Doanh nghiệp Việt vượt khó
Hoa Sen duy trì sự tăng trưởng
Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh tôn, thép tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Lê Phước Vũ, tập đoàn đã vượt qua nhiều thách thức, định hình chiến lược kinh doanh rõ ràng và liên tục đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ. Báo cáo tài chính quý 2 niên độ 2023-2024 cho thấy những kết quả ấn tượng, khẳng định vị thế dẫn đầu của Hoa Sen trong ngành công nghiệp thép.
Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HSG |
Theo báo cáo tài chính quý 2 niên độ tài chính 2023 – 2024 (từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/3/2024), CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) với doanh thu thuần đạt 9.248 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ. Với việc giá vốn bán hàng ở mức cao, lợi nhuận gộp trong kỳ của HSG đạt gần 1.117 tỷ đồng, tăng 24%.
Doanh thu tài chính tăng 90% lên mức 139 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính giảm 43% về 43 tỷ đồng (trong đó lãi vay là 29 tỷ đồng, giảm 49%). Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 44% lên 913 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2023 – 2024, Hoa Sen ghi nhận doanh thu đạt 18.321 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế ghi nhận 422 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 424 tỷ đồng.
Trong niên độ tài chính 2023-2024 (từ 1/10/2023 đến 30/9/2024), Tập đoàn Hoa Sen đặt kế hoạch kinh doanh với hai kịch bản. Kịch bản 1 là doanh thu 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, tăng gấp hơn 12 lần. Kịch bản 2 là doanh thu 36.000 tỷ đồng, tăng 14%; lợi nhuận sau thuế 500 tỷ đồng, tăng gấp 16 lần so với thực hiện trong niên độ 2022-2023.
Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm niên độ tài chính 2023 – 2024, Hoa Sen đã vượt kế hoạch lợi nhuận trong kịch bản 1 và hoàn thành 84% lợi nhuận kịch bản 2.
Trong 6 tháng đầu năm niên độ 2023 - 2024, Hoa Sen ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm hơn 3.412 tỷ đồng, so với cùng kỳ dương 785 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng âm gần 44 tỷ đồng, còn dòng tiền tài chính ghi nhận dương 3.228 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ.
Từ năm 2016 tới nay, chưa năm nào Hoa Sen ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 3.412 tỷ đồng như trong 6 tháng đầu năm niên độ 2023 - 2024. Nguyên nhân là do công ty tăng tích trữ hàng tồn kho.
Tại thời điểm 31/3/2024, tổng tài sản của Hoa Sen tăng 27% so với đầu năm, lên 21.976 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục lớn nhất, chiếm 54% tổng tài sản là 11.919 tỷ đồng - tăng mạnh 56% so với đầu niên độ (tương ứng tăng thêm 4.290 tỷ đồng).
Việc tăng tích trữ tồn kho cũng khiến Hoa Sen phải tăng trích lập dự phòng giảm giá tồn kho thêm 107 tỷ đồng, lên mức 225 tỷ đồng.
Trong khi đó, ở bảng cân đối kế toán, tổng nợ vay của công ty ở mức 6.164 tỷ đồng, tăng 110% so với đầu năm. Toàn bộ là vay ngắn hạn tại các ngân hàng.
Trước đó, ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HSG cho biết trước mắt HSG đang tận dụng lúc giá HRC thấp để tăng hàng tồn kho.
Chủ tịch HSG tỏ ra thận trọng về triển vọng năm 2024 vì các xu thế đang bất ổn, không đi theo một quy luật nào. "Chúng ta không nên chủ quan, nên ở thế phòng thủ nhiều hơn", ông Vũ chia sẻ
Mặc dù đối diện với những biến động thị trường và các vụ kiện chống bán phá giá, Hoa Sen vẫn duy trì sự tăng trưởng nhờ chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu và quản trị rủi ro hiệu quả. Hai kịch bản kinh doanh cho niên độ 2023-2024 cho thấy sự thận trọng nhưng đầy quyết tâm của tập đoàn trong việc nắm bắt cơ hội và tối ưu hóa lợi nhuận.
