Gặp lại mối tình Tây Tiến
(Chiến sỹ Điện Biên năm xưa)
Ảnh minh họa |
Chiều đông. Trời khô khan, hơi lạnh. Cảnh hoàng hôn ở Hà Nội luôn làm cho người ta có cảm giác man mác nhớ quê hương. Hai chú cháu dạo bước trong khuôn viên vườn nhà. Ông có vẻ tư lự, mơ màng. Tôi đoán thầm, chắc cụ lại nhớ những kỷ niệm của một thời Hà Nội đây! Ông vốn là con một nhà giáo thời Pháp thuộc, học sinh trường Bưởi. Toàn quốc kháng chiến, chàng thanh niên Quản Văn Thái hăng hái gác bút, lên đường kháng chiến. Thể nào mà chẳng có những kỷ niệm của chàng trai Hà Thành thời xưa! Tôi liền cất tiếng đưa ông về hiện tại:
- Ông ơi, chắc cụ lại nhớ cô gái Hà Nội thời nào phải không?
Ông bừng tỉnh, cười rất tươi và hóm hỉnh:
- Anh nhạy cảm đấy! Nhất định rồi. Nhưng không phải ở Hà Nội đâu, mà là một mối tình Tây Tiến. Tôi sẽ kể chuyện cho mà nghe.
Tôi liền kéo ông vào nhà, gọi mọi người xúm lại nghe ông kể chuyện. Ông vào phòng lục trong túi ra một tờ giấy vở học trò, có chép bài thơ ông viết về mối tình của mình cách đây gần 60 năm. Chả là gần đây, ông hay làm thơ. Ông còn khoe, trong những dịp sinh hoạt Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi của phường, ông hay đọc thơ cho mọi người thưởng thức, được hoan nghênh, ca ngợi lắm. Ông vừa cất cao giọng:
“ Nhớ một chiều vàng nắng
Người em gái xinh xinh…”
Cả nhà ồ lên:
- Chà lãng mạn thật đấy! Chắc là cô ấy đẹp lắm hở ông?
Sau những vần thơ mộc mạc đậm chất lính Cụ Hồ, mọi người say sưa cùng ông hồi tưởng mối tình Tây tiến của thời kháng chiến chống Pháp…
Mùa xuân năm 1953, Trung đội trưởng Quản Văn Thái được cấp trên cử đến vùng đồi núi miền Tây Thanh Hóa chọn địa bàn để đơn vị về huấn luyện chuẩn bị cho chiến dịch đánh quân Pháp trên vùng rừng núi. Vùng Chuối Mực, miền Tây Thanh Hóa có những đồi sim, dòng suối nhỏ trong xanh, và xa hơn một chút là rừng núi bạt ngàn. Thôn xóm nhộn nhịp trong không khí vùng tự do của Việt Minh. Nhà máy giấy của Chính phủ kháng chiến cũng từ Hà Nội tản cư về đây. Các gia đình cán bộ, công nhân viên đều ở nhờ nhà dân địa phương. Bóng dáng thanh niên nam nữ, đội ngũ công nhân trẻ làm cho không khí sinh hoạt của miền quê sơn cước rộn ràng hẳn lên.
Buổi sáng đầu tiên vào nhà dân liên hệ chỗ đóng quân cho đơn vị, Trung đội trưởng Thái ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một nữ công nhân trẻ măng đang ở nhờ nhà chủ. Cô Tuyến là công nhân nhà máy giấy. Hôm nay cô phải nghỉ ở nhà vì vừa bị ngã, tay sai khớp sưng vù. Gặp đồng hương, hai người thân nhau ngay, như đã quen biết từ lâu. Chất lãng mạn của chàng trai trí thức Hà Nội trong anh bộ đội Cụ Hồ được phát huy một cách tự giác trong tình quân dân cả nước. Sau những lúc đi dân vận và chuẩn bị địa bàn, anh đi hái lá bưởi đến chườm tay cho cô. Những buổi tâm tình, động viên nhau đã nhanh chóng lên men thành tình keo sơn gắn bó. Ngoài thời gian cô đi làm, anh đi tập luyện và sinh hoạt đơn vị, hai người lại hẹn nhau đi chơi. Những tối dạo trên đồi, những đêm tâm tình bên bờ suối là những thời khắc hai trái tim thăng hoa…
Nhưng rồi đợt huấn luyện cũng kết thúc. Đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Thượng Lào. Trước mắt là con đường hành quân Tây Tiến. Cuộc chia tay bịn rịn, cô tặng anh chiếc túi nhung dựng bút máy có thêu tên hai người, để anh luôn nhớ đến người yêu. Anh cũng tặng cô kỷ vật để trái tim và hình bóng hai người luôn bên nhau.
Ông đọc lại vần thơ chia ly trên đường Tây Tiến:
“Đường cách mạng còn ngàn trùng vạn lý
Áo phai màu mưa nắng nhuộm máu xương
Ngày chia ly anh vác súng lên đường
Ôm chí cả xây mùa không biên giới.
Anh nhủ em rằng em cứ đợi
Chờ tình anh chinh chiến xa xôi
Dù hiểm nguy, dù trong lửa khói
Lòng dâng đầy kiêu hãnh nhớ về em…”.
Cô cháu gái nhanh nhảu:
- Ông ơi, mối tình đẹp thế, sao hai người không thành vợ chồng?
Giọng ông hơi buồn:
- Sau chiến dịch Thượng Lào, đơn vị ông lại tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Hòa bình lập lại, ông về Hà Nội đi tìm cô ấy. Lần mò mãi rồi cũng gặp. Lúc gặp được nhau thì người ta đã có chồng. Khóc ơi là khóc. Cô ấy nhận được tin là ông đã hy sinh trong chiến dịch Thượng Lào. Thư từ lại bị thất lạc, nên đinh ninh người yêu hy sinh rồi. Chồng cô ấy là một họa sĩ quân đội. Và rồi ông cũng phải xây dựng gia đình thôi. Từ đấy mỗi người một cảnh, cũng không gặp được nhau nữa.
Tôi đề xuất:
- Ông ơi, hay là hai chú cháu mình đi tìm gặp bà ấy đi. Bây giờ gặp lại cũng nghĩa tình lắm chứ!
Cả nhà liền nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Phe “bảo thủ” cho rằng không nên, vì không biết con cháu bà ấy thế nào, ông đã 85 tuổi rồi, có khi người ta lại nghĩ mình là ông già dở hơi. Phe “lãng mạn” cho rằng rất nên tìm gặp, tình yêu đẹp nên trân trọng và giữ gìn thành nghĩa tình quý giá. Không bên nào chịu bên nào, liền nhất trí dành cho ông được quyền tự quyết.
Ông cười hiền lành:
- Tôi cũng muốn gặp lại bà ấy, nhưng đã năm mươi mấy năm rồi, biết tìm đâu bây giờ?
Phe lãng mạn khoái chí, liền đề xuất rất nhiều phương án: Nào là đến dò hỏi ở cơ quan cũ của bà ấy, nào là đến dò hỏi cơ quan cũ của chồng bà ấy, nào là xem còn ai là người quen cũ để hỏi không… Còn phe bảo thủ tuy chịu lép vế, nhưng luôn nêu lên các trở ngại muốn ông nản lòng.
Thằng cháu con chú em cọc chèo từ chiều đến giờ vẫn ngồi chăm chú theo dõi cuộc tranh luận của người lớn, bỗng hăng hái tham gia: Ông họa sĩ quân đội là một nghệ sĩ nổi tiếng, nhất định vào Internet là tìm được địa chỉ! Chẳng là cháu mới tốt nghiệp khoa Tin học trường Đại học Quốc gia Hà Nội, lại thông thạo phần mềm máy tính, đối với nó, việc dễ như trở bàn tay. Mọi người lại hoan hỉ hy vọng, chờ kết quả tìm kiếm. Chỉ một lúc sau, cậu thanh niên reo lên vì đã tìm ra địa chỉ phòng tranh của họa sĩ quân đội, lại có cả số điện thoại ở nhà riêng nữa!
Câu chuyện chuyển sang đề tài ông nên gặp người yêu cũ như thế nào đây? Mỗi người góp một ý, làm bữa tối sôi nổi hẳn lên. Vẫn hai trường phái, phe “lãng mạn” thì muốn sau bữa cơm tối là đưa ông đến thăm bà ngay. Phe “bảo thủ” thì lại khuyên nên từ từ, phải tìm hiểu gia cảnh nhà người ta trước đã rồi mới tới thăm. Ông trở thành nhân vật chính mà ai cũng muốn “chọc ghẹo” bằng các pha tưởng tượng về một cuộc hội ngộ sau hơn một nửa thế kỷ. Nét mặt ông rất vui, lúc có vẻ ngượng ngập như một chàng trai trẻ mới yêu đứng trước đám đông.
Lúc quây quần bên ấm trà, sau khi mọi người bàn tán chán chê, ông quay sang tôi:
- Trong mấy cháu, anh là hợp với tôi nhất. Tôi tín nhiệm bầu anh là chỉ huy, đạo diễn trong chuyện này. “Đạo diễn” bảo gì, tôi là diễn viên sẽ tuân theo. Anh “thiết kế” thế nào, tôi sẽ “diễn” như vậy.
