Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Dạy lịch sử cần có cảm hứng lớn và sự trung thực

08:50 | 10/12/2015

1,106 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày qua, dư luận bức xúc chuyện Bộ GD&ĐT dự định bỏ môn Lịch sử. Nói chính xác hơn là ghép việc học sử vào một môn khác. Tôi không biết dự án đó có thực hiện không, nhưng nếu có thì trong con mắt tôi, đó thực sự là một sai lầm.

Trước hết, đứng về mặt tâm lý, khi học sinh thấy chính nhà trường (người có quyền lực nhất đối với học sinh) không còn coi trọng môn Lịch sử thì học sinh sẽ không còn cảm hứng học môn Lịch sử nữa.

Tác động tâm lý này thật không nhỏ. Sau đó, việc không đặt môn học Lịch sử như một môn học quan trọng và bắt buộc tôi phải nghĩ rằng: Việc giáo dục công dân bắt đầu có những sai lầm trong bản chất của nền giáo dục. 

day lich su can co cam hung lon va su trung thuc
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Chúng ta đã từng đặt ra câu hỏi vì sao học sinh không thích học môn Sử? Số học sinh trong các kỳ thi bị rơi vào điểm chết của môn Sử ngày càng nhiều. Nếu xét một cách nghiêm túc thì 10% là do học sinh, còn 90% là lỗi của giáo dục. Phải thú thật rằng: Chúng ta chưa biết dạy môn Lịch sử. Phương pháp dạy môn Lịch sử cho từng cấp học quá thô cứng và thiếu tính khoa học.

Chúng ta đã không hề hiểu tâm lý học sinh và tiến trình nhận thức lịch sử của học sinh. Khi hiểu được điều đó, chúng ta sẽ tìm ra được phương pháp dạy môn Lịch sử một cách khoa học và tạo được cảm hứng học môn này cho học sinh và sẽ mang lại hiệu quả.

Cách đây không lâu, dư luận đã tranh cãi về phim lịch sử. Hầu hết các bài báo đều có ý phê phán bộ phim này đã dùng 21 tỉ của Nhà nước để làm phim mà khi chiếu chẳng mấy ai đến xem. Tôi chưa có dịp xem bộ phim đó nên không dám bàn ở đây. Nhưng có một điều chúng ta đều biết là, lâu nay những phim đặt hàng như vậy thường thất bại. Thất bại về cả hai mặt: Thất bại thứ nhất là thất bại về mặt tuyên truyền và thất bại thứ hai là thất bại về mặt tài chính.

Vì khi phim đề tài lịch sử không có ai xem thì không thu được tiền và không có ai xem hoặc quá ít người xem thì chẳng tuyên truyền được cho ai dù rằng bộ phim ấy có ý nghĩa lớn lao đến thế nào. Có một thực tế là, tuyên truyền về một vấn đề gì đó thì phải đến được nhiều người. Hay nói chính xác hơn là phải chiếm được lòng người thì mới thành công. Một tác phẩm văn học nghệ thuật cho dù có ý tưởng to lớn đến đâu mà nghệ thuật để truyền tải ý tưởng đó kém thì hầu như chẳng có tác dụng gì.

 Có một sự thật đau lòng là người Việt Nam lại hiểu biết và yêu các sự kiện lịch sử và các nhân vật lịch sử của thế giới hơn là các sự kiện lịch sử và các nhân vật lịch sử của chúng ta.

day lich su can co cam hung lon va su trung thuc
Tượng Nguyễn Trãi ở Vườn hoa Hà Đông

 Cách đây chừng 10 năm, tôi cùng một nhóm nhà báo đã làm một khảo sát nhỏ đối với các học sinh phổ thông trung học. Cuộc khảo sát này chỉ với một câu hỏi: “Em thích ai hơn, Quang Trung hay Quan Vân Trường?”. Hơn 90% học sinh được hỏi đều trả lời thích Quan Vân Trường hơn Quang Trung. Một bất ngờ lớn. Nhưng hơn cả sự bất ngờ là một nỗi đau. Không phải Quan Vân Trường đáng yêu hơn Quang Trung mà là các nhà sử học, các nhà văn, các nhà điện ảnh Trung Quốc tài hơn các nhà sử học, các nhà văn, các nhà điện ảnh Việt Nam.

  Các nhà văn, các nhà điện ảnh và đôi lúc cả các nhà sử học phải kể về những sự kiện và nhân vật lịch sử một cách sống động nhất với một cảm hứng mạnh mẽ nhất cùng với một trí tưởng tượng phong phú nhưng hợp lý nhất. Nhưng đối với các học sinh từ tiểu học đến phổ thông trung học, họ cần một tình yêu với các nhân vật lịch sử dân tộc trước, họ cần có cảm hứng hay tò mò với các sự kiện lịch sử trước rồi sau đó mới cần có những kiến thức cơ bản mang tính khoa học về nhân vật lịch sử đó và sự kiện lịch sử đó sau khi các em đến độ tuổi có khả năng nhận thức sâu sắc và phức tạp hơn về các vấn đề chính trị, xã hội, lịch sử, văn hóa…

 Vì thế mà ngay cả các nhà sử học cũng phải có một phương pháp khác đi khi viết về các nhân vật lịch sử. Nhưng hầu hết các nhân vật lịch sử trong các tác phẩm nghệ thuật của chúng ta chỉ là những vật liệu thô cứng trong của lịch sử chứ không phải là những chế tác đầy sáng tạo từ lịch sử ấy. Họ hầu như chẳng có đời sống cá nhân. Họ chỉ là một trong những chữ cái, những con số vô hồn được ghép vào một câu hay một dãy số để chỉ một sự kiện hay một giai đoạn lịch sử.

 Chính vì thế mà những nhân vật lịch sử và những sự kiện của chúng ta rất khó trở thành một người bạn và khó để lại ấn tượng trong tâm hồn của hậu thế. Hơn nữa, cách dạy sử của chúng ta không có hiệu quả. Bởi thế mà học sinh chán học sử như chúng ta từng phải cảnh báo về vấn đề này trong những năm gần đây.

 Khi học sinh không yêu các nhân vật lịch sử và các sự kiện lịch sử thì sau này lớn nên nếu ai trong số họ trở thành các nhà văn hay các đạo diễn điện ảnh thì chắc chắn họ cũng chẳng có cảm hứng để làm về những nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử.

Đã không có cảm hứng, không có tình yêu lại thêm cách tuyên truyền khô cứng như hiện này thì khó mà có được những tác phẩm về lịch sử hấp dẫn được. Và không hấp dẫn thì người ta không đến xem là chuyện đương nhiên cho dù họ yêu dân tộc, yêu lịch sử của dân tộc đến thế nào chăng nữa.

 Năm 2013, tôi đến dự Liên hoan thơ ở nước Cộng hòa Yakutia thuộc Nga. Hơn 70% người Yakutia là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn. Tôi đã nghe các nhà sử học, nhà thơ và người dân Yakutia kể về Thành Cát Tư Hãn vô cùng sống động với rất nhiều trí tưởng tượng và lòng kiêu hãnh. Nhưng điều cuối cùng trong câu chuyện đó lúc nào họ cũng nói: “Nhưng Thành Cát Tư Hãn đã bị đánh bại ở Việt Nam”.

 Tôi rất bất ngờ về chuyện đó. Câu chuyện những người dân Yakutia kể về Thành Cát Tư Hãn cho thấy hai điều quan trọng nhất khi nói về một nhân vật lịch sử, một sự kiện lịch sử hay toàn bộ lịch sử: Điều thứ nhất là, sự huyền thoại hóa bởi tình yêu với nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử và điều thứ hai là, tính xác thực không được phép đánh tráo về nhân vật lịch sử đó và sự kiện lịch sử đó. Chỉ như vậy những người kể về lịch sử mới hoàn thành đầy đủ sứ mệnh của mình: Làm cho hậu thế hiểu đúng về lịch sử và yêu lịch sử đó.

 Câu chuyện tôi kể trên ít nhiều gợi ý cho những nghệ sĩ sáng tác các tác phẩm ở mọi thể loại về nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử và cả cách dạy lịch sử của chúng ta. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến các bức tượng về các nhân vật lịch sử hay danh nhân của dân tộc mà tôi từng được nhìn thấy.

 Ví dụ như bức tượng đại thi hào Nguyễn Trãi ở một vườn hoa bên bờ sông Nhuệ, quận Hà Đông, Hà Nội. Một bức tượng mà chẳng khắc họa được chút gì về con người vĩ đại và đầy bi kịch này. Một Nguyễn Trãi mà cứ tưởng đó là một diễn viên Chèo từ cách ăn mặc, đến dáng đứng, nét mặt… Người sáng tạo ra bức tượng Nguyễn Trãi lại chẳng… sáng tạo một chút gì.

  Nếu chúng ta cứ tư duy như thế và sáng tạo như thế thì và dạy lịch sử như thế chẳng bao giờ chúng ta có thể làm cho hậu thế yêu lịch sử được. Và cứ như thế thì 10 năm sau, 20 năm sau… chúng ta hỏi học sinh thích Quang Trung hơn hay thích Quan Vân Trường hơn thì chúng ta lại nhận được câu trả lời như nhiều năm về trước: “Em thích Quan Vân Trường hơn là Quang Trung”.

 Ví dụ về người anh hùng áo vải Quang Trung và một nhân vật trong lịch sử Trung Quốc Quan Vân Trường chỉ là một cách nói về cách dạy lịch sử cho các thế hệ trẻ mà thôi. Ví dụ đó có thể chỉ làm cho những người quản lý giáo dục nước Nhà nhếch mép cười. Nhưng xin thưa, khi chúng ta không dạy lịch sử với một cảm hứng lớn và sự trung thực, chúng ta sẽ gián tiếp giết chết lịch sử.

Thế mà, lẽ ra chúng ta phải tư duy để tìm cách dạy lịch sử một cách sống động nhất thì chúng ta tìm cách “lãng quên” hay trốn tránh môn học vô cùng quan trọng này.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều