EVN hoàn thành 100% các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng
Năm 2022, EVN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025. Tập đoàn đã kết nối và tích hợp dịch vụ xác thực và chia sẻ thông tin công dân bằng số căn cước công dân thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với nhiệm vụ này, EVN đã hoàn thành sớm 5 tháng so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, thiết thực góp phần xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số.
Những con số nổi bật trong chuyển đổi số lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng giai đoạn 2021 - 2022 của EVN |
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cho biết, với việc các dịch vụ điện lực của ngành Điện được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn nhiều thông qua việc thay thế các loại hồ sơ, giấy tờ cá nhân trong Giấy đề nghị mua điện như giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu được thay thế bằng các thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đối với nhiệm vụ phát triển dịch vụ điện trực tuyến, đây là lĩnh vực EVN tạo được nhiều dấu ấn thành công trên hành trình chuyển đổi số. Số khách hàng tham gia giao dịch trực tuyến cấp độ 4 trong hai năm 2021- 2022 lên tới 24,5 triệu khách hàng, đạt tỷ lệ 99%.
EVN cũng đã có 3,1 triệu hồ sơ được xử lý trên môi trường mạng theo phương thức điện tử, đạt 99%; trên 5 triệu hợp đồng với khách hàng mới bằng phương thức cung cấp hợp đồng mua bán điện điện tử đạt tỷ lệ 99%.
EVN và các đơn vị thành viên đã không ngừng phát triển các tiện ích ứng dụng chăm sóc khách hàng. Năm 2022, EVN đã có trên 6 triệu khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh; số yêu cầu tiếp nhận qua các kênh CSKH điện tử (Zalo, Facebook,…) ước tăng 20% so với năm 2021.
Không chỉ số hóa các dịch vụ điện, EVN đã triển khai chuyển đổi số theo chiều sâu, đưa các công nghệ hiện đại vào ứng dụng trong công tác quản trị, thao tác nghiệp vụ. Tập đoàn đã xây dựng ứng dụng hiện trường (Digital Workforce) cho khối kinh doanh dịch vụ khách hàng và triển khai thí điểm tại Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh và Tổng công ty Điện lực miền Trung.
Một nhiệm vụ chuyển đổi số khác cũng đã được EVN triển khai thành công trong giai đoạn 2021- 2022, đó là hiện đại hóa công tác đo đếm điện năng. Số lượng công tơ điện tử đã lắp đặt trên toàn quốc đạt xấp xỉ 23,2 triệu/30,4 triệu công tơ, đạt tỷ lệ 76%. Trong đó, tập đoàn đã đẩy mạnh ứng dụng sử dụng QRcode/Barcode trong quản lý đo đếm, triển khai sâu rộng tại các tổng công ty điện lực.
Các nhiệm vụ chuyển đổi số khác, EVN cũng đã cơ bản hoàn thành, như triển khai phần mềm đo đếm tự động EVNHES, xây dựng yêu cầu kỹ thuật truyền thông trong công tơ đọc xa, lập kế hoạch lắp đặt công tơ điện tử đọc xa đến 2025…
Trên thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ khách hàng, hiện nay EVN tiếp tục triển khai các nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025, với trọng tâm chuyển đổi số: Lấy khách hàng là trung tâm, cung cấp các dịch vụ gia tăng, đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên không gian số, không ngừng nâng cao mức độ hài lòng cho khách hàng.
Hải Anh
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các vướng mắc hiện nay
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân