Đừng để xảy ra tình cảnh “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết”
Dẫn báo cáo của VEPR, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc số lượng doanh nghiệp đăng ký mới chỉ tăng 2% trong khi số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động và đăng ký giải thể tăng tới 48% so với cùng kỳ là một báo động đối với nền kinh tế Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại tọa đàm. |
Bà Phạm Chi Lan phân tích, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã tập trung lực lượng cải thiện môi trường kinh doanh với sự dẫn đầu của Thủ tướng Chính phủ (Nghị quyết 35 của Chính phủ) nhưng thực tế các bộ ngành thực hiện tới đâu, sự cố gắng của Chính phủ chưa thực sự mang lại hiệu ứng tích cực. Theo thống kê, năm 2017, Việt Nam chỉ có hơn 500 ngàn doanh nghiệp thực sự đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi vậy, mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp tại Việt Nam đến năm 2020 là khá xa vời.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết thêm, môi trường kinh doanh chưa thực sự được cải thiện như mong muốn của doanh nghiệp như Quy định 1 cửa. Trong thực tế, doanh nghiệp phải “bôi trơn” các cửa nhỏ trước nếu không đến 1 cửa vẫn tiếp tục bế tắc. Hiện trạng các bộ ngành nhũng nhiễu vẫn thường xuyên xảy ra.
Nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn, tốn rất nhiều công sức nhưng không đem lại hiệu quả thực tế. Chúng ta loay hoay tranh cãi để bỏ đi vài điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp nhưng nay dỡ cái này mai lại tăng cái khác. Hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh” là sự thực.
Mặt khác, doanh nghiệp đang thực sự lo lắng hai vấn đề lớn là liệu có nắm bắt được cơ hội trong cách mạng công nghệ 4.0 và vấn đề thương mại tự do hay không. Cụ thể, với diễn biến kinh tế biến động nhanh và liên tục như hiện nay, doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển thì phải tiếp cận với nguồn vốn, nhưng với doanh nghiệp tư nhân trong nước để làm được điều này rất khó và mất nhiều thời gian. Trong khi đó việc hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài lại thuận lợi hơn rất nhiều. Mặt khác, để đầu tư công nghệ, nâng cao kỹ năng lao động, doanh nghiệp Việt Nam làm chậm do vướng mắc nhiều thủ tục, đến khi đầu tư xong doanh nghiệp nước ngoài đã có công nghệ mới từ lâu rồi.
Về các hiệp định thương mại tự do, bà Phạm Chi Lan viện dẫn ngay về Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau này là CPTPP. Hiện nay, Hoa Kỳ sau khi rút khỏi TPP nay đã ký kết lại Hiệp định Thương mại với Canada và Mexico trong đó kèm theo điều khoản “độc dược” với nội dung “không chơi” với các nền kinh tế phi thị trường. Đây là điều khoản đe dọa đến nhiều hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đang tham gia.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước cũng cho rằng các hoạt động thương mại tự do phần lớn chỉ có doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nắm bắt được cơ hội (72%), còn doanh nghiệp trong nước thì cực ít doanh nghiệp được hưởng lợi.
Về cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Việc Hoa Kỳ lập ra hàng loạt hàng rào thuế quan và quy định cuộc chơi thương mại với các nước theo kiểu cài các điều khoản “độc dược” như trên sẽ khiến hàng hóa Trung Quốc tìm đường tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khác để đi đường vòng sang Hoa Kỳ. Trong các thị trường đó sẽ có Việt Nam, nên việc chúng ta có thể rơi vào điều tra về thuế lẩn tránh thương mại là điều rất dễ xảy ra. Mặt khác, hàng hóa Việt Nam phần lớn là nhập nguyên liệu từ Trung Quốc, gia công rồi xuất khẩu sang Hòa Kỳ. Đây cũng là điểm cần phải cực kỳ cẩn trọng nếu không sẽ bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt và cấm nhập khẩu hàng loạt sản phẩm của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc thế giới, đồng thời là hai đối tác lớn nhất về nhập khẩu và xuất khẩu, nếu không thận trọng Việt Nam sẽ rơi vào tình cảnh “trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết”.
Bùi Công
-
Xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ ra sao sau bầu cử Tổng thống Mỹ?
-
Giá vàng hôm nay (11/11): Thị trường thế giới giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Áp thuế GTGT phân bón 5% là hướng đi đúng đắn và cần thiết
-
Cần sự điều tiết của Nhà nước để chính sách thuế GTGT phân bón 5% đạt kỳ vọng
-
Giá vàng hôm nay (9/11): Tiếp tục giảm