EVN không lo thiếu điện
Những nỗ lực đáng ghi nhận
Ghi nhận của các cơ quan chức năng cho thấy, trong tháng 4/2013, trên địa bàn cả nước đã không có tình trạng mất điện hay sự cố điện nghiêm trọng nào xảy ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên của EVN, đặc biệt là trong bối cảnh thủy văn, hạn hán ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên diễn biến hết sức phức tạp, làm ảnh hưởng đến sản lượng điện sản xuất của EVN.
Được biết, để giải quyết nhu cầu điện, trong tháng 4, EVN đã vận hành hệ thống điện đạt hiệu quả kinh tế, khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và nhiệt điện khí, đặc biệt đã kết hợp vận hành hợp lý các nhà máy thủy điện để đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đồng thời đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cấp nước phục vụ sinh hoạt cho hạ du. Một loạt các công trình, dự án điện đã được EVN gấp rút triển khai như thả roto Tổ máy 2 Thủy điện Bản Chát; khởi công công trình Cảng than Trung tâm Điện lực Duyên Hải... Cùng với đó, để dòng điện được điều tiết hợp lý, EVN đã hoàn thành và đóng điện một loạt các công trình lưới điện quan trọng như: Nâng công suất MBA AT2 trạm 500kV Phú Lâm; các trạm 220kV Trà Vinh, Bạc Liêu; lắp đặt máy 2 trạm 220kV Vân Trì; đường dây 220kV Vĩnh Long - Trà Vinh, đường dây 220kV đấu nối NMĐ Nghi Sơn 1 (giai đoạn 2).
Công nhân điện lực bảo dưỡng TBA ngăn ngừa sự cố, đảm bảo an toàn lưới điện
Bước sang tháng 5, trước những dự báo lạc quan về đà phục hồi của nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh nói riêng, EVN dự kiến phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 380 triệu kWh/ngày, công suất lớn nhất dao động từ 19.300-19.500MW. Từ đó, EVN đặt mục tiêu vận hành hệ thống điện trong tháng 5/2013 là khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và turbine khí, các nguồn thủy điện khai thác theo kế hoạch điều tiết nước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương thống nhất để đảm bảo cho kế hoạch phát điện trong tháng 5 và 6; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc đảm bảo cấp nước chống hạn cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động tiết kiệm điện, đảm bảo cung ứng điện trong mùa khô 2013...
Để hoàn thành mục tiêu trên và cũng là để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế, EVN dự kiến sẽ cho phát điện Tổ máy 2 Thủy điện Bản Chát trong tháng 5/2013, sẵn sàng cho việc hòa đồng bộ vào ngày 19/5/2013; đốt than Tổ máy 1 Nhiệt điện Nghi Sơn 1 vào ngày 24/5/2013. Để nâng cao khả năng truyền tải điện, chống tình trạng thiếu điện ở miền Trung, Tây Nguyên và đặc biệt là các tỉnh phía Nam, EVN quyết tâm hoàn thành nâng dung lượng tụ bù dọc các đoạn đường dây 500kV còn lại từ Pleiku đi Phú Lâm; đảm bảo tiến độ đóng điện trong tháng 5/2013 đối với các công trình nâng công suất TBA 220kV Thanh Hóa; lắp đặt MBA 220kV Thường Tín; hoàn thiện đấu nối mạch 2 đường dây 220kV Đồng Hòa - Thái Bình; các hạng mục đấu nối tạm phục vụ thử nghiệm và chạy thử Tổ máy1 Nhiệt điện Vĩnh Tân 2...
Căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ điện dự kiến, EVN khẳng định hoàn toàn có thể đáp ứng, trừ trường hợp quá bất thường về nhu cầu điện, nhưng điều này cũng ít khả năng xảy ra. Tuy nhiên, đại diện của EVN cũng cho biết, trong cân đối sản xuất điện giữa các khu vực thì việc cung ứng điện cho khu vực miền Nam sẽ gặp một số khó khăn. Để đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia, EVN sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả, đặc biệt là tại khu vực miền Nam, bởi việc cung ứng điện ở đây vẫn còn có những điều kiện chưa thể nói là bảo đảm tuyệt đối.
