FECON (FCN): Kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2022 nhờ mảng đầu tư các dự án và lực đẩy từ đầu tư công
Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn, doanh thu hợp nhất toàn tập đoàn vẫn có sự tăng trưởng 10% so với năm 2020 với 3.484 tỷ đồng, hoàn thành 89% kế hoạch năm. Doanh thu công ty mẹ tăng trưởng 21% với 2.418 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm. Nguyên nhân chưa hoàn thành các chỉ tiêu tài chính so với kế hoạch phần lớn đến từ 2 lý do khách quan là đại dịch Covid-19 và bão giá nguyên vật liệu xây dựng. Thêm vào đó, có khá nhiều dự án lớn bị chậm triển khai như Dự án Nhiệt điện Nam Định, Nhiệt điện Vũng Áng 2, Dự án gang thép Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2…, đặc biệt là Dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội (Metro Line 3) hầu như không triển khai trong năm 2021. Công tác thu hồi công nợ bị ảnh hưởng cũng góp phần làm phát sinh chi phí tài chính và gây khó khăn cho dòng tiền của FECON. Những nguyên nhân này làm cho tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2021 từ hoạt động thi công chỉ đạt 13,5%, thấp hơn so với các năm trước.
Ngoài tác động kép đại dịch Covid-19 và bão giá nguyên vật liệu xây dựng lên mảng thi công như đã nêu trên, sự thiếu hụt lợi nhuận từ mảng đầu tư cũng đáng kể, các kế hoạch thoái vốn từ các dự án đầu tư chưa thể hoàn thành cũng là một trong những lý do chính làm cho tổng lợi nhuận sau thuế của tập đoàn chưa đạt kế hoạch năm.
Doanh thu thuần & Biên lợi nhuận gộp qua các năm, Nguồn: FECON |
Sang năm 2022, FECON đặt kế hoạch doanh thu dự kiến là 5.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 280 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 296% so với thực hiện năm 2021. Kế hoạch doanh thu đặt ra trên cở sở là giá trị các hợp đồng backlog chưa ghi nhận doanh thu là khoảng 2.500 tỷ đồng và mục tiêu ký được tổng cộng 7.500 tỷ đồng trong cả năm.
Cũng theo chia sẻ từ đại diện công ty, các dự án thi công có quy mô lớn mà FECON đang thực hiện bao gồm: Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát giai đoạn 2 tại Dung Quất; Dự án sân bay Long Thành; Dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4; Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2. Tại Hà Nội, công ty đang tham gia 2 công trình trọng điểm là hầm chui Lê Văn Lương và đường sắt đô thị số 3.
Trong năm nay, FCN cũng sẽ đẩy mạnh mảng đầu tư bất động sản với các dự án tại một số khu vực như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Tháp, Bắc Giang. Dự kiến các dự án được triển khai trong năm 2022 và có doanh thu từ quý IV.
Ngoài ra, trong cơ cấu lợi nhuận của FECON năm 2022, mảng đầu tư là trụ cột quan trọng với khoảng 109 tỷ đồng dự kiến sẽ được ghi nhận từ việc công ty thoái vốn dự án điện Vĩnh Hảo 6 hoặc dự án Quốc Vinh, và dự án bất động khác. Hiện tại, công ty cũng chưa có kế hoạch IPO công ty con FECON Invest.
FECON kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2022 nhờ mảng đầu tư các dự án và lực đẩy từ đầu tư công |
Trong năm 2022, ngành xây dựng được dự báo sẽ có nhiều tín hiệu tốt với kịch bản nền kinh tế hồi phục sau đại dịch, dư địa xây dựng hạ tầng tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và UBND TP Hà Nội và TP HCM, tổng mức đầu tư của các dự án hạ tầng trọng điểm tại Việt Nam giai đoạn 2021-2027 đạt gần 24 tỷ USD. Những loại dự án sẽ được Chính phủ ưu tiên phát triển là các dự án tàu điện ngầm, cao tốc, sân bay, cảng biển và các dự án công nghiệp nặng. Với lợi thế là một trong số ít nhà thầu nội địa có chuyên môn kỹ thuật sâu về nền móng các loại kết cấu đặc biệt, xử lý nền đất yếu và công trình ngầm, FCN sẽ phát huy lợi thế để tham gia mạnh mẽ vào các loại dự án này, tuy nhiên, công ty sẽ cân nhắc tham gia theo giai đoạn và trên tinh thần là đảm bảo lợi nhuận mới tham gia.
Theo đánh giá từ Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI), đến thời điểm hiện tại, FECON là một trong số những doanh nghiệp đã vượt khó thành công sau 2 năm vất vả với tác động kép. Trong kịch bản chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định trở lại, nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào dồi dào trở lại sẽ khiến cho mức giá có thể cân bằng, từ đó giảm áp lực chi phí đầu vào cho FCN. Bên cạnh đó, trong năm 2022, Chính phủ sẽ thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các dự án dự án cơ sở hạ tầng, trong đó, nguồn vốn đầu tư dành cho các dự án phát triển kết cấu hạ tầng lên tới hơn 113.000 tỷ đồng (chiếm gần 36% tổng số vốn được phê duyệt), điều này rất phù hợp với các thế mạnh và định hướng phát triển của FCN, qua đó, có thể mang lại nguồn công việc và nguồn thu lớn cho doanh nghiệp này trong các năm tới.
Minh Châu
-
Triển khai hiệu quả nhiều dự án trọng điểm: EVN được Thủ tướng biểu dương
-
EVN được Thủ tướng Chính phủ biểu dương tại Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư công năm 2024
-
Chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước
-
Fecon trúng hàng loạt gói thầu lớn: Động lực tăng trưởng trong năm 2024