Điện gió đang “chờ gió”!
Ngóng chính sách giá
Theo Quy hoạch điện VII thì mục tiêu của Việt Nam sẽ đưa tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối… từ 3,5% (2010) lên 4,5% (2020) và sẽ đạt 6% (2030) trên tổng điện năng sản xuất. Trong đó, điện gió sẽ được tập trung phát triển với mục tiêu đưa công suất nguồn điện lên 1.000MW (tương đương 0,7% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2020 và 6.200MW (tương đương 2,4% tổng công suất nguồn điện) vào năm 2030. Đây thực sự là một mục tiêu lớn, đầy thách thức mà Chính phủ đã đặt ra cho ngành điện bởi vốn đầu tư cho các dự án điện gió là lớn hơn rất nhiều so với đầu tư dự án thủy điện (thường cao gấp 3 lần so với dự án thủy điện). Phát triển điện gió đang gặp khó như thế!
Xin dẫn phép so sánh sau để thấy rõ điều này. Để tạo ra 320 triệu kWh/năm, Dự án Điện gió Bạc Liêu sẽ cần số vốn đầu tư là 5.200 tỉ đồng. Trong khí đó, để tạo ra 10.246 triệu kWh/năm, Dự án Thủy điện Sơn La chỉ cần 60.195,928 tỉ đồng. Thông qua một phép tính đơn thuần, rõ ràng có thể thấy, nếu 1kWh thủy điện cần 1 đồng tiền đầu tư thì 1 kWh điện gió sẽ cần tới 2,78 đồng tiền đầu tư. Vốn đầu tư cho điện gió như vậy là rất lớn nhưng mức giá của điện gió lại chẳng hề cao, chỉ vào khoảng 7,8 cent/kWh - mức giá được xem là thấp nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. Với mức giá này, theo tính toán của chủ đầu tư Dự án Điện gió Bạc Liêu thì phải sau khoảng hơn 20 năm mới có thể thu lại được vốn!
Cần có một cú hích chính sách cho điện gió
Chia sẻ khó khăn này, đại diện Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng, vấn đề lớn nhất của điện gió chính là giá và đây chính là nút thắt quan trọng nhất khiến chủ trương phát triển điện gió đang lâm vào khó khăn. Vốn đầu tư thì lớn trong khi giá bán điện lại thấp nên điện gió không đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư, không đủ sức thu hút các dòng tiền trong xã hội.
Được biết, để giải quyết “nút thắt” này, nhà đầu tư Dự án Điện gió Bạc Liêu và UBND tỉnh Bạc Liêu đã có tờ trình kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét chính sách trợ giá và nâng mức mua điện lên khoảng 9 cent US/kWh. Và theo cách lý giải của đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu thì điện gió là năng lượng sạch nên cần phải được trợ giá từ Quỹ Bảo vệ môi trường, được hưởng ưu đãi tín dụng đầu tư của Nhà nước và miễn giảm thuế nhập khẩu đối với các thiết bị phục vụ dự án.
Điện gió nói riêng và ngành điện nói chung đang phải đối diện với vô vàn khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án phát triển nguồn điện như thế. Trả lời thắc mắc xung quanh vấn đề phát triển điện gió, ông Lê Tuấn Phong - Tổng cục phó Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) khẳng định, Chính phủ đã có Quyết định 37 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, Nhà nước sẽ hỗ trợ giá điện cho bên mua điện toàn bộ sản lượng điện mua từ các nhà máy điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 1 cent/kWh) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ông cũng nhấn mạnh rằng: Nếu tính tổng các yếu tố như ưu đãi thuế, đất đai… thì giá điện gió sẽ vào khoảng 10 cent/kWh và đây là mức giá trung bình so với các nước trong khu vực. Thậm chí, nếu nhà đầu tư nào làm tốt thì đây là mức giá rất hợp lý.
Ông Đặng Công Chuẩn - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cũng nhấn mạnh rằng: Chỉ có điều duy nhất là giá mua điện chưa khuyến khích nhà đầu tư. Giá phải trên 9 cent/kWh mới có thể mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư điện gió.