Cần đánh giá công tâm
Như đã đề cập tới ở trên, để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện của nền kinh tế, tập thể cán bộ, công nhân viên của EVN đã phải nỗ lực rất nhiều. Chưa kể những khó khăn, gian khổ, “nếm mật nằm gai” của người thợ điện trên những công trình, dự án điện, chỉ riêng câu chuyện giá và vốn đầu tư đã làm đau đầu “nhà đèn”.
Theo thống kê của EVN, trong 4 tháng đầu năm 2013, do diễn biến bất lợi của thời tiết, sản lượng điện của EVN chỉ chiếm một phần trong tổng sản lượng điện tiêu thụ điện của cả nước, hai phần là phải đi mua từ các nguồn điện khác và tất nhiên giá thành luôn cao hơn so với giá của EVN trực tiếp sản xuất ra. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng tích tụ vốn, huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống điện của EVN, đặc biệt khi nhu cầu vốn của Tập đoàn luôn tăng. Con số 100 ngàn tỉ đồng đầu tư bình quân cho công tác này trong giai đoạn từ nay đến 2015 cũng vì thế là một thách thức không nhỏ đối với EVN!
Những khó khăn trên của EVN là thực tế nhiều người biết, song ít người sẻ chia. Thậm chí, thời gian qua, bỏ mặc mọi nỗ lực, đóng góp của EVN trong công tác thủy lợi, phục vụ tưới tiêu, bỏ mặc những thiệt thòi của EVN trong cách tính giá điện... lãnh đạo nhiều địa phương đã lên tiếng chỉ trích hoạt động tại nhiều dự án thủy điện của EVN.
Xin dẫn một ví dụ, đó là việc lãnh đạo 2 tỉnh Phú Yên và Gia Lai phản ứng gay gắt Thủy điện An Khê - Kanak và cho rằng, nước xả từ hồ thủy điện của nhà máy quá ít so với nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và duy trì “sự sống” cho dòng sông Ba.
Theo phân tích của giới chuyên gia, việc chuyển nước của 1.246km2 thuộc lưu vực sông Ba sang sông Côn sẽ làm cho lưu vực này mất đi chỉ khoảng 9% lượng nước “đến” hằng năm và con số này không làm ảnh hưởng lớn đến lưu lượng nước chuyển về hạ lưu. Thậm chí, trong nhiều báo cáo chuyên ngành, khu vực xây dựng nhà máy Thủy điện An Khê - Kanak có 2 mùa rõ rệt. Mùa khô kéo dài 6 tháng bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, tháng 2 và 3 là thời kỳ khô hạn nhất, lượng mưa chỉ chiếm 10% tổng lượng mưa cả năm, có tháng không có mưa. Việc phân chia này chính là nguyên nhân khiến sông Ba có 2 thời điểm “khát nước” là tháng 3, tháng 4 và tháng 7, tháng 8 (đối với vùng hạ lưu).
Trong khi đó, EVN cho biết, lưu lượng nước xả về hạ du của Thủy điện An Khê - Kanak luôn đạt 4m3/s, đáp ứng tiêu chuẩn dòng chảy tối thiểu và tuân thủ theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Quyết định số 108/QĐ-BTNMT ngày 29/1/2007.
Qua đó để thấy rằng, EVN thực sự đang bị oan và hiện tượng trên sông Ba là do ảnh hưởng của khí hậu chứ không phải do thủy điện. EVN hy vọng những nỗ lực của mình nhận được sự đánh giá công tâm của dư luận xã hội.
Sản lượng điện toàn hệ thống đạt 10,995 tỉ kWh (trong đó thủy điện chiếm 30,1%, nhiệt điện than chiếm 27,4%, nhiệt điện khí 37,4%). Sản lượng điện trung bình đạt 366,5 triệu kWh/ngày. Sản lượng cao nhất là 396,17 triệu kWh/ngày (ngày 25/4), công suất cao nhất là 18.859MW (ngày 25/4). Lũy kế 4 tháng năm 2013, sản lượng toàn hệ thống đạt 41,01 tỉ kWh, tăng 10,78% so với cùng kỳ năm 2012. |
Thanh Ngọc
-
Sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các vướng mắc hiện nay
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV