Ecuador: Cuộc bỏ phiếu "cả đời có một"
Ecuador thu hồi hai mỏ dầu ở rừng Amazon |
Ecuador: Người da đỏ nói “không” với dầu mỏ |
Các thành viên của cộng đồng Waorani ủng hộ lệnh cấm khoan tại một phần của Vườn quốc gia Yasuní |
Ecuador có nên tiếp tục khoan ở một trong những nơi đa dạng sinh học nhất của Amazon hay nên giữ dầu dưới lòng đất? Vào Chủ nhật (20/8), người dân của đất nước này sẽ quyết định trong một cuộc trưng cầu dân ý sau cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ của các nhà hoạt động trẻ tuổi.
Khi thế giới đối mặt với hai cuộc khủng hoảng sinh thái do biến đổi khí hậu và sự sụp đổ của hệ sinh thái, cuộc bỏ phiếu này sẽ xác định những gì công dân của một quốc gia sẵn sàng từ bỏ để bảo vệ hành tinh.
Phần rừng rậm được đưa ra trong cuộc bỏ phiếu là một phần của Công viên Quốc gia Yasuní, là một trong những nơi giàu sinh thái nhất trên trái đất và là nơi sinh sống của những dân tộc bản địa. Cuộc bỏ phiếu diễn ra khi hành tinh này ngột ngạt dưới sức nóng kỷ lục và các nhà khoa học cảnh báo rằng rừng nhiệt đới Amazon đang ở rất gần điểm bùng phát có thể biến nó thành đồng cỏ.
Nhưng dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Ecuador và chính phủ đang vận động để tiếp tục khoan dầu. Theo ước tính chính thức, quốc gia này sẽ mất 1,2 tỷ USD doanh thu mỗi năm nếu dầu tiếp tục bị chôn vùi dưới lòng đất.
Ông Pedro Bermeo, một trong những thành viên sáng lập của Yasunidos, nhóm đứng sau cuộc trưng cầu dân ý, cho biết: “Đó là lịch sử. Chúng tôi đang dân chủ hóa chính trị môi trường”.
Không rõ bất ổn chính trị hiện tại ở quốc gia này sẽ ảnh hưởng đến cuộc trưng cầu dân ý như thế nào, nhưng một cuộc khảo sát gần đây của Comunicaliza, một công ty thăm dò có trụ sở tại thủ đô Quito, cho rằng 35% cử tri muốn ngừng khoan, nhiều hơn 10% so với những người ủng hộ tiếp tục khoan dầu. Trong khi đó, nhiều người cho biết họ vẫn chưa quyết định.
Nỗ lực của cựu Tổng thống Rafael Correa
Cuộc bỏ phiếu là đỉnh cao của một đề xuất mang tính đột phá được đưa ra gần hai thập kỷ trước, khi Tổng thống đương thời của Ecuador, ông Rafael Correa, cố gắng thuyết phục các quốc gia giàu có trả tiền cho đất nước của ông để giữ nguyên mỏ dầu ở Yasuní. Ông đã yêu cầu 3,6 tỷ USD, tương đương một nửa giá trị ước tính của trữ lượng dầu.
Ông Correa đã dành 6 năm trong một chiến dịch để thúc đẩy đề xuất nhưng chưa bao giờ thuyết phục được các quốc gia giàu có trả tiền. Tuy nhiên, nhiều thanh niên Ecuador đã bị thuyết phục. Khi ông Correa thông báo rằng đề xuất đã thất bại và việc khoan sẽ bắt đầu, nhiều người bắt đầu phản đối.
Chính thời điểm đó, bà Antonella Calle, lúc đó 19 tuổi, cùng với những người trẻ tuổi và các nhà bảo vệ môi trường khác, đã quyết định tiếp tục chiến đấu như một phần của tổ chức mới có tên Yasunidos.
Yasunidos đã thu nạp khoảng 1.400 tình nguyện viên để đi bộ trên đường phố khắp đất nước. Trong 6 tháng, họ đã thu thập được hơn 757.000 chữ ký, nhiều hơn gần 200.000 chữ ký so với yêu cầu để kích hoạt một cuộc trưng cầu dân ý.
Các cuộc thăm dò vào khoảng thời gian đó cho thấy rằng hơn 90% người dân Ecuador sẽ bỏ phiếu để giữ dầu dưới lòng đất. Nhưng chính quyền Correa đã tạo ra một đội đặc nhiệm để xác minh chữ ký và hủy bỏ hơn một nửa trong số đó. Ngay cả chữ ký của bà Calle và ông Bermeo cũng bị coi là không hợp lệ.
“Đó là một đòn rất nặng”, bà Calle nói. “Họ gọi chúng tôi là những kẻ dối trá”.
Vì vậy, Yasunidos đã bắt đầu một cuộc đấu tranh pháp lý kéo dài hàng thập kỷ để có được cuộc trưng cầu dân ý trước cử tri. Cuối cùng, vào tháng 5, tòa án tối cao đã ra lệnh cho chính phủ đưa dự luật này vào cuộc bầu cử sắp tới.
Tác động của cuộc bỏ phiếu
Nếu Yasunidos giành chiến thắng, công ty dầu mỏ nhà nước Petroecuador sẽ có khoảng một năm rưỡi để chấm dứt hoạt động của mình trong khu vực, được gọi là mỏ dầu Ishpingo-Tambococha-Tiputini (ITT). Theo Andrés Martínez Moscoso, giáo sư luật tại Đại học San Francisco de Quito, cả Tổng thống, Quốc hội hay một cuộc trưng cầu dân ý mới đều không thể đảo ngược kết quả của ngày Chủ nhật.
Nhưng đến nay, Petroecuador đã đầu tư hơn 2 tỷ USD để khai thác dầu trong lô đất này. Công ty cho biết họ sẽ phải chi thêm 500 triệu USD nếu buộc phải tháo dỡ hàng dặm đường ống, đóng hàng trăm giếng dầu và tháo rời hàng chục giàn khoan.
Các giám đốc điều hành tại Petroecuador cho biết tác động của công ty đối với đa dạng sinh học bị giới hạn ở 80 ha, một phần nhỏ của khu vực ITT, và được theo dõi bởi các nhà khoa học.
Ông Armando Ruiz, người giám sát các chính sách môi trường của công ty, cho biết: “Xét về diện tích, tác động đến môi trường từ chúng tôi rất thấp. Để sự hy sinh của Ecuador tạo ra sự khác biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, “tất cả các chính phủ trên hành tinh này, sẽ cần phải có cùng một cam kết”, ông nói.
Đỗ Khánh
New York Times
-
Xuất khẩu của Nhật Bản giảm mạnh nhất kể từ năm 2021
-
Nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới dự kiến sa thải 17.000 nhân viên
-
Ấn Độ trên hành trình trở thành gã khổng lồ về “vàng trắng”
-
Nga dự kiến chi hơn 500 triệu USD xây dựng kho dự trữ kim loại quý
-
Trung Quốc “kiềm chế” mua vàng tháng thứ năm liên tiếp