Chờ “gió quy hoạch” và “gió công nghệ”
Khó khăn trong việc thực hiện chủ trương, mục tiêu phát triển các dự án điện gió là vậy nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù việc phát triển điện gió đã được đưa vào Quy hoạch điện 7 nhưng cho đến lúc này, điện gió vẫn chưa có quy hoạch cụ thể. Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây là điều bất ổn nhất trong phát triển điện gió bởi quy hoạch luôn là nguyên tắc đầu tiên khi thực hiện bất kỳ dự án nào.
Thậm chí, sự thiếu hụt này đang đẩy không ít dự án lâm vào cảnh “khóc dở, mếu dở” kiểu như địa điểm triển khai dự án lại “nằm chồng” lên một dự án khác. Ở Bình Thuận - một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển điện gió nhưng đã và đang lâm vào tình cảnh như vậy. Theo các quyết định quy hoạch dự án điện gió, Bình Thuận hiện có 16 dự án với tổng công suất là 1.242MW nhưng hiện lại có tới 9 dự án đã “vướng” vào vùng quy hoạch khai thác titan nên chưa thể triển khai.
Chủ trương phát triển điện gió đang gặp phải nhiều khó khăn như thế và theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, để có lãi, các đầu tư cần chủ động hơn trong việc nội địa hóa các dự án điện gió. Cái lợi được ông đưa ra cho phép tính này là có thể giảm tới 60-70% giá thành sản xuất 1kWh và như vậy, mức giá 7,8 cent/kWh là có lãi.
Đưa quan điểm bình luận về vấn đề này, ông Bùi Văn Thịnh - Phó chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng, nội địa hóa các dự án điện gió là điều không hề dễ. Và theo tìm hiểu của chúng tôi thì hiện ở nước ta cũng đã có một số doanh nghiệp trong nước tự sản xuất được trụ điện gió nhưng “trái tim” của dự án như turbine, cánh quạt… thì phải mua từ nước ngoài. Thậm chí, những cần cẩu chuyên dụng 500 tấn để thực hiện thao tác nâng turbine, lắp cánh quạt... cả nước cũng chỉ đếm được vài ba cái.
Cùng đưa quan điểm về vấn đề công nghệ sử dụng trong các dự án điện gió, ông Tước nhấn mạnh, hiện nay, công nghệ điện gió đang có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ và đây là tiền đề để tăng tính hiệu quả trong đầu tư cũng như tổng mức đầu tư của dự án. Chính vì vậy, khi triển khai các dự án điện gió, chủ đầu tư cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng việc lựa chọn, sử dụng công nghệ sao cho mang lại hiệu quả cao nhất. Nếu chọn công nghệ có hiệu suất cao (ví dụ hiệu suất đến 46%), suất đầu tư có thể cao hơn so với công nghệ có hiệu suất thấp, nhưng ngược lại, lượng điện tạo ra có thể nhiều gấp đôi mà số tiền đầu tư không cao gấp đôi thì vẫn nên chọn. Hay như việc lựa chọn trụ điện cũng vậy, trên thế giới đã sản xuất ra những trụ điện có công suất lên đến 6-7 MW/trụ thì chẳng dại gì mà chúng ta lại đi ôm những trụ vài ba MW - những sản phẩm công nghệ của hàng chục năm trước.
Báo cáo phân tích về tiềm năng điện gió của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, có tới 8,6% diện tích lãnh thổ Việt Nam có tiềm năng điện gió tốt, cao hơn rất nhiều lần các nước trong khu vực như Campuchia (khoảng 0,2% diện tích), Thái Lan (khoảng 0,2% diện tích), Lào (khoảng 2,9% diện tích). Còn nếu xét theo tiêu chuẩn để xây dựng các trạm điện gió cỡ nhỏ phục vụ phát triển kinh tế ở những khu vực khó khăn thì Việt Nam có đến 41% diện tích nông thôn. |
Thanh Ngọc
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo