Đĩa than có thể hồi sinh?
Nhắc đến đĩa than, người ta nhớ đến thời kỳ hoàng kim của nó vào khoảng những năm 70- 80 của thế kỷ trước. Được xem làm thú chơi đòi hỏi nhiều công phu và tốn kém nên đến những năm đầu của thập kỷ 90 lãnh địa của đĩa than bị thu hẹp dần. Sự đàn áp của thị trường băng đĩa nhạc CD với công nghệ ghi âm Digital nhanh nhạy, cơ động là điều mà thời của kỹ thuật số có thể đáp ứng tốt cho sự phát triển như vũ bão của thị trường âm nhạc.
Đó cũng là quy luật thuận theo lẽ tự nhiên. Dù âm thanh không thể bằng đĩa than nhưng việc phải mua một dàn đĩa cồng kềnh vô cùng tốn kém là một điều không tưởng ở xã hội năng động như hiện tại. Thế nên, dù có tham vọng đến mấy thì nghệ sĩ Việt rất ít những gương mặt “chịu chơi” dám đầu tư vào địa hạt này.
Nghe nhạc bằng đĩa than còn được xem là một thú chơi sang và chảnh
Trên thị trường nhạc Việt thì đĩa than vẫn còn là “của hiếm” khi mới chỉ có một vài ca sĩ chịu đứng ra làm thể loại đĩa kén người chơi này. Trước đó, duy chỉ có ca sĩ Mỹ Linh với đĩa Tóc ngắn Acoustic được ra lò. Bẵng đi một thời gian thì mới đây lại có Lặng lẽ tiếng dương cầm của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Và vừa qua là ca sĩ Quang Dũng với Tuyển tập Tình ca Phạm Duy. Ông hoàng nhạc Việt Mr. Đàm thì mới ở trạng thái ấp ủ rằng sẽ cho ra một đĩa than gồm 7 ca khúc nhạc jazz, vẫn đang trong quá trình thực hiện.
Như vậy đã đủ thấy độ khó của quy trình cũng như sự “chảnh” của đĩa than. Thực tế, đĩa than vừa đỏi hỏi sự công phu trong quá trình làm đĩa đến quá trình xuất bản, phát hành và cuối cùng là đối tượng thưởng thức cũng phải vừa có nghề, vừa có tiền.
Hiện tại, môi trường sản xuất trong nước chưa thể tự làm một đĩa than hoàn chỉnh. Mà mỗi đĩa than sau khi thu âm ở dạng demo trong nước rồi sẽ được gửi ra nước ngoài để hoàn thành phần hậu kỳ. Rất tốn thời gian và công sức, điều đó khiến nhiều nhà sản xuất e ngại.
Kỳ công như vậy nên giá thành của một đĩa than cũng không hề nhỏ, kéo theo đó là số lượng sản xuất cũng có giới hạn và được kiểm soát một cách chuẩn xác. Với giá thành giao động khoảng 1 triệu đồng/đĩa thì không phải người yêu nhạc nào cũng có thể sở hữu những đĩa than này, nên người đối tượng “chơi” cũng phải chịu khó đầu tư. Vậy nên, Tóc Ngắn của Mỹ Linh với giá thành 1,3 triệu/đĩa thì chỉ ra có 500 bản, còn Lặng lẽ tiếng dương cầm treo giá với mức 900 nghìn đồng/ đĩa cũng chỉ được phát hành 1.500 đĩa.
Mặc dù đã dự trù nhưng Nhạc sĩ Đức Trí vẫn mất một thời gian dài để cho ra đời Lặng lẽ tiếng dương cầm
Mặc dù rất tâm huyết với việc tìm lại thị trường cho đĩa than nhưng nhạc sĩ Đức Trí cũng phải khẳng định để đĩa than phổ quát rộng rãi còn cần thời gian dài. Nhà sản xuất rõ ràng vất vả trong quá trình làm đĩa và người yêu nhạc cũng phải đầu tư một khoản không nhỏ cho thú chơi quý tộc này.
Bởi ngoài việc luôn tìm thực đơn là đĩa than có giá không hề thấp như vậy thì còn phải có mâm nghe và dàn âm thanh... tức một không gian để thưởng thức chứ không phải nghe qua loa máy tính hay điện thoại. Mà những dàn âm thanh này thì tùy vào chất lượng mà có giá khác nhau, tất nhiên có những bộ lên đến cả nghìn đô là chuyện bình thường. Điều này, vô hình trung đã lệch với mặt bằng chung là thưởng thức âm nhạc bình dân thường thấy của người Việt.