Được vinh dự lớn quá, tôi bị mọi người giao cho rất nhiều trọng trách: Nào là cuộc hội ngộ phải thật lãng mạn, nên thơ; nào là phải ý tứ giữ thể diện; nào là giữ được quan hệ tình cảm tốt đẹp giữa hai gia đình; nào là… Nghe đến phát hoảng.
Tôi kéo ông sang bàn điện thoại:
- Ông ơi, ta gọi điện cho bà ấy xem thế nào!
Lại rào rào góp ý.
Tôi ra hiệu:
- Yêu cầu trật tự, để đạo diễn làm việc!
Trong lúc tôi bấm số điện thoại, ông điều chỉnh máy trợ thính để nghe cho rõ, động tác có vẻ hồi hộp lắm. Chuông reo đầu dây bên kia. Tôi thông báo:
- Có tín hiệu tốt rồi!
Ông và mọi người cười rạng rỡ.
Tiếng một người đàn ông:
- Alô, ai đấy ạ?
- Dạ thưa, có phải số máy nhà bà Tuyến không ạ?
- Vâng, đúng rồi ạ.
- Có bà Tuyến ở nhà không, làm ơn cho nói chuyện một chút.
- Bác chờ một chút, cháu đi gọi mẹ cháu.
Hóa ra là con trai bà Tuyến, cũng đã lớn tuổi. Ông chăm chú nghe, nhưng chắc không rõ lắm. Tôi báo tin vui:
- May quá, bà Tuyến có nhà!
Nét mặt của ông đã bớt căng thẳng.
Giọng bà Tuyến nhỏ nhẹ:
- Alô, ai đấy ạ?
- Chào bà Tuyến, lâu nay bà có khỏe không?
- Cám ơn ông, tôi vẫn khỏe. Nhưng bác là ai mà nghe không rõ.
- Có bạn từ hồi kháng chiến chống Pháp đây. Bà còn nhớ hồi tản cư ở Thanh Hóa không?
- Ôi, quý hóa quá, nhưng mà là ai thế nhỉ?
- Sáng mai bà có nhà không? Chúng tôi muốn đến thăm bà và gia đình.
- Có ạ, mai mời các bác lại chơi. Nhưng mà là ai thế?
Tôi cố tình không nói tên ông, chỉ nói là bạn thời kháng chiến chống Pháp thôi. Sau khi hỏi han xác định lại địa chỉ chắc chắn, tôi cảm ơn bà và gác máy. Ông nhìn tôi với ánh mắt rất tán đồng, có vẻ cũng muốn để dành sự ngạc nhiên đến phút chót.
Trời còn sớm lắm, chắc mới khoảng 4 giờ sáng, tôi đã thấy ông trằn trọc. Rồi thấy đèn sáng, rồi thấy ông đi ra đi vào. Khoảng 5 giờ, ông dựng tôi dậy:
- Dậy uống trà đi anh!
- Chắc đêm qua ông ngủ ít lắm, lại nhớ người yêu rồi!
Dân Hà Nội, chỉ có người già dậy sớm, còn thì phần nhiều dậy gần lúc đi làm. Trà nước và ăn sáng xong, các cô cháu gái sửa sang quần áo chỉnh tề cho ông, lại có ý kiến đề nghị trang điểm nữa chứ! Lại dặn dò, trêu ghẹo đủ thứ. Thật là phức tạp. Nhưng ông chỉ cười.
Tôi và ông ra ngõ bắt taxi đi đến địa chỉ nhà bà Tuyến. Nhưng bấm chuông và gõ cửa mãi mà không thấy ai ra. Hai chú cháu đang loay hoay, ngó nghiêng thì có một chị, chắc là hàng xóm đi tới. Tôi nhanh nhảu hỏi:
- Chị làm ơn cho hỏi, đây có phải là nhà bà Tuyến không ạ?
- Vâng ạ, nhưng trước đây là phòng tranh, giờ là văn phòng làm việc. Bây giờ còn sớm, chưa có ai đến. Nhà bà Tuyến thì ở phía sau, phải đi vào ngách phố bên cạnh. Chắc hai ông là khách đến thăm bà Tuyến? Thảo nào từ sáng sớm thấy bà ấy cứ ra vào trông ngóng, nói rằng đón khách quý đến chơi!
Chị cẩn thận, dẫn chúng tôi vào tận nhà:
- Bà Tuyến ơi, ra đón khách này!
