“Đầu tư không tới sẽ làm dự án KHCN thất bại!”
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường về đề tài ngăn kéo và cơ chế xin cho, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận có một số loại đề tài xếp ngăn kéo. Bộ trưởng cũng cho rằng đó là vì đề tài không xuất phát từ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết hàng năm, chi cho khoa học công nghệ không phải ở mức 1.300 tỷ mà khoảng 3.000 tỷ đồng. Thuật ngữ đề tài xếp ngăn kéo thường được nghe, nhưng thực chất có 3 loại. Thứ nhất là nghiên cứu cơ bản vì những nghiên cứu như vậy thường đi trước, phải chờ đợi sự phát triển của thời đại, đến một lúc nào đó mới có thể ứng dụng.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân
Thứ hai là những nghiên cứu ứng dụng. Bộ trưởng Nguyễn Quân trả lời chất vấn của các Đại biểu Nguyễn Thị Khá, Nguyễn Sỹ Cương rằng, do những đề tài này muốn trở thành hàng hóa phải có đầu tư. “Rất nhiều đề tài nghiên cứu thành công nhưng không tìm được nguồn đầu tư, ngân sách nhà nước chỉ chi cho nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm. Doanh nghiệp nước lại nhỏ và siêu nhỏ nên chưa đủ năng lực đầu tư, bởi vậy nhiều nghiên cứu tốt vẫn phải chờ các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài”, người đứng đầu ngành khoa học công nghệ đặt vấn đề.
Liên quan đến Luật khoa học công nghệ 2013, nhiều Đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật quy định: những nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước phải theo đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh chứ không phải từ ý thích của các nhà khoa học. Nghị định 08 của Bộ Khoa học cũng quy định cơ chế đặt hàng.
Theo đó tổ chức, cá nhân được đề xuất, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước phải căn cứ vào nhiệm vụ, xác định đề xuất đó có phù hợp nhu cầu không, sau đó mới đề xuất với các cơ quan quản lý về KHCN. Cơ quan đó phải cam kết sau khi nghiên cứu thành công phải được ứng dụng vào thực tiễn. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, nếu thực hiện nghiêm luật KHCN 2013 sẽ không còn hiện tượng đề tài xếp ngăn kéo…
Về vấn đề lãng phí trong nghiên cứu khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận, còn lãng phí trong lĩnh vực này. Theo Luật KHCN, chi hàng năm cho KHCN là khoảng 2% ngân sách, tương đương 22 nghìn tỉ đồng năm 2014. Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp, nên con số này năm 2014 chỉ trên dưới 17 nghìn tỉ đồng. Trong số đó, 40% chi cho đầu tư phát triển cho cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ, 40% dành cho chi thường xuyên (lương cán bộ CNVC hoạt động trong ngành KHCN) và chỉ còn 20% dành cho hoạt động nghiên cứu (3.850 tỉ đồng) cho các nghiên cứu từ cơ sở đến quốc gia.
Con số trên là quá ít và theo người đứng đầu ngành KHCN thì “Đầu tư không tới ngưỡng dễ làm dự án khoa học công nghệ thất bại”. Bộ trưởng cũng cho rằng, trong mô hình 4 nhà đang áp dụng cho ngành nông nghiệp, quan điểm của Bộ KHCN khác với Bộ NN và PTNT, đó là Nhà nước phải đứng vai trò trung tâm. Nếu Nhà nước không làm hết trách nhiệm của mình thì 3 nhà còn lại chỉ còn nước… bó tay mà thôi.
Lê Tùng (theo Năng lượng Mới)
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng