Dự cảm kinh tế Việt Nam 2024: Nhà đầu tư ngoại lạc quan
Thế giới vừa khép lại một năm 2023 đầy biến động. Đâu là những vấn đề có thể tác động đến kinh tế toàn cầu cũng như thị trường tài chính năm 2024?
Ông Michael Foong Seng Yew - Giám đốc quốc gia, Maybank Vietnam cùng ông Kim Thiên Quang - Tổng Giám đốc Maybank Investment Bank Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với PV xung quanh vấn đề này.
Kinh tế nhiều điểm sáng
- Theo ông Michael Foong Seng Yew, dư âm nào của năm 2023 sẽ còn tác động đến thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2024?
Ông Michael Foong Seng Yew: Chúng tôi cho rằng những xu hướng lớn từ những năm Covid-19 vẫn còn đó. Đó là sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu; sự hồi phục và tăng trưởng không đồng đều giữa các quốc gia; căng thẳng địa chính trị ở châu Âu, Trung Đông và châu Á; và cuối cùng là sự giảm tốc mang tính cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc. Những yếu tố này bên cạnh việc phần nào có lợi cho Việt Nam, đã giúp nền kinh tế hội nhập hơn với thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với những bất lợi, như phụ thuộc nhiều hơn vào chính sách tiền tệ của các nước lớn, như Mỹ hay dễ tổn thương hơn với các pha thắng gấp của kinh tế Trung Quốc.
Trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc của các đối tác thương mại lớn, như Mỹ, EU và Trung Quốc. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế sẽ lấy đà tốt hơn trong nửa cuối năm khi NHTW ở các quốc gia này bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới. Điều này sẽ hỗ trợ cho xuất nhập khẩu của Việt Nam.
- Vậy nhìn lại 2023, đâu là điểm sáng về giao dịch tài sản tài chính trên thị trường vốn Việt Nam năm qua, thưa ông Kim Thiên Quang?
Ông Kim Thiên Quang: Sau cú lao dốc nửa cuối năm 2022 khi bong bóng thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và bất động sản bị vỡ, thị trường vốn Việt Nam đã xuất hiện những “mầm non” đáng chú ý, nhờ rất nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ ngay trong nửa đầu năm 2023. Nhờ đó, chúng tôi nhận thấy những chuyển động tích cực từ hoạt động phát hành trái phiếu trong nửa cuối 2023 (thị trường TPDN huy động được khoảng 260 nghìn tỷ đồng, trong đó 2/3 được phát hành trong nửa cuối 2023 với giá trị trung bình mỗi tháng khoảng 30-40 nghìn tỷ đồng, bằng 1/2 giai đoạn đỉnh điểm 2020-2021).
Giá trị giao dịch trên TTCK đạt khoảng 18-20 nghìn tỷ đồng/phiên vào các tháng cuối năm 2023, gấp đôi so với các tháng đầu năm 2023. Đến cuối năm 2023, VN-Index tăng trưởng khoảng 9% so với cuối 2022, so với Thái Lan giảm 16%, Malaysia giảm 2%, Indonesia tăng 6%. Điều này đến từ mức nền thấp 2022 và sự hồi phục dần của nền kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 (tăng trưởng khoảng 5-5,5%).
Tốc độ hồi phục của doanh nghiệp là then chốt
- Ở phía ngược lại, thị trường tài chính cần vượt qua những rào cản nào trong năm 2024, thưa ông Kim Thiên Quang?
Ông Kim Thiên Quang: Trước tiên và quan trọng nhất là tốc độ hồi phục của các doanh nghiệp. Mặc dù rất nhiều chính sách hỗ trợ đã được đưa ra, nhưng khả năng hấp thụ chính sách của doanh nghiệp vẫn khá “phập phù”. Bên cạnh lý do là đợt khủng hoảng TPDN và bất động sản rất lớn, việc hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu cũng khiến Việt Nam bị giới hạn trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ.
