Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Điềm báo có chính xác?

06:51 | 11/05/2014

4,210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện tại, điềm báo vẫn còn là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học bởi chưa thể lý giải được hiện tượng này. Thế nhưng, trong đời sống tinh thần đã rất nhiều người tin vào sự chính xác của nó!

Năng lượng Mới số 319

Giấc mộng… báo tin

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Dũng (tổ 4, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) đã hơn 30 năm vớt xác sông Hồng mà chủ yếu nhờ vào… điềm báo. Ông Dũng kể, nhiều lần nằm mơ thấy người kêu cứu hay thấy bỗng dưng ớn lạnh chạy dọc sống lưng, bồn chồn, lo lắng là y như rằng ra sông Hồng thấy… xác chết trôi sông. Câu chuyện ám ảnh nhất là năm 1995, khi đang ngủ ông Dũng mơ thấy hàng chục người nháo nhác kêu cứu, ông bật dậy mồ hôi vã ra như tắm.

Chưa kịp hoàn hồn nhưng nghĩ có điềm chẳng lành, ông khoác áo chạy một mạch ra bờ sông Hồng. Quả nhiên, trước mắt ông ngổn ngang nào thuốc lá, quang gánh, đồ đạc… nổi lềnh bềnh trên mặt sông. Sau một đêm lặn ngụp tìm kiếm, ông đã vớt được tất cả 29 thi thể là nạn nhân của vụ đắm đò Phú Thượng thương tâm. Nhờ giác quan đặc biệt của mình, đến nay ông đã vớt được tất cả hơn 500 xác chết.

Cháy ở Trung tâm Thương mại Hải Dương 15/9/2013

Tương tự mấy tháng trước, dư luận cả nước cũng bàng hoàng trước việc “bà hỏa” thiêu rụi Trung tâm Thương mại Hải Dương, thiêu cháy hơn 500 tỉ đồng của tiểu thương. Đau xót là đương nhiên nhưng người ta bắt đầu xôn xao về câu chuyện trước đó nhiều tiểu thương và người dân sống quanh khu trung tâm nằm mơ thấy lửa, thậm chí có người còn giật mình “hô cháy” trong đêm. Tất nhiên, người ta chỉ thực sự giật mình khi trung tâm đã bị thiêu rụi vào rạng sáng 15-9-2013.

Vậy nên câu chuyện về điềm báo bằng những giấc mơ vượt không gian, thời gian mà linh ứng vẫn còn là điều kỳ bí. Trong huyền sử Việt Nam có chuyện, nhiều vua chúa sinh ra từ giấc mộng thấy “rồng”. Rồi trong dân gian, chẳng phải ngẫu nhiên mà các cụ có đúc rút: “Gặp gái thì rủi, mơ thấy máu thì gặp điềm xấu, nghe tiếng chim lợn kêu thì ắt hẳn sắp có người chết…”. Và trên thế giới cũng không ngoại lệ.

Câu chuyện xảy ra vào ngày 29/8/1893 tại Mỹ đã trở thành hiện tượng về điềm báo mà đến nay vẫn nhiều hoài nghi trong giới khoa học. Chuyện kể về phóng viên Samson của tờ báo “Hoàn Cầu”, trước khi kết thúc công việc anh đã nằm và ngủ quên trên ghế sofa, 7 giờ sau tỉnh dậy, Samson còn nhớ như in những gì xảy ra trong mơ. Anh ghi lại rằng: Núi lửa Krakatoa phun trào mạnh ở gần đảo Java, dung nham và đá bùn đã cuốn một đám người ra biển… Samson viết xong, tiện tay ghi luôn 2 chữ “quan trọng” rồi ra về. Hôm sau, tổng biên tập lập tức cho đăng, nhưng ngay sau đó nó đã bị dư luận phản đối gay gắt vì cho đó là bịa đặt. Kết quả Samson bị mất việc. Điều bất ngờ là chỉ mấy ngày sau đó, núi lửa Krakatoa quả nhiên hoạt động mạnh và nham thạch bắt đầu phun trào. Vậy là giấc mơ đáng sợ của Samson trở thành hiện thực.

Rồi chuyện về cái chết được báo trước trong giấc mơ kỳ quái của Tổng thống Mỹ Kennedy đến nay cũng vẫn còn là lời đồn đại. Bởi trong một giấc mơ ông thấy mình bị ám sát. Quả nhiên, ngày 22/11/1963 ông đã bị sát hại…!

Theo GS Ngô Đức Thịnh, chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt Nam thì điềm báo là một phạm trù bí ẩn của cuộc sống mà ta khó có thể định nghĩa nó như thế nào và ra sao. Nó vốn thuộc phạm trù ngẫu nhiên, ở điềm báo thì vấn đề ngẫu nhiên nhiều hơn nên cũng không thể phân định rạch ròi.

Lý giải lý do vì sao có hiện tượng điềm báo, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: Chuyện điềm báo từ những giấc mơ có thể là do cá nhân tự huyễn hoặc bởi giấc mơ phản ánh cuộc sống. Sự việc xảy ra trong giấc mơ có thể là do bản thân người đó đang trong trạng thái bồn chồn, lo lắng chờ mong một điều gì. Khi giấc mơ ứng nghiệm nó thể hiện những phán đoán, suy nghĩ của bộ não thuộc về vấn đề tâm sinh lý của con người. Nó mang tính chất sinh học nên cũng có thể có thật hoặc không thật. Và sự thật là đã có rất nhiều “điềm báo” diễn ra trong thực tế, nhưng cũng đã có những điềm báo mãi mãi không diễn ra.

Không quá cả tin vào điềm báo

Theo TS Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp UIA (nghiên cứu về tiềm năng con người) thì: Không phải ngẫu nhiên mà cứ nhìn vào các hiện tượng người ta lại suy ra đó là những điềm báo tốt hay không tốt. Còn riêng về cơ thể con người thì đó là cỗ máy sinh học đặc biệt, cơ thể ấy hoàn toàn có thể dự báo trước những hiện tượng có thể xảy ra. Khả năng điềm báo ở con người hầu như ai cũng có, nhưng ở mỗi cá thể khác nhau thì mức độ sẽ khác nhau. Tất nhiên trong trường hợp người đó có nhận ra được hay không. Ở trường hợp đặc biệt, con người có thể linh cảm được trước sự việc có thể xảy ra, thậm chí có thể đoán biết được cái chết sắp xảy đến thông qua giấc mơ. Nó là quá trình phát triển từ cảm nhận, cảm giác ban đầu đến trực giác rồi đến tâm linh… đó là một trục phát triển đi lên của tiềm thức, ý thức. Vậy nên không sai khi nói khả năng điềm báo thuộc vào năng lượng tiềm ẩn của mỗi người, nó chịu sự tác động của một vòng tròn gồm kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, ý niệm, ý tưởng mà hằng ngày trong cuộc sống cũng như trong công việc con người đã tiếp nhận và tích lũy được. Sau cùng, những cái ta tiếp nhận được đó đi vào cõi hữu thức, vô thức. Để rồi khi gặp những tiền đề, điều kiện thuận lợi của cơ chế tri giác thần kinh mà thành hiện tượng điềm báo.

Trong khi khái niệm về điềm báo còn mơ hồ và xa vời với khoa học biện chứng thì tại Việt Nam, điềm báo lại rất được tin tưởng. Theo GS Ngô Đức Thịnh: Rất nhiều người hiện nay hoạt động hoàn toàn nhờ vào điềm báo, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số. Dẫn lời GS Ngô Đức Thịnh ví dụ về những tập tục thường xuyên diễn ra của đồng bào như: Khi đang đi làm việc gì đó, nếu gặp phải con hoẵng ngang đường thì bà con cho nó là điều tốt lành và cứ thế đi làm. Hay quan niệm: “Khi đi gặp rắn thì may, khi về gặp rắn thì hay phải đòn”… thế là cứ ra về mà gặp rắn là bà con nhất khoát sẽ không đi tiếp con đường đó nữa. Vì vậy, bà con đã quá lệ thuộc vào điềm báo.

GS Thịnh khẳng định, điềm báo là một yếu tố để cuộc sống có chiều sâu hơn nhưng phụ thuộc quá nhiều vào điềm báo lại là không nên. Một quan chức có sở thích trồng cây lưu niệm. Sở thích đó đương nhiên là tốt, nhưng nực cười ở chỗ, trồng bất cứ cây nào ông cũng cho khắc tên mình trên cây đó. Sự việc sẽ chẳng có gì nếu một ngày kia cái cây này không bị mang bệnh và chết. Khi thấy thông tin vậy, ông và người nhà vô cùng hoang mang lo lắng, cho rằng đây là điềm báo sự chẳng lành đã cuống quýt đi hết đền nọ, phủ kia để lễ tạ nhưng tinh thần vẫn suy sụp. Một thời gian sau, ông quan này đổ bệnh rồi chết. Xét về căn bản thì điềm báo này có vẻ linh ứng, nhưng rõ ràng quá lo lắng về tâm lý cũng đã một phần đem đến tai họa cho ông nọ.

Từ những hiện tượng như vậy, GS Thịnh kết luận rằng, hiện tượng điềm báo cũng thể hiện trình độ nhận thức của nhân loại. Thực tế cũng có rất nhiều giấc mơ được tô vẽ để trở thành điềm báo lý tưởng rồi sa vào thành dấu hiệu của sự mê tín. Vậy nên, theo GS Ngô Đức Thịnh thì điềm báo giúp cho cuộc sống nhiệm mầu hơn, vì thế mà nhiều người cũng cảm thấy đáng sống hơn. Và thực tế điềm báo đã giúp nhiều người lấy lại được niềm tin trong cuộc sống, nhưng cũng cướp đi không ít những sinh mạng vì đã quá cả tin vào nó.

Huyền Anh