Dọa áp thuế Trung Quốc, Trump có thể đang mất dần kiên nhẫn
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định áp thuế 10% nhằm vào 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dù động thái leo thang căng thẳng thương mại này có thể gây rủi ro cho nền kinh tế cũng như làm tổn thương túi tiền của người tiêu dùng Mỹ. Điều đó phần nào cho thấy Trump đang sốt sắng phá vỡ thế bế tắc với một Bắc Kinh đang ngày càng tỏ rõ thái độ cứng rắn hơn trong đàm phán.
Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích các chiến thuật gây sức ép như vậy của Mỹ. Do đó, động thái tấn công thương mại mới nhất của Trump có nguy cơ kéo dài tình thế bế tắc nếu Bắc Kinh đáp trả bằng cách rút lui khỏi bàn đàm phán, chuyên gia nhận định. Hiện có nhiều dấu hiệu chứng tỏ giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu thương mại kéo dài với Mỹ.
Phát biểu với các phóng viên khi rời Nhà Trắng để dự một cuộc tiếp xúc cử tri ở bang Ohio hôm 1/8, Trump phàn nàn rằng dù ông quý mến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, "ông ấy không hành động đủ nhanh" để thúc đẩy các tiến triển đàm phán thương mại. Tối cùng ngày, tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Cincinnati, Trump nói ông sẽ "đánh thuế đến cùng" với hàng hóa Trung Quốc cho đến khi đạt được thỏa thuận.
Các nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết quyết định áp thuế 10% với thêm 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất phát từ quan điểm rằng Bắc Kinh đang kéo dài đàm phán.
Chính phủ Mỹ nhận thấy Trung Quốc đang quay trở lại chiến lược mà nước này từng sử dụng hiệu quả là chờ đợi thay đổi chính quyền ở Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần. Sự ì ạch của Trung Quốc càng được thể hiện rõ hơn sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập nhất trí đình chiến thương mại tại cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, hồi cuối tháng 6.
Quan điểm trên được củng cố sau vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung ở Thượng Hải hồi đầu tuần, khi các quan chức Trung Quốc không đưa ra đề xuất mới nào và kiên quyết không cam kết bất kỳ điều gì nếu Mỹ chưa dỡ bỏ các biện pháp áp thuế.
"Họ muốn nhìn thấy một tổng thống Mỹ mới trong một năm rưỡi nữa để họ có thể tiếp tục lừa gạt thương mại đối với Mỹ, giống như họ đã làm trong suốt 25 năm qua. Họ muốn nhìn thấy một người mơ ngủ giống như Joe Biden (ứng viên tổng thống đảng Dân chủ) lên làm tổng thống Mỹ ", Trump nhận định về ý đồ của giới lãnh đạo Trung Quốc.
Với đòn thuế mới, Trump có thể đang tung ra một trong những quân bài cuối cùng của ông. Quan trọng hơn, Trung Quốc dường như đã kết luận rằng họ có thể chờ đợi Trump thất cử và vượt qua được cơn bão khó khăn kinh tế cũng đang bắt đầu gây tổn thương lớn đối với Mỹ.
"Thuế mới chắc chắn chẳng giúp tiến gần hơn tới một thỏa thuận mà Mỹ muốn, trái lại, chỉ càng khiến nó trở nên xa vời", Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Global Times, viết trên Twitter. "Tôi nghĩ giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ không còn ưu tiên việc kiểm soát quy mô cuộc chiến thương mại nữa. Họ sẽ tập trung vào chiến lược quốc gia ứng phó một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài".
Damien Ma, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc, nhận định một thông điệp đã xuất hiện từ cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 30/7 là giới lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất của chiến tranh thương mại và sẵn sàng ứng phó với thêm nhiều đòn thuế từ Mỹ cũng như nguy cơ tăng trưởng kinh tế tiếp tục trì trệ.
"Nếu Bắc Kinh cảm thấy họ có thể chống chọi thuế mới của Mỹ vì đã tính toán mức thiệt hại, tôi cho rằng đòn thuế mới sẽ không mang lại kết quả tốt với các cuộc đàm phán", Ma nói.
Trong khi đó, Trump đang điều hành một nền kinh tế Mỹ mà hầu như mọi người, từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đến các giám đốc điều hành, đều nhìn nhận rằng đang tăng trưởng chậm lại do "những bóng ma" thương mại do chính Tổng thống tạo ra.
