Dư địa phát triển từng lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá rộng mở
Toàn cảnh hội thảo tham vấn về “Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam” |
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam Đào Xuân Lai cho biết: “Kinh tế biển là một mối tổng hòa của các ngành trên một môi trường biển có sự gắn kết chặt chẽ, sự phát triển của một ngành có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến các ngành khác. Vì đòi hỏi tiếp cận và phối hợp đa ngành nhằm tối ưu hóa phát triển kinh tế biển xanh Việt Nam. Đây là một báo cáo tổng hợp kinh tế biển đầu tiên ở Việt Nam, chúng tôi hy vọng rằng báo cáo là một đóng góp quan trọng, có cơ sở khoa học và thực tiễn, góp phần trong việc hoạch định chính sách, xác định ưu tiên, phục hồi xanh để thúc đẩy kinh tế bền vững biển ở VIệt Nam”.
Trưởng ban Biến đổi khí hậu và Môi trường UNDP Việt Nam Đào Xuân Lai nhấn mạnh, việc đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế biển không phải đánh đổi chất lượng môi trường là điều cơ bản để đảm bảo một nền kinh tế xanh mạnh mẽ ở Việt Nam.
Tại hội nghị, ông Bùi Tất Thắng - Viện Nghiên cứu phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng khẳng định, phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung rất quan trọng trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Tính đến nay, báo cáo là một trong những nghiên cứu đầu tiên về phát triển kinh tế biển xanh ở Việt Nam với cách tiếp cận mới. Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng báo cáo đã bước đầu giúp hình dung được quy mô và vai trò của từng ngành trong định hướng phát triển kinh tế biển xanh.
Thực tế cho thấy dư địa phát triển cho từng lĩnh vực kinh tế biển của Việt Nam còn khá rộng mở, chưa dẫn đến xung đột lớn giữa các ngành, phát triển chưa đến mức xung đột lợi ích lớn để giải quyết. Do đó, trong 10-15 năm tới, các kịch bản tăng trưởng kinh tế đều theo hướng nhanh hơn nhờ các yếu tố khoa học công nghệ, nâng cao năng suất kết hợp bảo tồn hệ sinh thái và duy trì đa dạng sinh học.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường cho rằng môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển là nền tảng, cơ sở tiền đề cho các hoạt động kinh tế. Việt Nam cần sớm hoàn thiện quy hoạch không gian biển và phân định rõ các khu chức năng, nhất là các khu bảo tồn biển; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; lượng hóa được các giá trị kinh tế biển (vốn tự nhiên biển) để làm căn cứ cho việc thực hiện kinh tế biển xanh.
Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng đề xuất đổi mới công tác quản lý tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển phù hợp với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; tăng cường khoa học và công nghệ trong điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển.
Các chuyên gia trình bày kết quả nghiên cứu chuyên đề cho các ngành kinh tế biển |
Tại hội thảo, nhóm chuyên gia đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu chuyên đề cho 6 ngành kinh tế biển (năng lượng tái tạo, dầu khí, thủy sản, giao thông biển, du lịch, môi trường) bao gồm đánh giá hiện trạng, thách thức, cơ hội, kịch bản phát triển xanh và mối liên quan tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Một số kịch bản trong tương lai đến năm 2030 đã được phát triển cho từng lĩnh vực này dựa trên các biện pháp can thiệp và cải cách dựa trên từng lĩnh vực. Các kịch bản bao gồm kịch bản kinh doanh như bình thường và kịch bản phát triển bền vững hay còn gọi là “xanh lam” phù hợp, chặt chẽ với khái niệm nền kinh tế xanh.
Mỗi kịch bản xanh được xây dựng trên nền các hệ sinh thái và nguồn tài nguyên biển đã chứng minh rằng giá trị hệ sinh thái và đôi khi là diện tích của các sinh cảnh chính (rừng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và đầm phá) có thể được tăng lên. Vì vậy, mở rộng kinh tế biển cần phải đi kèm với việc chú trọng duy trì hoặc nâng cao chất lượng môi trường.
Theo kế hoạch, “Báo cáo kinh tế biển xanh Việt Nam” sẽ được công bố tại Hội nghị quốc tế về “Kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” do Việt Nam và Na Uy đồng chủ trì, với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNDP, sẽ được tổ chức vào vào ngày 13 và 14/12 tại Hà Nội.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km (chưa bao gồm các đảo) chạy dọc từ Móng Cái ở phía Bắc tới Hà Tiên ở phía Tây Nam, với dân số 98 triệu người (năm 2019). Dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm: năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái |
Phú Văn
-
Tổng thống Putin: Nga không từ bỏ nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu
-
Tin Thị trường: Giá dầu giảm sốc phiên đầu tuần
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá dầu hôm nay (28/10): Bất ngờ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Liên minh Châu Âu và Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm giải pháp thuế quan xe điện