Trong năm 2024, áp lực trên thị trường TPDN vẫn còn rất lớn. Chúng tôi ước tính có khoảng 167 nghìn tỷ đồng TPDN bất động sản sẽ đáo hạn, chưa kể khoảng 68 nghìn tỷ đồng TPDN chậm thanh toán về kỹ thuật trong thời gian qua vẫn phải được hoàn trả. Con số này sẽ tiếp tục gây áp lực lên thanh khoản của các công ty bất động sản, qua đó ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án và niềm tin nhà đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi nhận thấy các công ty cũng đang quyết liệt bán tài sản ở cấp độ dự án hoặc cao hơn là cấp độ doanh nghiệp. Chúng tôi thống kê các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HSX đã có kế hoạch phát hành khoảng 27 nghìn tỷ đồng vốn chủ, tương đương 16% vốn chủ sở hữu hiện có và 25% nợ ròng. Điều này có thể giúp các công ty giải quyết triệt để hơn vấn đề thanh khoản hiện hữu và giảm đòn bẩy, phát triển bền vững hơn trong dài hạn. Đây sẽ là một cú hích đáng chú ý cho thị trường bất động sản, qua đó gián tiếp tác động tích cực lên TTCK năm 2024. Tuy nhiên, việc thành công hay không vẫn còn cần phải chờ.
- Các nhà đầu tư nước ngoài mà MSVN tiếp xúc, họ đánh giá như thế nào về triển vọng thị trường vốn Việt Nam, thưa ông Kim Thiên Quang?
Ông Kim Thiên Quang: Năm 2023, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động để góp phần giới thiệu, quảng bá TTCK Việt Nam đến các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), và luôn nhận được sự quan tâm và tham dự đông đảo của các định chế tài chính lớn. Điều này cho thấy các NĐTNN vẫn đang rất lạc quan và kỳ vọng về sự tăng trưởng và phát triển của TTCK Việt Nam.
Bên cạnh tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp (dự kiến 20 - 22% năm 2024), khả năng nâng hạng của TTCK, đặc biệt là nâng hạng của FTSE là một trong những chất xúc tác chính và nhận được nhiều quan tâm của các NĐTNN.
Với nỗ lực của cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua, chúng tôi kỳ vọng việc gỡ bỏ quy định pre-funding (ký quỹ 100% giao dịch trước đặt lệnh) cho tổ chức nước ngoài sẽ sớm được thông qua trong năm 2024, cùng với việc cung cấp và thông tin rõ hơn về room nước ngoài theo từng công ty và ngành nghề sẽ là những yếu tố tích cực giúp TTCK Việt Nam sớm được nâng hạng.
- Ông Michael Foong Seng Yew có thể chia sẻ thêm về câu chuyện dẫn dắt dòng vốn nước ngoài đến với thị trường Việt Nam?
Ông Michael Foong Seng Yew: Mặc dù chậm hơn kỳ vọng trước bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang gặp nhiều khó khăn, song nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên con đường hồi phục và thể hiện tốt hơn hầu hết các quốc gia khác nhờ nới lỏng dần chính sách tiền tệ như giảm lãi suất, cắt giảm thuế và mở rộng đầu tư công. Chúng tôi dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn ở mức 5.8% trong năm 2024 và 6.2% trong năm 2025, tăng lên từ mức 4.8% trong năm 2023. Đây cũng là lý do Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến háp dẫn của các nhà đầu tư ngoại.
Cùng với sự hợp lực của Tập đoàn Maybank, chúng tôi tự hào về năng lực, khả năng và mạng lưới của mình để hỗ trợ khách hàng trong việc mở rộng quy mô và mạng lưới kinh doanh của họ. Vơi tư duy toàn cầu và hiểu biết sâu sắc về thị trường ASEAN đã và đang thúc đẩy chúng tôi tích cực tìm kiếm cơ hội để hỗ trợ khách hàng của mình ở khắp mọi nơi, đồng thời duy trì sự hiểu biết sâu sắc và thấu hiểu với từng nhu cầu riêng của khách hàng.
Nằm trong chiến lược M25+ của Tập đoàn Maybank, Việt Nam là một thị trường trọng tâm mà Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong những năm tiếp theo. Chúng tôi sẽ tận dụng sức mạnh về tài chính, nguồn lực và mạng lưới của Tập đoàn để đồng hành và kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, hướng đến phát triển E.S.G. Đặc biệt chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống, nhân lực và đổi mới trong dịch vụ để Maybank tiếp tục là một đối tác lý tưởng cho các khách hàng cá nhân và tổ chức tại thị trường Việt Nam.
Hiện tại, chúng tôi đang tập hợp sức mạnh của hai thương hiệu Maybank tại Việt Nam đó là ngân hàng Maybank và công ty Chứng khoán Maybank (Maybank Investment Bank), cùng với đó là đối tác chiến lược của chúng tôi tại Ngân hàng An Bình. Mục tiêu của chúng tôi là khai thác sự hiện diện của Tập đoàn Maybank tại Việt Nam và sau đó là hướng tới hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhằm củng cố vị thế tiên phong trên thị trường trong mảng dịch vụ khách hàng định chế, với mục tiêu tiếp tục chung sức cùng chính phủ trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam, nâng tầm quy mô dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, góp phần phát triển nền tài chính của đất nước, hôm 29/9 vừa qua, Maybank Investment Bank Việt Nam đã vinh dự tổ chức chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam cho 12 định chế tài chính đến từ 7 quốc gia (Anh, Mỹ, Thụy Điển, Malaysia, Thái Lan, Singapore) với tổng danh mục quản lý lên đến 1.000 tỷ USD. Vào đầu tháng 6 vừa qua, Maybank Investment Bank cũng đã mời 8 doanh nghiệp lớn Việt Nam sang Hội nghị đầu tư châu Á (Invest ASEAN 2023) do Tập đoàn Maybank tổ chức. Những sáng kiến này là một phần trong rất nhiều nỗ lực tích cực của chúng tôi trong việc quảng bá hình ảnh, cơ hội đầu tư tại Việt Nam cho các quỹ nước ngoài. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp trong nước trong các hoạt động hướng tới sự phát triển của thị trường chứng khoán và làm sôi động hơn nữa thị trường vốn Việt Nam.
Tận dụng lợi thế từ bề dày kinh nghiệm đặc biệt của tập đoàn trong lĩnh vực tư vấn và ngân hàng đầu tư, chúng tôi cũng đang ưu tiên đầu tư phát triển nguồn lực cho mảng tư vấn và ngân hàng đầu tư tại Việt Nam, hỗ trợ sự gia tăng mạnh mẽ của các hoạt động huy động vốn trên thị trường. Vào tháng 7 vừa qua chúng tôi tự hào là cố vấn tài chính duy nhất cho thương vụ mua lại bệnh viện FV của Thomson Medical tại Việt Nam. Đây là thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, và đồng thời cũng là thương vụ mua lại lớn nhất trong lĩnh vực này tại khu vực Đông Nam Á kể từ năm 2020, đánh dấu sự thâm nhập vào Việt Nam của TMG - một trong những công ty chăm sóc sức khỏe được niêm yết hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á với các hoạt động tại Singapore và Malaysia. Chúng tôi nhận thấy cơ hội trong lĩnh vực M&A lớn hơn và thị trường nợ (Debts Market) sẽ sôi động hơn trong thời gian tới khi mà khi các doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác, nguồn vốn rẻ, đồng thời cũng mở ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn trong và ngoài nước.
- Trân trọng cảm ơn các ông!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
4 yếu tố chính hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 |
Tạo niềm tin đầu tư sẽ “kích hoạt” thị trường khởi sắc |
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024
-
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2024
-
Hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2024
-
Ngoại lực của kinh tế Việt Nam