Với vai trò quan trọng của Chủ tịch Lê Phước Vũ trong việc định hướng chiến lược, Tập đoàn Hoa Sen tiếp tục là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thép, duy trì vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Sự phát triển bền vững và ổn định của Hoa Sen là minh chứng cho chiến lược kinh doanh đúng đắn và khả năng lãnh đạo của ông Vũ, tạo nền tảng vững chắc cho tập đoàn trong tương lai.
Cadivi kỳ vọng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024
Công ty Cổ phần Dây Cáp điện Việt Nam (Cadivi, mã chứng khoán: CAV) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024. Thông tin từ Đại hội cho biết, trong năm 2023, Cadivi gặp nhiều thách thức do suy thoái kinh tế toàn cầu, biến động giá nguyên vật liệu, và sự chậm trễ trong các dự án xây dựng.
Ông Lê Bá Thọ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (CADIVI) |
Mặc dù doanh thu chưa đạt được mục tiêu đề ra, công ty vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Lợi nhuận trước thuế tăng trưởng vượt 18% so với kế hoạch, đạt mức 527 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 là 100% (10.000 đồng/cổ phiếu). Cadivi đã chi tạm ứng hai đợt với tổng tỷ lệ 60% và dự kiến thanh toán phần còn lại 40% (230 tỷ đồng) trong năm 2024.
Trong năm 2024, Cadivi đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 11.068 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 13% xuống còn 460 tỷ đồng do chi phí đầu vào tăng cao và cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến ở mức 50%.
Số liệu kinh doanh quý I/2024 cho thấy, Cadivi đã đạt được những kết quả khả quan như doanh thu thuần đạt khoảng 2.463 tỷ đồng, cao hơn 16% so với kế hoạch quý I. Lợi nhuận trước thuế đạt 99 tỷ đồng, vượt 178% kế hoạch và tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Đại hội, một vấn đề quan trọng khác được thảo luận là việc hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết cổ phiếu CAV trên sàn HOSE. Hiện tại, Gelex Electric nắm giữ khoảng 96% vốn Cadivi, do đó công ty cho biết chưa có kế hoạch niêm yết trở lại trong tương lai gần.
Trước thềm đại hội, ba thành viên HĐQT gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn, ông Đỗ Duy Hưng và ông Lê Quang Định (kiêm Tổng Giám đốc) đã đệ đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân.
Đại hội bầu ông Lê Bá Thọ đã được tín nhiệm bầu là Chủ tịch HĐQT Cadivi cho thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2022-2027.
Về lâu dài, Cadivi đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu qua từng năm. Bên cạnh chất lượng sản phẩm, công ty cũng hướng đến phát triển các loại dây cáp điện với tính năng đặc biệt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Mặc dù môi trường kinh doanh hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm quản lý hiệu quả chi phí và chiến lược linh hoạt, Cadivi kỳ vọng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2024 và tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành dây cáp điện tại Việt Nam.
Gỗ Trường Thành lãi đột biến
Theo báo cáo tài chính quý I, Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã: TTF) ghi nhận doanh thu giảm nhẹ so với cùng kỳ còn 323 tỷ đồng. Tuy nhiên, biên lợi nhuận giảm sâu về mức 13,1%, tương ứng lợi nhuận gộp giảm mạnh 41% xuống 42 tỷ đồng.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành. |
Doanh thu tài chính trong kỳ giảm 31% còn gần 7 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 11% lên hơn 37 tỷ đồng. Yếu tố tích cực là chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 14% còn hơn 25 tỷ đồng, đặc biệt là chi phí tài chính đổi chiều được hoàn nhập số tiền lớn.
Kết quả, công ty báo lãi sau thuế 11,6 tỷ đồng, cao gấp 6,3 lần cùng kỳ năm ngoái và nối dài chuỗi có lãi 2 quý liên tiếp. Lãi ròng thu về 4 tỷ đồng, tăng 62% so với quý I/2023.
Ban lãnh đạo lý giải kết quả đột biến trên là nhờ được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - chi nhánh Buôn Ma Thuột thông báo xóa nợ đối với các khoản lãi phát sinh liên quan đến lãi chậm nộp chưa thanh toán, do đó được hoàn nhập chi phí tài chính.
Trong năm 2024, Gỗ Trường Thành đề ra mục tiêu doanh thu tăng trưởng 28% lên 2.012 tỷ và chuyển trạng thái từ lỗ sang có lãi ròng 57 tỷ đồng. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện 16% chỉ tiêu doanh thu và khoảng 7% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến hết quý I, công ty gỗ có quy mô tổng tài sản hơn 2.700 tỷ đồng, giảm gần 5% so với đầu năm. Phần lớn tài sản nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (786 tỷ), hàng tồn kho (478 tỷ) và lượng tiền, tiền gửi ngân hàng (147 tỷ).
Về nguồn vốn, công ty còn ghi nhận số dư vay nợ tài chính tổng cộng 390 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Dù có lãi nhưng công ty vẫn còn ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 3.226 tỷ đồng do kết quả kém tích cực trong giai đoạn khủng hoảng trước đây.
Trong kỳ họp ĐHĐCĐ mới đây, Gỗ Trường Thành đã thống nhất sẽ triển khai việc tiếp tục đổi tên công ty từ Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành sang tên mới là Công ty cổ phần TTF.
Về kế hoạch huy động vốn, Gỗ Trường Thành trình cổ đông huỷ kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã thông qua trong năm 2022. Kế hoạch khi đó là chào bán riêng lẻ 41,12 triệu cổ phiếu nhằm huy động 411 tỷ đồng.
Lý giải về huỷ phương án chào bán cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết sau quá trình làm việc với các cơ quan quản lý, trên cơ sở đánh giá lại tình hình thị trường không thuận lợi, ảnh hưởng đến việc chào bán và lợi ích cổ đông, cũng như đánh giá lại kế hoạch sử dụng nguồn vốn, kế hoạch kinh doanh.
Dabaco có lãi 4 quý liên tiếp
Theo báo cáo tài chính quý I, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Mã: DBC) ghi nhận doanh thu tăng 41% lên mức 3.253 tỷ đồng. Tốc độ tăng giá vốn chậm hơn giúp công ty có lợi nhuận gộp 349 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp theo đó chuyển từ số âm sang dương 10,7%.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So tại ĐHĐCĐ năm 2024 |
Công ty hụt nguồn thu tài chính nhưng chi phí tài chính cũng giảm nhanh (chủ yếu nhờ giảm chi phí lãi vay). Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng lần lượt 13% và 17% theo sự mở rộng về quy mô doanh thu.
Kết quả, Dabaco đã có lãi sau thuế gần 73 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ kỷ lục cùng kỳ năm ngoái và nối tiếp chuỗi có lãi 4 quý liên tiếp.
Trong năm 2024, công ty chăn nuôi đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 14% lên 25.380 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế dự kiến 729,8 tỷ đồng, gấp 29 lần kết quả đạt được năm 2023.
Với kết quả quý đầu năm, công ty đã thực hiện được 10% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Như So cho rằng giá heo hơi trong nước thời gian tới sẽ còn tăng lên khoảng 65.000 - 70.000 đồng/kg ngay cả khi nhu cầu giảm vì tác động của kinh tế khó khăn.
Vị này khẳng định với tình hình diễn biến giá cả và năng suất như hiện nay, công ty “dứt khoát hoàn thành kế hoạch”. Từ quý II, kết quả kinh doanh sẽ tốt hơn nhờ được hưởng giá vốn nuôi heo tốt, quanh mức 48.000 - 49.000 đồng/kg trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi giảm và giá bán tăng lên.
Hải Minh
-
Chuyên gia thuế chỉ cách đo lường tác động áp 5% thuế GTGT đối với phân bón
-
Người nông dân có đủ cơ sở để hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT phân bón 5%
-
Bị hoãn giao máy bay, Emirates “đàm phán nghiêm túc” với Boeing
-
Mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại là bao nhiêu?
-
Thời tiết khắc nghiệt khắp thế giới “đe dọa” giá thực phẩm