Điện gió ngoài khơi cần chính sách phát triển rõ ràng
Dự thảo Quy hoạch điện 8 đặt mục tiêu phát triển khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. |
Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8) đã đặt ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ cùng khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến năm 2045, công suất đặt điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 64.500 MW.
NHIỀU TIỀM NĂNG VÀ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN
Tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho biết Nghị quyết số 55-NQ/TW, ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra nhiệm vụ xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.
Ngày 17/11/2022 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định cần có lộ trình phát triển năng lượng tái tạo phù hợp với điều kiện trình độ phát triển của đất nước trên cơ sở đánh giá tổng thể về lợi ích và chi phí của nền kinh tế, đồng thời xác định ngành công nghiệp năng lượng là 1 trong 6 ngành công nghiệp nền tảng cần được ưu tiên phát triển nhất là phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới.
TS.Nguyễn Đức Hiển: "Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics". |
Như vậy, phát triển điện gió ngoài khơi được Việt Nam xác định là lĩnh vực phát triển đột phá trong chuyển dịch năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
“Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió, hơn 39% lãnh thổ của Việt Nam có tốc độ gió lớn hơn 6 m/s tại độ cao 65 m. Đặc biệt, khoảng 8% diện tích lãnh thổ, tương đương 112 GW được đánh giá là có tiềm năng năng lượng gió tốt. Bên cạnh đó, cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics trong những năm tới”, TS. Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm, ông Nicolai Prytz - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam cho rằng điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam: Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Khẳng định tiềm năng nhu cầu phát triển điện gió, trong đó có điện gió ngoài khơi tại các vùng biển của Việt Nam là rất lớn, TS. Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết để thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, đồng hành cùng Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập pháp, trong nhiệm kỳ đã, đang và sẽ đánh giá, rà soát, xem xét việc sửa đổi các luật liên quan đến lĩnh vực năng lượng như: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các Luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi).
CẦN THÁO GỠ NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
Mặc dù phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có những cơ hội lớn, nhưng cũng đang đối diện với những thách thức lớn, theo TS. Nguyễn Đức Hiển, đó là tính chất phức tạp về kỹ thuật và công nghệ; nguồn vốn lớn và dài hạn.
Đồng thời, nhiều vấn đề lớn đặt ra cần phải làm rõ như về quy hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê, cấp phép, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện và các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển, phát triển chuỗi cung ứng.
TS. Nguyễn Đức Hiển cũng thẳng thắn nhìn nhận, Nghị quyết 55 đã được triển khai 3 năm nhưng tiến trình thể chế hóa, cụ thể hóa yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi nêu tại Nghị quyết được các cấp có thẩm quyền triển khai còn chậm, kết quả còn hạn chế.
Ví dụ như Quy hoạch điện 8 và Quy hoạch không gian biển vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa được chính thức ban hành. Việc giao vùng biển để khảo sát phát triển điện gió ngoài khơi vẫn chưa được quy định cụ thể. Các lộ trình về xây dựng và các cơ chế chính sách giá cho điện gió ngoài khơi của Việt Nam vẫn đang được triển khai xây dựng và thực tiễn vẫn còn khá chậm.
Ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đại sứ Nicolai Prytz mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện 8 và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền.
Theo Vneconomy
- Thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi để tạo cơ sở xây dựng chính sách phù hợp
- Chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng: 3 nhóm nhiệm vụ cần thực hiện xong trước cuối năm 2025
- Bài 5: TS Nguyễn Anh Tuấn: Luật hóa chính sách là nền tảng cho sự phát triển NLTT vững chắc và lâu dài
- Bài 4: Phát triển Năng lượng tái tạo: Cần pháp lý minh bạch, ổn định
- Bài 3: Cần nhanh chóng hoàn thiện khung chính sách pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo
-
17 doanh nghiệp Anh trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tìm cơ hội hợp tác ở Việt Nam
-
VOOWESS 2024: Hội nghị quốc tế về lưu trữ năng lượng và điện gió ngoài khơi
-
Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương