Doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ "bốc hơi" 1.100 tỷ USD
Theo Bloomberg, dấu hiệu này vẫn chưa dừng lại khi các nhà quản lý hai bên vẫn đang tiếp tục gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ "bốc hơi" 1.100 tỷ USD vốn hóa chỉ trong hơn 9 tháng (Ảnh: Shutterstock). |
Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China - theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ - đã giảm 9,1% trong phiên hôm qua, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, sau khi hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc Didi công bố kế hoạch hủy niêm yết tại sàn chứng khoán New York. Cú sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm trên diện rộng, trong đó cổ phiếu công nghệ bị bán tháo nhiều nhất.
Theo Bloomberg, thông báo hủy niêm yết của Didi đánh dấu sự đảo ngược vận may đối với công ty này sau khi huy động thành công 4,4 tỷ USD trong lần IPO hồi tháng 6. Điều đó cũng cho thấy triển vọng không chắc chắn của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Cổ phiếu của Didi đã lao dốc 23% trong phiên cuối tuần hôm qua, khiến gã khổng lồ gọi xe này mất 50% giá trị so với mức giá 14 USD khi IPO.
Việc bán tháo trong ngày hôm qua tiếp diễn chuỗi thời gian tồi tệ nhất trong lịch sử đối với các cổ phiếu Trung Quốc giao dịch tại Mỹ. Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China đã giảm 43% trong năm nay, đánh dấu năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008. Một loạt các cuộc đàn áp về chính sách đến từ cả Bắc Kinh lẫn Washington đã khiến chỉ số này trải qua 8 lần giảm với mức giảm ít nhất 5%. Trong khi, chỉ số S&P 500 chỉ trải qua 5 lần như vậy trong thập kỷ qua.
Sự sụt giảm nghiêm trọng của các cổ phiếu Trung Quốc niêm yết tại Mỹ trong năm nay đã đốt cháy tài khoản của các nhà đầu tư. Trong hơn 9 tháng qua kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 2, 95 thành viên của Nasdaq Golden Dragon China đã giảm tổng cộng hơn 1.100 tỷ USD giá trị vốn hóa. Trong đó, dẫn đầu là sự sụt giảm của Alibaba với vốn hóa thị trường giảm 430 tỷ USD, tương đương gần 60%.
Thông báo của Didi diễn ra chỉ sau 24 giờ Mỹ công bố một luật mới bắt buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải công khai sổ sách tài chính với cơ quan Mỹ nếu không sẽ bị hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York và sàn Nasdaq trong vòng 3 năm. Doanh nghiệp Trung Quốc và Hồng Kông là hai nhóm duy nhất liên tục từ chối các yêu cầu công khai kết quả kiểm toán này.
Trong khi đó, theo nguồn tin của Bloomberg, trước đó, cơ quan giám sát công nghệ Trung Quốc đã yêu cầu hãng gọi xe Didi lên kế hoạch hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York vì lo ngại rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Đây là một yêu cầu chưa từng có, làm dấy lên lo ngại về những ý định của Bắc Kinh đối với ngành công nghệ khổng lồ của nước này.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 23/10: Xuất nhập khẩu lần đầu tiên vượt 200 tỷ USD một quý
-
Giá dầu hôm nay (23/10): WTI tăng, Brent giảm trong phiên
-
Điện Kremlin: BRICS không có mục tiêu đánh bại đồng đô la
-
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Tạo cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ
-
BRICS "nhấn ga" tái thiết tài chính toàn cầu, đẩy nhanh phi USD hóa, SWIFT lung lay, giá vàng lên 150.000 USD/ounce