Tất cả những khó khăn trên lý giải vì sao có sự dè dặt của nghệ sĩ cũng như nhà sản xuất đối với... đĩa than. Thế nên, gần đây sự xuất hiện trở lại của đĩa than bằng những sản phẩm mới được xem là một tín hiệu mừng cho nền nhạc Việt. Bởi rõ ràng, một phần nào đó chứng tỏ đối tượng khách hàng đã có sự nâng tầm thị hiếu và bắt đầu quay lại thời kỳ nghe nhạc tinh tế, để có sự thẩm và thấu. Còn nhà sản xuất thì bắt đầu nhen nhóm niềm tin.
Cái hay của thú thưởng nhạc của đĩa than ở chỗ, nó như thể có bùa mê. Nhiều người đã chót mê thú nghe nhạc này đặc tả: Nghe nhạc bằng đĩa than nó giống như quá trình thưởng trà. Ta phải chọn trà ngon, ướp trà sao cho đượm để rồi nhâm nhi thưởng thức. Nó khác hẳn với loại cà phê hòa tan của thời đại công nghiệp. Bởi vậy, ai đã quen yêu nhạc bằng đĩa than, thì thực sự khó bỏ. Đĩa than giúp người yêu nhạc cảm nhận được sự tinh tế của âm nhạc để rồi quay về gìn giữ những giá trị nguyên sơ, xưa cũ trong cả tác phẩm và kỹ thuật thu âm.
Ca sĩ Quang Dũng vừa giới thiệu đĩa than Tình ca Phạm Duy
Tuy nhiên, một thực tế rằng, “xài” đĩa than vẫn được xem là cuộc chơi tốn kém. Đem mối băn khoăn này đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, ông cũng cho rằng: Đĩa than chủ yếu phục vụ đối tượng khán giả có gu thưởng thức âm nhạc ở tầng cao, đã là tín đồ của đĩa than. Từ trước tới nay, đối tượng khán giả này vẫn có một số lượng nhất định. Số còn lại chủ yếu là phục vụ cho những phòng nhạc chuyên nghiệp và lưu trữ làm tư liệu cho các dự án âm nhạc cần thanh âm chuẩn.
Tuy nhiên, vị nhạc sĩ này cũng bày tỏ niềm lạc quan bởi “tai” thưởng thức âm nhạc của khán giả đã ngày càng được nâng cao. Và nhu cầu thưởng thức thứ âm nhạc thời thượng thì thời nào cũng có.
Dù chưa phải là nhiều như đang thấy ở thị trường quốc tế, nhưng với sự xuất hiện của những sản phẩm mới, có thể thấy đĩa than đang dần quay lại và len lỏi vào đời sống âm nhạc. Nếu nói, sự trở lại này là một sự hồi sinh cũng đúng, bởi khi người nghe tìm đến, nhà sản xuất bắt đầu tin tưởng vào thị trường băng đĩa thì hẳn nó là tín hiệu mừng cho thấy giá trị âm nhạc đích thực luôn có những tâm hồn đồng điệu.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chỉ có thể nhìn vào sự hồi sinh một cách dè dặt này để kỳ vọng. Bởi con đường đi của nó còn dài, thực tế mới chỉ là những “món ngon” dành cho người sành điệu. Còn để đến một lúc nào đó, đĩa than là sự lựa chọn phổ quát thì quả là con đường dài. Nhưng mới chỉ là manh nha của sự hồi sinh thì nó vẫn là nguồn động viên cho người làm nhạc bởi vẫn có những đối tượng thưởng thức âm nhạc theo chiều sâu. Và đương nhiên, với xu thế đó ta có quyền tin tưởng vào “gu” thẩm mỹ và thưởng thức âm nhạc đẹp trong tương lai.
Huy An
-
“Cảm xúc tháng 10”: Tái hiện lịch sử và vẻ đẹp Hà Nội qua âm nhạc
-
Bức Tường - Sự lan tỏa vượt thời gian đến thế hệ Gen Z
-
Bolero được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại
-
BlackPink tiếp tục gia hạn hợp đồng với công ty chủ quản
-
Bí quyết sống thọ không tốn kém của người dân vùng đất Blue zones