Trump đã phớt lờ các phản ứng tiêu cực của thị trường sau thông báo áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc hôm 1/8, bao gồm cả cú giảm giá mạnh nhất của dầu thô trong 4 năm qua, vì giới đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, ông khó có thể phớt lờ những đợt suy giảm tiếp theo của thị trường hoặc đà tăng trưởng giảm tốc mạnh của nền kinh tế Mỹ khi cuộc bầu cử tổng thống 2020 đã gần kề.
Thực tế, tác động từ các cuộc chiến thương mại do Trump phát động đối với ngành sản xuất Mỹ đang ngày càng rõ ràng hơn. Chỉ vài giờ sau thông báo áp thuế hàng hóa Trung Quốc, Viện Quản lý Cung ứng công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Mỹ trong tháng 7 đã sụt giảm ở tháng thứ 4 liên tiếp và đang ở mức yếu nhất kể từ năm 2016.
Thiếu tiến triển cụ thể tại vòng đàm phán thương mại Mỹ - Trung hồi đầu tuần cũng gây căng thẳng chính trị bởi Trump trở nên thất vọng trước việc ông Tập không thực hiện những gì đã nhất trí tại cuộc gặp ở Osaka, trong đó có cam kết tăng mua nông sản Mỹ.
Trump nhiều lần cam kết với các nông dân Mỹ rằng ông sẽ mang về cho họ những đơn hàng lớn từ Trung Quốc song chưa thực hiện được. Phần lớn nông dân Mỹ đã bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 nhưng giờ đây, họ chỉ trích cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng nông nghiệp tồi tệ nhất kể từ thập niên 1980.
Các quan chức Nhà Trắng phàn nàn rằng đội ngũ quan chức Trung Quốc đang trở nên trịch thượng kể từ khi đàm phán thương mại Mỹ - Trung đổ bể hồi đầu tháng 5 vì Trung Quốc từ chối đưa những cải cách theo yêu cầu của Mỹ vào quy định pháp luật.
Michael Pillsbury, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc từ Viện Hudson ở Washington, người đang tư vấn cho chính quyền Donald Trump, chỉ ra sự trịch thượng đó qua một tuyên bố hồi đầu tuần của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố Mỹ không nên "tư vấn sức khỏe khi mình đang là người bệnh".
Tuy nhiên, vẫn có những quan chức bên trong Nhà Trắng xem động thái liên tục leo thang biện pháp áp thuế là mục tiêu chính sách đúng đắn.
"Chúng tôi thích các đòn thuế. Chúng là công cụ tuyệt vời", cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Fox Business News ngay trước khi Trump thông báo áp thuế mới với hàng hóa Trung Quốc.
Dan DiMicco, cựu giám đốc điều hành công ty thép Nucor, cựu cố vấn thương mại của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, lại hối thúc Tổng thống Mỹ lập tức nâng thuế lên mức 25% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Một số chuyên gia suy đoán Trump có thể đang bộc lộ ý đồ thực sự của ông qua động thái leo thang chiến tranh thương mại mới nhất.
"Nếu ngay từ đầu, Tổng thống Trump chưa bao giờ thực sự muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc thì sao? Nếu như ông chỉ muốn thực hiện cam kết áp thuế với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong cuộc vận động tranh cử thì sao?", Chad Bown, cựu thành viên Hội đồng Cố vấn Kinh tế dưới thời chính quyền tổng thống Barack Obama, nay làm việc ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson, đặt câu hỏi.
"Ông ấy dường như nhìn cuộc đấu hiện nay với tâm thế 'hoặc tôi phá gian hàng Trung Quốc hoặc tôi là tổng thống Mỹ cứng rắn nhất từ trước đến nay đối với Trung Quốc'", Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, bình luận.
"Động thái áp thuế với Trung Quốc hôm 1/8 phù hợp với phong cách của ông ấy: Được ăn cả, ngã về không. Đó không phải sự tuyệt vọng mà là cơn giận dữ", Scissors nói thêm.
Theo VnExpress.net
| Động lực khiến ông Trump bất ngờ giáng đòn trừng phạt Trung Quốc |
| Giới phân tích nghi ngờ thời điểm Trump tuyên bố áp thuế |
| Hậu quả người Mỹ hứng chịu từ đòn áp thuế của Trump với Trung Quốc |
-
Doanh nghiệp Mỹ "lao đao" vì chiến tranh thương mại với Trung Quốc
-
Trung Quốc "chi bạo" để đối đầu Mỹ trong sản xuất chip
-
Vừa trừng phạt Rosneft, Mỹ tuyên bố tiếp tục trừng phạt Venezuela, Moscow và Caracas lên tiếng
-
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung: Ai là người chiến thắng?
-
Tổng thống Trump phủ nhận việc Mỹ đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3