Bà Tuyến chạy ra cửa đón chúng tôi. Tóc đã điểm sương, nhưng dáng còn nhanh nhẹn. Ở tuổi tám mươi mà còn giữ được những nét thanh thoát, tươi tắn thế này thì thời con gái nhất định phải là xinh lắm. Chú tôi bị “sét đánh” là phải rồi, tôi nghĩ bụng.
Nhìn thấy ông, bà sững người, ấp úng điều gì không rõ. Ông vội vàng lên tiếng:
- Chào bà, Thái đây mà. Còn nhớ Thái bộ đội ở Chuối Mực, Thanh Hóa không?
- Năm mươi mấy năm rồi ông nhỉ? Mời hai ông vào nhà chơi.
Hai người tay bắt mặt mừng. Bà dắt chú tôi vào bàn nước, luýnh quýnh sắp xếp ấm chén, lại cả bánh kẹo ra mời khách. Bà kêu cô con gái mang nước lên pha trà. Bà phân bua:
- Hôm nay tôi bảo cháu phải ở nhà cùng tiếp khách với mẹ, bạn thời kháng chiến chín năm là quý lắm!
Bao nhiêu chuyện sau ngần ấy năm trời. Chuyện gia đình, con cháu, chuyện công tác thay đổi theo thời cuộc, chuyện bạn bè xưa. Thỉnh thoảng lại xen vào những kỷ niệm ở vùng rừng núi, một thời tản cư.
Thấy tôi chăm chú ngắm bức chân dung của họa sĩ trên bàn thờ, bà nói với cả hai người:
- Ông nhà tôi mất cũng được mấy năm rồi. Cũng là bộ đội cụ Hồ đấy thôi. Hồi ấy thư từ thì không có, mà ông Thái này thì lại có tin hy sinh ở bên Lào rồi.
Rồi bà vừa cười vừa đọc câu thơ:
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi”
Tôi ngỡ ngàng. Ở tuổi tám mươi, bà vẫn nhớ thơ Quang Dũng! Và mới khéo làm sao, vần thơ nói được lòng người. Ông cũng cười và đọc tiếp:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Tôi thầm bái phục các bậc tiền bối. Thế hệ chúng tôi cũng không thể lãng mạn đến hào hùng như vậy được.
Chuyện trò lôi cuốn mỗi lúc sôi nổi thêm. Rồi như đã định sẵn, bà gọi cô con gái vào và nói:
- Lâu lắm mới có dịp gặp lại. Tôi mời hai ông dùng cơm trưa với mẹ con tôi.
Ông nhìn tôi với ánh mắt “xin chủ trương”. Tôi nhớ lời dặn dò của mấy chị em buổi sáng trước lúc lên đường, vội thưa:
- Cảm ơn bà. Hôm nay hai cụ gặp lại thế này là mừng quá rồi. Gia đình đang có việc, ở nhà chú em chắc mọi người cũng đang chờ cơm. Xin phép bà, để hôm khác ông cháu lại đến thăm bà.
Ông vỗ vai tôi cười lớn với bà:
- Anh cháu rể này là trưởng đoàn đấy. Tôi phải phục tùng mệnh lệnh chỉ huy bà ạ.
Ông bà còn ghi địa chỉ, số điện thoại của nhau, hẹn sẽ viết thư và có dịp sẽ đến chơi.
Hai chú cháu ra về. Cả nhà ra đón và ai cũng khen ông tươi tỉnh hẳn ra, trẻ lại đến mấy chục tuổi.
Bẵng đi một thời gian. Đầu năm chúng tôi kéo nhau lên thăm ông ở Sơn Tây. Sau câu chuyện hàn huyên về gia đình, con cháu, ông quay sang tôi và nói to có ý khoe với mọi người:
- Xin thông báo tình hình nhé, sau khi gặp ở Hà Nội, tôi có viết thư cho bà Tuyến. Thế mà bà ấy viết thư cho tôi dày tới tám trang nhá! Bao nhiêu là chuyện, là tình cảm. Thế hệ U90 bây giờ cũng nhớ nhớ quên quên nhiều rồi. Tết vừa rồi bà Tuyến còn đưa cả nhà gồm dâu rể, con cháu, sáu, bảy người lên đây thăm tôi đấy. Tôi còn đọc cả thơ tự sự “Làm Ôsin”, “Mười ước” cho mọi người nghe. Vui đáo để.
Chà chà, tôi không thể tưởng tượng nổi, mối tình Tây Tiến lại có hậu đến thế!
Bỳ Văn Tứ
Hà Nội một chiều xuân
Triển lãm 70 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc về Điện Biên |
Hội CCB Tập đoàn tổ chức Tọa đàm: “Tiếp lửa truyền thống, cống hiến tương lai” |
Hướng về mảnh đất Điện Biên anh hùng |