Gặp đại gia tem dành mỗi tháng nửa triệu đồng để "nuôi" niềm đam mê
"Nuôi tem" bằng 500.000 đồng mỗi tháng
Cầm trên tay cuốn sổ được lắp ghép bằng những con tem với nhiều chủ đề, có những con tem đã ố vàng theo năm tháng, anh Lê Như Long (SN 1981), phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa lật giở từng trang một cách nhẹ nhàng.
Anh Long bật mí, mỗi con tem đều chứa đựng những nét đặc trưng như một thế giới thu nhỏ. Ở đó, có tình yêu thiên nhiên, văn hóa, con người Việt Nam, cũng như thế giới. Từ khi còn là học sinh cấp 2, mỗi lần gia đình có thư về, anh Long lại bóc tem bỏ vào album cất giữ. Cứ vậy, anh bị mê hoặc bởi màu sắc, câu chuyện sau mỗi con tem từ bao giờ không rõ.
Anh Lê Như Long, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa có niềm say mê sưu tầm tem. |
Chơi tem có nhiều cách. Có người chỉ tìm kiếm và sưu tầm tem chết (tem đã được đóng dấu đi - đến của bưu điện), có người lại thích sưu tầm tem sống (tem chưa đóng dấu bưu điện, còn lưu hành và chưa qua sử dụng).
Do công nghệ in ấn ngày càng tân tiến, những con tem cũng được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như giấy, tơ lụa, tre trúc; có quốc gia làm tem bằng nhựa, nhôm, thiếc, bạc,… Tem có nhiều kích cỡ, khuôn hình. Ở nước ta, tem phổ biến vẫn in bằng giấy với hình vuông và chữ nhật. Ở một số nước có thêm hình quạt, chiếc áo.
Bộ tem "Kỷ niệm 80 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/1970)". |
Theo anh Long, người có "máu" chơi, sưu tầm tem, luôn tìm kiếm những con tem độc đáo, không "đụng hàng". Để làm được điều này, người chơi phải bỏ ra thời gian, công sức và tiền bạc.
Công việc hiện tại của anh là phiên dịch viên cho công ty nước ngoài. Song hễ lúc nào rảnh rỗi, anh lại lên mạng mày mò, thậm chí thức trắng đêm để tìm kiếm, giao lưu những con tem quý từ bạn bè, cộng đồng trên khắp thế giới.
Thú chơi tem đã "ngấm vào máu", không ít lần bạn bè gọi anh là gàn dở, bởi người ta lo tậu xe, mua đất, mua nhà, còn anh hễ có thời gian, tiền bạc lại đổ vào những con tem. Anh đam mê tem đến mức, có thể nói về chúng cả ngày, nếu như gặp người cùng sở thích. Trong khi vợ anh Long thì thấy xót xa, ra sức khuyên ngăn chồng nhưng niềm đam mê ấy đã "ăn sâu" vào tâm trí, tiềm thức, rồi dần già chị cũng ủng hộ chồng.
Anh Long cẩn trọng ghi chép những thông tin về bộ tem "Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới". |
Con tem - ấn phẩm có chức năng thanh toán cước phí bưu điện, kết nối tình cảm giữa người với người qua những cánh thư. Nhưng với người có niềm đam mê sưu tầm tem như anh Long thì cái vật nhỏ bé ấy lại chứa đựng trong nó nhiều điều thú vị khiến bao người say mê tìm kiếm, cất giữ như một thứ "báu vật", vì thế, nhiều lần có người tìm đến tận nhà, trả giá cao anh cũng không bán.
"Thỉnh thoảng gặp những người cùng sở thích sưu tầm tem, tôi tặng lại họ những con tem quý, họ lại trao tôi những con tem tôi chưa có. Cứ như thế, album tem của tôi dày thêm theo năm tháng", anh Long chia sẻ.
Bộ tem "Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa" phát hành ngày 19/1/1988, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. |
Trước đây, anh Long dành khá nhiều tiền lương để nuôi tem, sau thời gian sưu tầm, đổ dồn kinh tế cho nó, anh nhận ra thú chơi này cũng cần khoa học. "Hiện giờ, mỗi tháng tôi đều đặn trích ra 500.000 đồng để nuôi dưỡng niềm đam mê sưu tầm, chơi tem của mình. Và dĩ nhiên, trong tương lai, tôi mong muốn sẽ mở cuộc triển lãm về tem để kết nối những người có cùng sở thích ngồi bên nhau nghe chuyện những con tem", anh Long tâm sự.
Những con tem "biết nói"
Năm 1840, con tem đầu tiên trên thế giới ra đời ở Vương quốc Anh. Do nhu cầu bưu chính, nhiều loại tem khác nhau đã ra đời khiến con tem trở nên phong phú. Trong đó chủ yếu là tem có răng, không răng, mẫu, dị dạng…
Tại Việt Nam, bộ tem chính thức đầu tiên mang quốc hiệu Việt Nam do Bưu điện Việt Nam phát hành vào ngày 2/9/1946, nhân kỷ niệm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) và ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945).
Bức ảnh "Hứng dừa" trong bộ tem về "Tranh dân gian Đông Hồ - Bắc Ninh". |
Theo anh Long, nội dung mỗi con tem được ví như thế giới thu nhỏ về hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của con người theo thời kỳ, giai đoạn lịch sử. Có thể kể đến những chủ đề, thể tài như: Vẻ đẹp của thiên nhiên ba miền Bắc - Trung - Nam; vẻ cổ kính, độc đáo, sắc sảo của di tích kiến trúc, điêu khắc cổ qua các triều đại; vẻ đẹp của các danh lam, thắng cảnh và những công trình kỳ vĩ do con người sáng tạo nên…
Là người con sinh ra ở vùng đất "địa linh nhân kiệt", anh có niềm say mê tìm tòi những bộ tem được phát hành, ghi dấu ấn của con người, thiên nhiên, văn hóa xứ Thanh. Hiện anh có đủ 12 bộ sưu tập tem về Thanh Hóa, gồm: "Đập Bái Thượng", "Cầu Hàm Rồng", "Bắn rơi 2.000 máy bay Mỹ", "Khởi nghĩa Bà Triệu (248-2008)", "Kỷ niệm 600 năm năm sinh Lê Lợi", "Kỷ niệm vua Lê Thánh Tông (1442-1497)", "Kỷ niệm 150 năm ngày sinh Trần Xuân Soạn", "Động vật Vườn quốc gia Bến En", "Bảo vật quốc gia Việt Nam - Kiếm ngắn núi Nưa", "Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới", "Kỷ niệm 700 năm ngày mất nhà sử học Lê Văn Hưu" và bộ tem "Thác nước Việt Nam".
Con tem có hình quạt được in bằng chất liệu tre của Đài Loan. |
Anh Long nhìn vào mỗi con tem mà nói, kể về những câu chuyện đặc biệt đằng sau nó. Đơn cử như bộ tem "Bắn rơi 2.000 máy bay Mỹ" phát hành ngày 5/6/1967. Hình ảnh trên tem là một cô gái đang dẫn độ viên phi công Mỹ. "Bộ tem ghi dấu chiến công của quân và dân ta bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.000 ở Thanh Hóa. Bộ tem đã được gửi đi nhiều nước trên thế giới, tạo nên tiếng vang trên trường quốc tế lúc bấy giờ", anh Long cho biết.
Bộ tem "Khởi nghĩa Bà Triệu (248-2008)" được phát hành ngày 20/10/2008 với ý nghĩa tôn vinh công lao to lớn, những chiến công hào hùng, hiển hách của Bà Triệu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đồng thời ca ngợi vẻ đẹp về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, kiên cường, bất khuất.
Theo anh Long, mỗi người mê tem đều có cách "chơi" riêng của mình, với anh Long, anh trân quý, giữ gìn những con tem theo từng chủ đề khác nhau. Là một người yêu nghệ thuật, chủ đề chính của anh là về thiên nhiên, phong cảnh tự nhiên, di sản văn hóa, văn học nghệ thuật của Việt Nam và thế giới…
Anh có tem về trang phục Việt Nam, Tây Ban Nha. Tem về chủ đề các loài hoa đặc biệt là hoa hồng của các nước như: Thái Lan, Ba Lan, Ấn Độ, Hungary… Anh cũng sưu tầm bộ tem về "Bác Hồ", "Cộng đồng các dân tộc Việt Nam", "Ẩm thực Việt Nam", "Tranh dân gian (Đông Hồ - Bắc Ninh)", "Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ", "Các loài động vật biển", vẻ đẹp 12 con giáp của Việt Nam và Trung Quốc…
Một góc của bộ tem kể về trang phục của Tây Ban Nha. |
Đặc biệt, anh Long đang sở hữu bộ tem thực gửi có dấu hủy của 63 bưu cục tỉnh, thành trong cả nước. Để có được bộ tem thực gửi trên, anh đã cất công đi đến nhiều địa phương và nhờ bạn bè giới thiệu. Ngoài ra, riêng tại Thanh Hóa, anh cũng sưu tầm đủ dấu thực gửi của 27 huyện, thị trong toàn tỉnh.
Trong bộ sưu tập của anh Long có những con tem được xuất bản cách đây 20, 30 năm, thậm chí là gần nửa thế kỷ như bộ tem về chủ đề Đảng, Bác Hồ, các con giáp, kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tranh dân gian…
Theo anh Long, nguyên tắc tem là không tái bản và ấn định số bản, vì vậy, lâu dần nếu không sưu tầm và cất giữ, con tem sẽ bị mất đi. Từ những nguyên nhân trên, bộ môn sưu tập tem đã ra đời và trở thành một bộ môn nghệ thuật cho đến ngày nay.
"Chính cái độc đáo, bí ẩn bên trong mà mắt thường không nhìn thấy được từ tem mà hơn 30 năm qua tôi luôn say mê, tìm tòi, lưu giữ", anh Long chia sẻ.
Theo Dân trí
Độc đáo tem 12 con giáp Việt Nam và thế giới |
Lão nông miền Tây sở hữu 2.000 con tem quý về Bác Hồ |