ĐBQH chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng
Ngày 8/11, Quốc hội dành trọn cả ngày để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. |
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, bắt đầu từ 8h sáng 08/11, Quốc hội nghe: Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 (Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm); Báo cáo công tác năm 2022 của Viện trưởng VKSNDTC (Viện trưởng Lê Minh Trí); Báo cáo công tác năm 2022 của Chánh án TANDTC (Chánh án Nguyễn Hòa Bình); Báo cáo về công tác thi hành án năm 2022 (Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long); Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 (Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong). Đồng thời, Quốc hội cũng nghe các Báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội có liên quan về các nội dung trên.
Thảo luận về các báo cáo này, các ý kiến thống nhất với nhận định của Chính phủ về tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, các ĐBQH cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục trong lĩnh vực này.
Cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tập trung phân tích vấn đề “tham nhũng vặt”. Theo đại biểu, “tham nhũng vặt” diễn ra đa dạng và ngày càng tinh vi, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc hay giải quyết không đến nơi đến chốn, giải quyết không khách quan, không theo hướng tháo gỡ mà theo cách “bóp chặt”. Với cách làm đó, người dân, doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần, đòi hỏi phải quà cáp biếu xén... thậm chí nhiều vụ việc còn đòi hỏi phí bôi trơn. Điều đáng lo ngại là điều này ngày càng trở nên phổ biến.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội. (Ảnh: VPQH) |
Tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của nhân dân. Cử tri, nhân dân mong Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội - ĐB Nguyễn Anh Trí phát biểu.
Tăng cường xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp
Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Thanh Hóa) đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp. Còn đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng, cần ngăn chặn các chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động đấu thầu. Đại biểu chỉ ra 5 chiêu trò phổ biến được sử dụng để lách luật trong hoạt động đấu thầu; đồng thời cho rằng muốn ngăn chặn tội phạm trong lĩnh vực này, cần công khai là giải pháp của mọi giải pháp. Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo thực hiện chặt chẽ 6 công khai trong đấu thầu, bao gồm công khai về điều kiện dự thầu; danh sách, năng lực của nhà thầu; điều kiện trúng thầu; quá trình chấm thầu; kết quả chấm thầu; kết quả giải quyết khiếu nại của nhà thầu.
Xử lý nghiêm các vi phạm trên thị trường chứng khoán
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho biết, cử tri và nhân dân quan tâm đến việc xử lý các vụ việc nổi cộm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch của thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua. Có những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tôi, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định. (Ảnh: VPQH) |
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp. Các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.
Tăng cường phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cảnh báo về nguy cơ mất an toàn thông tin lại đang có chiều hướng gia tăng. Công tác phòng chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi; đặc biệt trong công cuộc chuyển đổi số, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên không gian mạng, nền tảng số, nguy cơ về mất an toàn thông tin lại đang có chiều hướng gia tăng. Các hoạt động tội phạm công nghệ cao còn nhắm đến việc ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân. Đáng lo ngại hơn nữa là sự tràn lan của các tin giả. Do đó, Chính phủ, bộ ngành cần tiếp tục quan tâm ban hành chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ nhằm phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: VPQH) |
Cùng mối quan tâm, đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) đề nghị kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng nhằm hạn chế tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Đại biểu Lý Văn Huấn cho rằng, tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ dẫn đến việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên các mạng xã hội, dùng giấy CMND giả để mua tài khoản sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành các tài khoản cũng chưa chặt chẽ. Do đó, cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản, việc sử dụng các tài khoản của các cá nhân; có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng.
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: VPQH) |
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến án tử hình
Quan tâm về công tác thi hành án và thi hành án tử hình, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai), Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, thực tiễn tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc duy trì hình phạt tử hình là một biện pháp cần thiết để trừng trị, răn đe và phòng ngừa các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy công tác giải quyết hồ sơ án tử hình và quản lý giam giữ thi hành án tử hình là một nhiệm vụ rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn chưa quyết liệt, chưa kịp thời và chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Công tác giam giữ, thi hành án tử hình có nhiều khó khăn do đối tượng bị kết án từ hình thời gian gần đây tăng nhanh.
Do đó, đại biểu đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan đến án tử hình cho phù hợp với điều kiện trong tình hình mới; tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm từ sớm, từ xa, đặc biệt là tội phạm về ma túy, không để sơ hở các đối tượng tiếp tục lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để công tác quản lý gian xứ và thi hành án tử hình được thực hiện an toàn, bảo đảm theo quy định của pháp luật, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các tổ nghiệp vụ phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước sớm có biện pháp để tháo gỡ những khó khăn trong việc quản lý thi hành án đối với những người bị kết án tử hình đang tạm giam tại trại tạm giam của công an các địa phương, đồng thời tiến hành rà soát cụ thể, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ người bị kết án tử hình đã đủ điều kiện, nhất là số người đã giam giữ nhiều năm nhằm giảm áp lực cho công tác quản lý giam giữ tài của các đơn vị, địa phương.
Đại biểu đề nghị Quốc hội sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về thời gian xét đơn xin ân giảm án tử hình để việc thi hành án tử hình kịp thời, không để kéo dài quá phức tạp.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tội phạm giết người, cướp tài sản, cá độ trên không gian mạng, hiếp dâm, xâm hại trẻ em…; khẩn trương xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; tăng cường đấu tranh triệt phá tội phạm ma túy; nâng cao hiệu quả triển khai phiên tòa trực tuyến; phân bổ nguồn lực xây dựng cơ sở, trang thiết bị cho các cơ quan tư pháp…
P.V
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí
-
Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế
-
Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi mở rộng đất làm nhà ở thương mại
-
Phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 7-7,5%
-
Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Bình Giã
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Doanh nghiệp nhà nước phải hoạt động theo quy luật thị trường
-
Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
-
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí