Đường dây cao áp 500KV Bắc - Nam: Phải là công trình trọng điểm an ninh quốc gia?
PV: Xin ông cho biết điện trường là gì, điện trường của đường dây điện cao thế như từ 110-500kV ảnh hưởng gì đến người dân trong các vùng dân cư mà đường dây đi qua?
TS Nguyễn Hữu Kiên: Vật lý học hiện đại đã cho thấy xung quanh điện tích có một môi trường vật chất gọi là điện trường. Một tính chất cơ bản của điện trường là khi có một điện tích đặt trong điện trường thì điện tích đó chịu tác dụng của lực điện. Nhờ có điện trường mà hai điện tích tác dụng được vào nhau. Điện trường là dạng vật chất đặc biệt tồn tại xung quanh điện tích và tác dụng lực điện lên điện tích khác đặt trong nó.
Trong 50 năm qua, đã có hàng trăm công trình nghiên cứu tác động của điện trường cao áp (trên 25 kV/m trong nhiều năm) lên con người cho thấy, có các biến đổi về suy nhược thần kinh trung ương, thần kinh thực vật gây mệt mỏi cho các đối tượng. Ngoài ra theo phương pháp “trường hợp - đối chứng” một số công trình đưa ra nghi vấn điện trường cao áp liên quan ung thư huyết, ung thư hạch lympho và ung thư hệ thần kinh trung ương ở trẻ em.
Ngược lại, cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, điện trường có tác dụng tích cực đối với cây cối, con người như cây cối sống dưới đường dây điện cao áp thường xanh tươi hơn, sau cơn dông không khí thường dễ chịu hơn. Một số thiết bị y tế hiện đại đã sử dụng điện trường trong việc kích thích tế bào (tần số 50Hz gần với tần số sinh học) có 4 tác dụng chính như kích thích tăng chuyển hóa hoạt tính tế bào và nước của cơ thể, điều hòa hệ thần kinh thực vật, giảm đau tại chỗ. Một số bệnh lâm sàng được điều trị như tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, hen phế quản, hội chứng suy nhược thần kinh, mất ngủ, mệt mỏi sau khi lao động trí óc, lao động chân tay thậm chí cả bệnh vô sinh ở đàn ông.
Có thể nói, vẫn chưa có kết luận cuối cùng việc ảnh hưởng điện trường đường dây điện cao áp đến con người.
PV: Thưa ông, thời gian vừa qua đã có một số phản ảnh đề cập đến việc xâm phạm hành lang an toàn đường dây 500kV, đỉnh điểm gây ra vụ mất điện các tỉnh Nam Bộ vào 22/5 vừa qua. Theo ông, đây có phải là sự xâm phạm đầu tiên hay không?
Hệ thống truyền tải điện cao thế quốc gia bao gồm các cấp điện áp 500kV, 220kV và 110kV. Hệ thống truyền tải điện 500kV với tổng chiều dài 4.670km từ Bắc tới Nam. Việt Nam có duy nhất Phòng Thí nghiệm trọng điểm quốc gia điện cao áp có đủ điều kiện đo đạc, xác định điện trường đường dây điện cao thế. |
TS Nguyễn Hữu Kiên: Chính phủ đã ban hành các nghị định về việc bảo vệ hành lang an toàn đường dây điện cao áp. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã ban hành các quy định cụ thể về hành lang an toàn lưới điện và cảnh báo toàn bộ dân cư sống gần khu vực đường dây điện cao áp. Bất cứ người, tổ chức nào xâm phạm khu vực hành lang an toàn lưới điện, gây sự cố mất điện đều là những hành động trái pháp luận gây hậu quả nghiêm trọng. Trong năm 2012, cả nước xảy ra 5 vụ tai nạn trên toàn đường dây cao áp gây chết người kèm theo sự cố mất điện trong khu vực (2011 chỉ có 2 vụ). Với sự gia tăng các vụ vi phạm, an toàn lưới điện đang được cảnh báo bởi mức độ nguy hiểm và thiệt hại lớn đến EVN và nền kinh tế nước ta.
PV: Là người từng tiến hành đo đạc, kiểm tra một số khu vực, địa điểm đường dây 500kV Bắc - Nam và các đường điện điện cao áp khác, ông có thể cho biết quy định hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp như thế nào?
TS Nguyễn Hữu Kiên: Theo điều 4 của Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hành lang bảo vệ an toàn của đường dây dẫn điện trên không, chiều rộng, chiều dài.
Quy định an toàn hành lang bảo vệ lưới điện cao áp đã chỉ rõ điều kiện an toàn để nhà ở, công trình không phải di dời ra khỏi hành lang bảo vệ lưới điện cao áp đến 220kV khi: Mái lợp và tường bao phải làm bằng vật liệu không cháy; Mái lợp, khung nhà và tường bao bằng kim loại phải nối đất theo quy định về kỹ thuật nối đất; Không gây cản trở đường ra vào kiểm tra, bảo dưỡng, thay thế các bộ phận công trình lưới điện cao áp; Khoảng cách từ bất kỳ bộ phận nào của nhà ở, công trình đến dây dẫn gần nhất khi dây ở trạng thái tĩnh không được nhỏ hơn khoảng cách quy định là 6m; Cường độ điện trường nhỏ hơn hoặc bằng 5 kV/m tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất một mét và nhỏ hơn hoặc bằng 1 kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất một mét (Ngưỡng an toàn đối với cường độ điện trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam).
PV: Hiện nay dư luận đang quy chụp trách nhiệm cho EVN về khả năng gây ra nguy hiểm cho dân cư dưới các đường dây điện cao thế. Vậy theo ông nên hiểu như thế nào cho đúng?
TS Nguyễn Hữu Kiên: Trong khoản 2 điều 6 Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 đã nêu rất rõ. Và khi xây dựng các đường dây điện cao áp, EVN đặt tiêu chí hằng đầu là tránh các khu dân cư, bảo đảm quy chuẩn khoảng cách an toàn. Nhiều khu dân cư xuất hiện sau khi đường dây điện cao áp được xây dựng. Nạn xây dựng trái phép, không theo quy hoạch của địa phương, xâm phạm vào hành lang an toàn lưới điện cao áp, gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, những sự cố về điện cao áp, gây thiệt hại đến tài sản của EVN và gây mất điện của cả khu vực, đỉnh điểm là vụ sự cố tai nạn đường dây 500kV vừa qua khiến các tỉnh miền Nam mất điện trên diện rộng, thiệt hại ước tính lên đến 14 tỉ đồng và ảnh hưởng đến khoảng 8 triệu khách hàng.
PV: Là một công trình lớn, có vị trí quan trọng về an ninh, kinh tế và quốc phòng nhưng đường dây 500kV vẫn chưa được xếp vào công trình trọng điểm an ninh quốc gia. Theo ông đây có phải là một “thiếu sót” cần được bổ sung ngay hay không?
TS Nguyễn Hữu Kiên: Đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 4.670km với 3.437 cột tháp sắt, kéo dài từ Hòa Bình đến Phú Lâm. Đường dây đi qua 17 tỉnh, thành phố, 8 lần vượt sông lớn và 17 lần vượt quốc lộ. Trong đó, qua vùng đồng bằng khoảng 20%, trung du - cao nguyên 45%, núi cao, rừng rậm chiếm 35%. Sau khi đưa vào vận hành, đường dây 500kV đã trở thành xương sống của ngành điện lực Việt Nam với vai trò điều phối điện quốc gia. Nó trải dài suốt cả nước nên việc duy trì bảo dưỡng và đặc biệt là bảo đảm vận hành an toàn tin cậy cho đường dây là cực kỳ quan trọng. Đây không chỉ là trách nhiệm của riêng EVN mà cần sự chung tay giúp sức của các tỉnh, thành phố có đường dây này đi qua. Theo tôi, việc công nhận và đưa đường dây truyền tải điện siêu cao áp 500kV trở thành công trình trọng điểm an ninh quốc gia là điều cần thiết mới có thể đảm bảo an toàn an ninh năng lượng của đất nước.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thành Công
-
[Chùm ảnh] Cầu Nam Lý sắp hoàn thành, góp phần giải quyết kẹt xe khu Đông TP HCM
-
Hà Nội thông tin về tiến độ xây dựng 6 dự án trọng điểm
-
Thủ tướng thăm, tặng quà người lao động làm việc xuyên tết
-
Triển khai các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông: Không chia nhỏ gói thầu, không đầu tư dàn trải
-
Thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV