Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, làm thế nào để giữ vững an ninh truyền tải điện?
Ông Lưu Việt Tiến - Phó Tổng giám đốc EVNNPT |
PV: Thưa ông, hiện nay nhiều địa phương trên cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội, vậy EVNNPT đã có chỉ đạo như thế nào đối với các đơn vị trực thuộc nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống truyền tải điện?
Ông Lưu Việt Tiến: EVNNPT đã quán triệt toàn thể CBCNV các đơn vị vừa phải đảm bảo phòng chống dịch tốt, vừa phải đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện.
Chúng tôi đã hoàn thiện phương án phòng chống dịch và đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch lan tràn, trong đó có các biện pháp xử lý các tình huống đơn vị có trường hợp F0, trường hợp có nhiều CBCNV thuộc các thể F1, F2.
Việc bố trí ở tập trung cách ly sau ca trực, làm việc đối với lực lượng vận hành và sửa chữa, thí nghiệm được triển khai nghiêm túc. CBCNV kíp trực mới phải được xét nghiệm và có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2 trước mỗi đợt trực tập trung.
Những CBCNV khác được bố trí tối đa làm việc online tại nhà, giữ liên lạc thông suốt và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu. Tất cả các cuộc họp tổ chức theo hình thức trực tuyến, tăng cường làm việc thông qua các ứng dụng từ xa.
PV: EVNNPT đã có phương án chuẩn bị như thế nào trong tình huống dịch bệnh có thể kéo dài, thưa ông?
Ông Lưu Việt Tiến: Cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch từ tổng công ty đến các đơn vị trực thuộc, EVNNPT cũng chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt đối với đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam chuẩn bị sẵn sàng trong mọi tình huống, kể cả trường hợp có CBCNV dương tính, đơn vị bị phong tỏa. Việc cách ly tập trung, thực hiện "3 tại chỗ" (ăn - ở - sản xuất tập trung tại nơi làm việc) đối với bộ phận CBCNV trực vận hành, sửa chữa thí nghiệm, điều độ, vận hành hệ thống viễn thông dùng riêng phải hết sức nghiêm túc. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết (nhân lực, thiết bị, phương tiện, các giấy tờ để được phép di chuyển;...) để triển khai khắc phục nhanh các bất thường, sự cố trên lưới điện.
EVNNPT đã chỉ đạo các đơn vị cùng trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ tối đa lẫn nhau trong điều kiện cho phép, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu chung của tổng công ty. EVNNPT cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương thực hiện tiêm vắc-xin COVID-19 cho CBCNV.
Đồng thời, Công đoàn EVNNPT và công đoàn các cấp trực thuộc tiếp tục chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho CBCNV, đặc biệt là lực lượng phải “cấm trại” tại nơi làm việc.
Một ca trực của công nhân vận hành TBA 220kV Tuy Hòa (Phú Yên) trong mùa dịch |
PV: Với nhiều đơn vị, việc đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp là "mũi tên trúng 2 đích". Điều này có thể áp dụng với EVNNPT?
Ông Lưu Việt Tiến: Trong những năm gần đây, EVNNPT đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh nói chung, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ứng dụng KHCN còn góp phần giảm thiểu tình trạng lây nhiễm dịch bệnh.
Cụ thể, trong quản lý vận hành TBA và đường dây, EVNNPT đã triển khai trên 70% các trạm biến áp 220kV không người trực, giám sát điều khiển từ xa, ứng dụng giám sát trực tuyến các thiết bị chính trên lưới như MBA, kháng điện; triển khai ứng dụng thiết bị bay kiểm tra quản lý vận hành đường dây, camera giám sát đường dây, định vị sự cố đường dây; ứng dụng UAV phun thuốc tiệt trùng các trung tâm vận hành.
Các ứng dụng trên đã giúp giảm khối lượng công việc người lao động phải thực hiện trực tiếp, qua đó giảm nhu cầu đi lại, tiếp xúc trong bối cảnh dịch bệnh. EVNNPT cũng đã ứng dụng camera, UAV giám sát từ xa việc thi công các công trình xây dựng; khai thác tối đa các ứng dụng họp/hội nghị truyền hình đến tất cả các đơn vị cấp 4, các đơn vị giám sát, điều hành thi công công trình.
Có thể khẳng định, đến nay EVNNPT vẫn đang quản lý tốt lưới điện truyền tải, đảm bảo an toàn, tin cậy cung cấp điện cho cả nước. EVNNPT sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng thêm các thành tựu KHCN trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Ngân Hà (thực hiện)
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Trạm biến áp 220kV Kon Tum được nâng công suất lên gấp đôi để đảm bảo điện cho khu vực
-
Nhiều bài học kinh nghiệm quý sau thành công của Dự án đường dây 500kV mạch 3
-
Ninh Bình: Chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Trạm biến áp 220kV Tam Điệp và đấu nối
-
Các nỗ lực tích hợp năng lượng ở Đông Nam Á bị đe doạ
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
Sự bùng nổ của AI có tác động gì đến ngành năng lượng?
-
Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Khai mạc Triển lãm Máy móc, Thiết bị và Phụ liệu công nghiệp 2024