăng gần 10%
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Giải pháp của mô hình dịch vụ công ở các hội nghề nghiệp
-
Tăng cường hợp tác quốc tế và phổ biến kiến thức khoa học hướng tới tăng trưởng xanh
-
Cần cơ chế đặc thù cho các Tập đoàn chủ đạo trong nền kinh tế
-
Thẩm quyền giám sát vốn đầu tư Nhà nước tại doanh nghiệp còn chồng chéo